Sau nhiều ngày trao đổi, đàm phán với Tổng cục Thể dục Thể thao (TCTDTT), CLB Hải Đăng và Lý Hoàng Nam quyết định đổi ý. Tay vợt số 1 Việt Nam vẫn sẽ tham dự SEA Games 32, thậm chí còn hoãn nhiều việc cá nhân để thực hiện nghĩa vụ quốc gia.
Vì sao Lý Hoàng Nam đổi ý?
Ngay sau khi có thông tin Lý Hoàng Nam từ chối lên tuyển dự SEA Games 32, TCTDTT đã làm việc cùng Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) và CLB Hải Đăng để cùng gỡ nút thắt cho vấn đề. Câu chuyện giữa 3 bên đi vào ngõ cụt khi Tổng thư ký VTF trả lời trên truyền hình, nói lỗi trong khâu chuẩn bị Davis Cup thuộc về TCTDTT và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh, chứ không phải VTF.
Việc VTF từ chối nhận trách nhiệm trong công tác hậu cần, khiến đội tuyển Quần vợt Việt Nam thua đau ngay trên sân nhà khiến những người trong cuộc cảm thấy không hài lòng. Nhiều tay vợt đưa ra dẫn chứng cho biết hàng năm, tiền thưởng từ tham dự Davis Cup được trích ra 50% cho VTF, thay vì chuyển toàn bộ cho VĐV và HLV.
Bức xúc trước câu trả lời của VTF, CLB Hải Đăng quyết định bảo lưu ý định ban đầu. Họ không muốn cho Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang cùng nhiều VĐV, HLV khác lên đội tuyển quốc gia nữa. Bản thân Lý Hoàng Nam cũng quyết định đặt lịch tổ chức lễ cưới ngay trong dịp SEA Games 32 diễn ra, như để khẳng định anh sẽ không tham dự giải đấu này.
Mọi chuyện tưởng chừng như đã khép lại ở "phút 90", thì kết quả bất ngờ thay đổi nhờ sự xuất hiện của một nhân vật: Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng TCTDTT. Từ chỗ kiên quyết từ chối hợp tác vì không hài lòng với cách làm của VTF và TCTDTT, phía CLB Hải Đăng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Mọi nút thắt sau đó được tháo gỡ nhanh chóng.
Trong phát biểu mới nhất, Tổng cục trưởng TCTDTT Đặng Hà Việt khẳng định Lý Hoàng Nam vẫn sẽ tham dự SEA Games 32. Người đồng đội của Lý Hoàng Nam là Trịnh Linh Giang cũng thi đấu sau khi hoàn toàn bình phục chấn thương, bên cạnh một số tay vợt, huấn luyện viên phụ trách chuyên môn từ CLB Hải Đăng.
Trong vụ việc của Lý Hoàng Nam, có thể thấy tiếng nói của Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt đóng vai trò quyết định khiến CLB Hải Đăng đổi ý. Trước khi nhận trách nhiệm trên cương vị người đứng đầu ngành Thể dục Thể thao, ông Đặng Hà Việt từng có thời gian làm Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TPHCM, Giám đốc Trung tâm HLTTQG TPHCM.
Nhưng với những người làm thể thao, vị trí để lại nhiều dấu ấn nhất của ông Đặng Hà Việt chính là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam. Với xuất thân là VĐV bóng rổ, ông Đặng Hà Việt đã giúp môn thể thao này đón đầu xu hướng xã hội hóa. Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) trở thành một trong những sân chơi thể thao tầm cỡ khu vực, cải thiện đáng kể thu nhập của những người làm nghề.
Chờ một xu thế mới
Quần vợt không phải môn thể thao duy nhất chứng kiến mâu thuẫn giữa các bên liên quan trong thời gian qua. Khiêu vũ thể thao (thuộc Liên đoàn Thể dục Việt Nam) và nhiều bộ môn võ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có một điểm chung của những mâu thuẫn bùng phát. Đây đều là những môn nhận nguồn vốn xã hội hóa, nhưng các doanh nhân bỏ tiền vào lại không được phép phát triển theo hướng họ muốn.
Câu chuyện Lý Hoàng Nam quyết định không tham dự SEA Games, sau đó đổi ý là phần nổi của một tảng băng chìm. Những hiện tượng đó cho thấy mâu thuẫn về đường hướng phát triển. Một bên là những câu lạc bộ, những liên đoàn thể thao đại diện cho cách làm mới cùng xu hướng xã hội hóa. Phía còn lại cố gắng duy trì cách làm cũ, có phần cứng nhắc và bảo thủ.
Nếu không có sự hiện diện của Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt, một người có tư duy đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, có lẽ Lý Hoàng Nam và CLB Hải Đăng sẽ không thay đổi ý kiến ban đầu. Việc này thể hiện sức ảnh hưởng của một người thay đổi hoàn toàn bộ mặt một môn thể thao, và có thể tiếp tục làm điều đó trong thời gian tới.
Trước "sự cố Lý Hoàng Nam", ông Đặng Hà Việt đã tiếp nhận vị trí Tổng cục trưởng TCTDTT gần 1 năm nhưng ít khi xuất hiện trên truyền thông. Nhưng với những gì đã làm được, tân Tổng cục trưởng hoàn toàn có khả năng trở thành người tiên phong trong việc ghi nhận, đóng góp của nguồn lực xã hội hóa với ngành thể thao. Đây cũng có thể là phần việc chính của ông Đặng Hà Việt trong nhiệm kỳ này.
Bên cạnh ông Đặng Hà Việt, 2 nhân vật khác cũng khẳng định được sức ảnh hưởng trong vụ việc vừa qua là Lý Hoàng Nam và CLB Hải Đăng. Trên thực tế, trình độ và đẳng cấp Lý Hoàng Nam sở hữu dường như không đại diện cho quần vợt Việt Nam. Ở những giải đấu quốc gia, có thể thấy Hoàng Nam thi đấu vượt trội so với những tay vợt còn lại.
Trước thời điểm Lý Hoàng Nam tham dự SEA Games, quần vợt Việt Nam chưa bao giờ giành được HCV tại môn thể thao quý tộc này. Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại SEA Games tới nếu tay vợt số 1 Việt Nam không góp mặt. Trong điều kiện bộ môn quần vợt đăng ký chỉ tiêu giành HCV SEA Games 32, họ bắt buộc phải có Lý Hoàng Nam trong đội hình.
Về phía CLB Hải Đăng, có thể xem họ là người chiến thắng bên cạnh Lý Hoàng Nam. Là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đổ tiền vào quần vợt, Hải Đăng như một ốc đảo phát triển môn thể thao này. Nếu họ không còn đồng hành nữa, có lẽ Việt Nam sẽ mất thêm nhiều thập niên để tìm ra Lý Hoàng Nam thứ hai.
Những tay vợt Việt kiều sẽ tiếp tục xuất hiện ở SEA Games 32?
Ở kỳ SEA Games 31 vừa diễn ra, quần vợt Việt Nam chứng kiến nhiều tay vợt Việt kiều góp mặt như Csilla Fodor, chị em Chanelle Vân Nguyễn, Savanna Lý Nguyễn. Họ là những người giúp quần vợt Việt Nam có thêm 1 HCB nội dung đồng đội nữ. Cá nhân Chanelle Vân Nguyễn giành HCĐ nội dung đơn nữ. Xu hướng các tay vợt Việt kiều lên đội tuyển quốc gia có thể tiếp tục trong thời gian tới.
Tại Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, TP Hồ Chí Minh đã triệu tập Thái Sơn Kwiatkowski về thi đấu. Anh giúp đơn vị này giành HCV nội dung đôi nam. Thái Sơn Kwiatkowski từng tham dự một số giải Grand Slam, và bảng thành tích trong quá khứ có thể giúp anh tiếp tục thành công trong những giải đấu tới.
Bên cạnh Thái Sơn Kwiatkowski, quần vợt TP Hồ Chí Minh còn sở hữu 2 tay vợt Việt kiều là Ivan Miranda Chang David và Sophia Huỳnh Trần Ngọc Nhi. Họ có thể là những VĐV quan trọng mang đến xu hướng mới cho đội tuyển quần vợt Việt Nam trong tương lai, khi Lý Hoàng Nam đang phải cày ải quá nhiều nội dung thi đấu.