Lý giải “cơn sốt” chinh phục Mặt trăng trên khắp toàn cầu

Cực Nam của Mặt trăng có sự hiện diện của nước đóng băng - dấu hiệu của sự sống, nên đó là lý do để các cơ quan vũ trụ cũng như nhiều quốc gia chạy đua khám phá khu vực này cũng như thực hiện các sứ mệnh chinh phục vũ trụ đầy thử thách khác.

an-do-mat-trang-8988-9705
Người dân Thủ đô New Delhi ăn mừng sự kiện tàu vũ trụ Ấn Độ hạ cánh thành công trên Mặt trăng

Dấu ấn lịch sử của Ấn Độ

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Cơ quan vũ trụ Ấn Độ ngày 23-8 đã hạ cánh lên cực Nam của Mặt trăng, mở ra cơ hội khám phá vùng đất kỳ bí mà con người rất muốn chạm tới. Hôm đó, hàng triệu khán giả trên khắp Ấn Độ đã theo dõi buổi phát trực tiếp về cuộc đổ bộ của tàu vũ trụ Chandrayaan-3. Sau cú tiếp đất thành công, người dân đổ ra đường reo hò, ăn mừng đầy phấn khích.

Việc hạ cánh lên Mặt trăng luôn là một nỗ lực đầy thách thức, nhất là khu vực cực Nam đầy những miệng núi lửa và rãnh sâu. Các cuộc đổ bộ của phi hành đoàn Apollo trước đây cũng như tàu vũ trụ Chandrayaan-2 năm 2019 của Ấn Độ đã thất bại. “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc hạ cánh trên Mặt trăng là một thử thách thực sự, nhưng Mặt trăng mang lại phần thưởng khoa học to lớn, đó là lý do tại sao gần đây chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nỗ lực thăm lại bề mặt này. Chúng tôi muốn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, bao gồm cả từ tàu Chandraayan-3 của Ấn Độ”, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết.

Sứ mệnh của tàu vũ trụ Ấn Độ lần này thậm chí chịu áp lực hơn bởi ngay trước đó, hôm 20-8, tàu Luna 25 của Nga vốn được lên kế hoạch hạ cánh ở cực Nam nhưng đã mất kiểm soát khi tiếp cận và bị rơi. Với sự thành công của

Chandrayaan-3, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ hai hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt trăng vào thế kỷ 21 sau Trung Quốc, quốc gia đã đưa 3 tàu đổ bộ lên bề mặt Mặt trăng kể từ năm 2013. Đến nay, Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc là 3 quốc gia duy nhất thành công trong việc này. Sự kiện làm nên lịch sử này đã trở thành niềm tự hào to lớn đối với đất nước 1,4 tỷ dân khi họ thực hiện những bước đi đầy thách thức để trở thành quốc gia tiên phong về không gian và củng cố vị thế cường quốc toàn cầu.

Tầm quan trọng của nghiên cứu về nước trên Mặt trăng

Hiện hơn 10 quốc gia có kế hoạch thực hiện các chuyến bay lên Mặt trăng trong những năm tới, bao gồm cả tàu thám hiểm của Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản dự kiến sẽ cất cánh vào cuối tháng 8 này. Mỹ cũng có kế hoạch đưa 3 tàu thương mại lên Mặt trăng bắt đầu trong năm nay, trong khi NASA tiếp tục nỗ lực hướng tới sứ mệnh Artemis III, có thể đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng ngay sau năm 2025.

Tại sao chinh phục Mặt trăng lại trở thành cuộc đua tranh mạnh mẽ như vậy? Ở góc độ khoa học, ngay từ những năm 1960, trước khi tàu Apollo của Mỹ hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng, các nhà khoa học đã suy đoán rằng nước có thể tồn tại trên đó. Các nhà khoa học quan tâm đến băng trên Mặt trăng vì nếu tồn tại với số lượng đủ lớn, đó có thể là nguồn nước uống cho hoạt động thám hiểm Mặt trăng và có thể giúp làm mát thiết bị. Nó cũng có thể sử dụng để sản xuất hydro làm nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh khám phá vũ trụ khác.

Năm 2008, các nhà nghiên cứu của Đại học Brown đã xem xét lại các mẫu đất Mặt trăng đó bằng công nghệ mới và tìm thấy hydro bên trong các hạt thủy tinh núi lửa. Vào năm 2009, một thiết bị của NASA trên tàu thăm dò

Chandrayaan-1 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã phát hiện ra nước trên bề mặt của Mặt trăng. Cùng năm đó, một tàu thăm dò khác của NASA chạm tới cực Nam đã tìm thấy băng bên dưới bề mặt Mặt trăng. Nơi tập trung băng nhiều nhất là ở các miệng hố bị che khuất ở cực Nam. Khu vực cực Nam được coi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và khoa học quan trọng đối với các quốc gia du hành vũ trụ, vì các nhà khoa học tin rằng khu vực này là nơi có trữ lượng băng nước.

Ở góc độ cạnh tranh xác định chủ quyền trên vũ trụ, bên nào đến trước và khai thác trước đều có lợi thế. Hiệp ước ngoài vũ trụ của Liên hợp quốc năm 1967 cấm bất kỳ quốc gia nào tuyên bố quyền sở hữu Mặt trăng. Năm 2020, Hiệp định Artemis được NASA và Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra đã thiết lập bộ nguyên tắc cho việc khám phá Mặt trăng và sử dụng các nguồn tài nguyên của nó. Hiệp định này có 27 bên ký kết, nhưng đến nay Trung Quốc và Nga chưa tham gia.

 
Yến Chi / ANTĐ