Triều Tiên có thể sắp tiến hành một vụ phóng vệ tinh ở cơ sở Sohae nhằm tạo thêm sức ép chính trị với Mỹ trong đàm phán tương lai, sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim không đạt kết quả như kỳ vọng.
Các công trình đang được khôi phục tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên. Ảnh: Maxar. |
Chỉ một tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được kết quả, tình báo Hàn Quốc và nhiều nhà phân tích quốc tế công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang xây dựng lại một bệ thử động cơ và bãi phóng ở cơ sở phóng vệ tinh Sohae, hay còn gọi là Tongchang-ri.
Đây là thông tin rất được dư luận thế giới chú ý, làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên đang tìm cách "nắn gân" Mỹ và có thể làm gia tăng trở lại căng thẳng giữa hai nước, khiến hai lãnh đạo chấm dứt nỗ lực ngoại giao của mình và quay lại với chính sách đe dọa "lửa và thịnh nộ", theo Vox.
Sohae chính là cơ sở mà Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết sẽ "phá dỡ vĩnh viễn" trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 năm ngoái. Bình Nhưỡng sau đó cũng có những bước đi đầu tiên nhằm chấm dứt hoạt động của cơ sở này. Tổng thống Trump mới đây tuyên bố ông sẽ "rất thất vọng với Chủ tịch Kim" nếu Triều Tiên nối lại hoạt động ở Sohae.
"Họ về cơ bản là đang lắp lại những thứ họ đã tháo dỡ sau hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim đầu tiên ở Singapore", Victor Cha, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định. Cha và nhiều chuyên gia khác nhận định ông Kim Jong-un có nhiều lý do để cho nối lại các hoạt động ở bãi phóng Sohae sau một thời gian dài im ắng.
Ông Kim rời khỏi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội mà không đạt được kết quả như kỳ vọng, đó là Triều Tiên được dỡ bỏ các lệnh cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế và tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân nước này. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin đậm về hành trình của ông tới hội nghị và mối quan hệ được cải thiện với Mỹ, nhưng không nhắc đến kết quả không được như kỳ vọng của cuộc gặp.
Thỏa thuận chung không được đưa ra tại hội nghị đồng nghĩa với việc triển vọng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu cải thiện và Bình Nhưỡng tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt. Truyền thông Mỹ hôm qua dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết ông Kim đã đưa ra thông điệp vào phút chót tại hội nghị thượng đỉnh với Trump, trong nỗ lực cứu vãn đàm phán, nhưng không được phía Mỹ chấp nhận.
Những thông tin trên truyền thông Mỹ vẽ ra hình ảnh lãnh đạo Triều Tiên ở thế yếu so với Trump và khao khát một thỏa thuận hơn so với Tổng thống Mỹ. Điều này có thể buộc Bình Nhưỡng phải có những động thái nhất định nhằm tạo đòn bẩy nâng vị thế của mình trong các cuộc đàm phán tương lai, theo Jenny Town, chuyên gia tại Trung tâm Stimson.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại khách sạn Metropole ở Hà Nội hồi tuần trước. Ảnh: Reuters. |
Một số quan sát viên lo ngại rằng việc khôi phục bãi phóng Sohae là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ quay lại với chương trình hạt nhân, tên lửa của mình nhằm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới và tăng sức nặng đàm phán. Nhưng Joel S. Wit, chuyên gia tại trang 38 North, cho rằng đây là kịch bản rất khó xảy ra ở tương lai gần.
Theo Wit, việc sử dụng cơ sở Sohae để phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) không chỉ là động thái thiếu khôn ngoan mà còn rất mạo hiểm. Vụ phóng thử như vậy sẽ châm ngòi cho làn sóng chỉ trích trong dư luận quốc tế, kể cả từ Trung Quốc, quốc gia được coi là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng không có lý do gì để đưa ICBM lên một bệ phóng cố định ở Sohae dưới sự theo dõi sát sao của tình báo Mỹ, trong khi họ có thể khai hỏa nó từ một bệ phóng di động vốn có thời gian chuẩn bị rất ngắn và đảm bảo tính bí mật hơn rất nhiều. Tên lửa đạn đạo xuất phát từ Sohae rất dễ bị phát hiện ngay từ khâu chuẩn bị và không loại trừ khả năng bị phá hủy trong hành trình bay hoặc thậm chí ngay trên bệ phóng.
Bởi vậy, Wit tin rằng việc Triều Tiên khôi phục lại cơ sở Sohae là để phục vụ cho một vụ phóng vệ tinh vào vũ trụ trong tương lai. Triều Tiên đã sử dụng các tên lửa đẩy không gian (SLV) xuất phát từ Sohae để đưa các vệ tinh vào vũ trụ từ năm 2011 và họ luôn tin rằng các vụ phóng vệ tinh này không liên quan gì tới chương trình tên lửa, hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, Mỹ lại tin rằng chương trình không gian và bãi phóng Sohae của Bình Nhưỡng có đóng góp không nhỏ để các kỹ sư Triều Tiên hoàn thiện tên lửa tầm xa. Một vụ phóng vệ tinh ở Sohae tháng 4/2012 đã làm sụp đổ "Thỏa thuận ngày nhuận" được chính quyền tổng thống Barack Obama ký với Bình Nhưỡng trước đó hai tháng, vì Washington cho rằng đây là một vụ thử tên lửa tầm xa trá hình.
Bởi vậy, các chuyên gia tin rằng tuyên bố phá dỡ hoàn toàn cơ sở Sohae của Kim Jong-un là một nỗ lực nhằm "bịt lỗ hổng" trong nhận thức chung giữa Mỹ với Triều Tiên về các vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Giờ đây, với việc xây dựng lại cơ sở Sohae, ông Kim dường như đang mở ra lỗ hổng đó và phát đi thông điệp chính trị quan trọng tới Trump.
"Triều Tiên đã nhiều lần thể hiện sự tức giận khi Mỹ không chịu dỡ bỏ các lệnh cấm vận để đổi lấy việc nước ngày ngừng chương trình hạt nhân", chuyên gia Town nói. "Bằng cách gia tăng hoạt động ở Sohae, ông Kim có vẻ đang tìm cách gây sức ép với Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để họ loại bỏ những biện pháp trừng phạt tài chính và mở lại khu kinh tế liên Triều".
Việc gia tăng sức ép chính trị bằng một vụ phóng vệ tinh được coi là lựa chọn hợp lý với ông Kim, bởi Triều Tiên có thể viện dẫn lý do cho hành động này là nhằm phục vụ chương trình khám phá không gian vì mục đích hòa bình. Đây là cách giải thích có thể dễ dàng được Trung Quốc và Nga chấp thuận, trong khi nó vẫn gây được áp lực dư luận đáng kể với chính quyền Trump.
Binh sĩ Triều Tiên đứng gác cạnh tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh lên vũ trụ ở cơ sở Sohae năm 2012. Ảnh: KCNA. |
Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên khóa 14 sắp được tổ chức ở Bình Nhưỡng và một vụ phóng vệ tinh từ cơ sở Sohae trong vài tuần tới sẽ giúp ông Kim chứng minh trước các đại biểu rằng ông không chùn bước trước các lệnh cấm vận của Mỹ. Vụ phóng cũng có thể giúp ông có thêm tự tin khi hướng về phía Mỹ và phát đi thông điệp "Hãy cùng tìm ra một thỏa thuận", Wit nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng kịch bản này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù hành động phóng vệ tinh sẽ không gây ra căng thẳng như những vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân đe dọa lục địa Mỹ.
"Một vụ phóng vệ tinh khác hẳn với vụ thử ICBM, nhưng chắc chắn nó sẽ tạo ra rắc rối với chính quyền Trump", Vipin Narang, chuyên gia hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhận định. "Nó có thể khiến tình hình trở nên phức tạp, đặc biệt là khi các cố vấn có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên như John Bolton lấy cớ này để thúc ép Trump từ bỏ đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng".
Chuyên gia Mỹ nói bãi phóng tên lửa Triều Tiên hoạt động trở lại
Những phân tích từ hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng lại bệ phóng ở bãi phóng vệ tinh Sohae được tiến hành ... |
Ảnh vệ tinh hé lộ Triều Tiên xây lại bãi phóng tên lửa tầm xa
Ảnh chụp vệ tinh, ghi nhận chỉ hai ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội kết thúc, cho thấy Bình ... |