Hôm 11/10, Mỹ-Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại ‘một phần’, và có một nhân tố đã thúc đẩy Trung Quốc chấp nhận thỏa thuận trên. Đó chính là việc nước này cần nhập khẩu thịt lợn.
Việc Trung Quốc cần nhập khẩu lợn từ Mỹ hoàn toàn là sự thật, bởi trước khi đạt được thỏa thuận thương mại vừa qua, số lượng lợn Bắc Kinh nhập từ Washington đã tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, số lượng thịt lợn Trung Quốc mua từ Mỹ đã tăng gấp 3 lần từ tháng 1/2019 tới tháng 8/2019, và số lượng thịt nhập khẩu liên tục tăng lên trong thời gian này.
Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu lợn được lý giải vì dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nước này. Bệnh tả lợn châu Phi tuy không gây hại tới con người, nhưng lại có thể khiến lợn tử vong trong một tuần. Sự lây nhiễm dịch bệnh tại Trung Quốc nặng nề tới mức Ngân hàng Rabobank của Hà Lan đưa ra dự báo rằng, Trung Quốc có thể mất 20-70% số lợn nuôi của nước này, tầm 350 triệu con lợn tương đương 1/4 số lợn trên toàn cầu.
Dịch tả lợn khiến TQ có thể mất 350 triệu con lợn trong năm 2019 |
Theo tờ Diplomat, lượng tiêu thụ thịt lợn thường niên của Trung Quốc vào khoảng 700 triệu con, bởi vậy dịch bệnh đã gây tác động tới gần một nửa số lượng lợn của ‘quốc gia tỷ dân’ tiêu thụ một năm. Và hậu quả là giá thịt lợn đã tăng từ mức 28 Nhân dân tệ (100.000 VND)/kg lên 41 Nhân dân tệ (khoảng 140.000 VND)/kg. Thêm nữa, việc thịt lợn tăng giá cũng khiến người tiêu dùng phải nghĩ ngợi hơn cho việc chi tiêu, và đẩy tỉ lệ lạm phát thực phẩm lên mức 10%.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lợn lớn nhất trên thế giới, vượt qua số lượng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm Mỹ, Nga, Brazil và 27 nước châu Âu cộng lại . Và hậu quả của việc thịt lợn tăng giá đã khiến người dân ‘quốc gia tỷ dân’ phiền lòng, bởi việc “giá thịt lợn lên cao tới mức thật sự không thể ăn nổi”. Thậm chí có nhiều vụ ẩu đả vì sự thiếu hụt thịt lợn đã xảy ra.
Số liệu những quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ lợn nhiều nhất thế giới. Ảnh: OECD |
Khi mức tiêu chuẩn đời sống tăng cao, mà thịt lợn lại được coi là một phần thiết yếu của người dân Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu sự thiếu hụt thịt lợn của nước này. Cụ thể, chính quyền đã xả hơn 10.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia, tương đương với gần 180.000 con lợn.
Tuy nhiên số lượng trên gần như là ‘muối bỏ bể’ so với mức tiêu thụ của người dân nước này. Bởi trên thực tế, những biện pháp chính quyền ‘quốc gia tỷ dân’ đưa ra không giải quyết được vấn đề cốt lõi rằng: Trong thời điểm hiện tại, số lượng lợn ở Trung Quốc là không đủ. Và để đối mặt với thách thức to lớn này, ‘quốc gia tỷ dân’ không còn cách nào khác ngoài việc tăng nhập khẩu nhằm giảm mức thiếu hụt.
Và may mắn cho Bắc Kinh, khi Mỹ lại là nước sản xuất thịt lợn lớn thứ hai trên thế giới. Với động thái ‘nhượng bộ’ nhằm mua thịt lợn của Mỹ không những giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thịt lợn đang diễn ra tại Trung Quốc, mà đây còn là biểu hiện cho sự thiện chí cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: AP |
Tuy nhiên tờ Diplomat nhận định, ‘sự nhượng bộ’ mà Bắc Kinh đưa ra khi mua thịt lợn Mỹ không xuất phát từ ‘thiện chí’, mà xuất phát từ nhu cầu của nước này. Dĩ nhiên, thỏa thuận thương mại ‘một phần’ vừa qua là một bước tiến lớn, nhưng những vấn đề khác như thao túng tiền tệ và tài sản trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, họ không nhìn thấy sự phát triển thương mại trong thời gian tới thông qua động thái Trung Quốc mua nhiều nông sản Mỹ vừa rồi.
Trung Quốc ra điều kiện đạt thỏa thuận với Mỹ |
EU và Anh nỗ lực để hoàn tất thoả thuận Brexit vào phút chót |
Thoả thuận Brexit đã vào chặng nước rút nhưng chưa thể hoàn tất |