Một số quan chức cấp cao của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này đơn giản là chỉ gia hạn các biện pháp trừng phạt cũ mà không nghĩ đến những hạn chế mới. Theo họ, "nhu cầu trừng phạt đang yếu đi và điều đó ngày càng trở nên khó khăn hơn với gói trừng phạt mới".
Các nhà ngoại giao và quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết không ai muốn nói về một gói trừng phạt mới sau khi Hungary cảnh báo phản đối. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà tài phiệt Nga.
Nếu Ukraine và những nước ủng hộ Kiev muốn EU có thêm các lệnh trừng phạt trong thời gian ngắn đối với Nga, điều này dường như là không thể vì sự phản đối của Hungary. Mới nhất, Budapest phản đối việc gia hạn lệnh trừng phạt của EU đối với các nhà tài phiệt Nga, đồng thời kêu gọi loại 3 doanh nhân Nga khỏi danh sách trừng phạt.
Đáp lại, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 15/9 cho biết trong một tuyên bố rằng Hungary không còn có thể được coi là một nền dân chủ và các giá trị châu Âu đang bị đe dọa do hệ thống ở nước này. Trong báo cáo của mình, các thành viên EP đã liệt kê một loạt các mối quan ngại - từ hoạt động của hệ thống bầu cử đến sự độc lập về tư pháp của nước này.
Nghị viện châu Âu cũng cảnh báo về tự do học thuật và tôn giáo, cùng với quyền của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, những động thái của Hungary cho thấy Thủ tướng Viktor Orban sẵn sàng sử dụng các công cụ trên để làm đòn bẩy chính trị.
Hơn 6 tháng sau cuộc xung đột, EU hiện dường như đã mất đi động lực trừng phạt của mình. Trong vài tháng đầu tiên khi cuộc xung đột nổ ra, các nhà ngoại giao và quan chức châu Âu đã tích cực phối hợp nhằm gây tổn thương đối với các ngành công nghiệp của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt.
Sự đoàn kết của EU trong nỗ lực gây áp lực lên nền kinh tế Nga - ngay cả trong bối cảnh phải trả giá bằng những tổn thất của chính mình, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng - đã làm kinh ngạc ngay cả một số nhà phê bình gay gắt nhất của EU.
Nhưng giờ đây, như một số quan chức cấp cao của các nước thành viên EU cho biết, khối này đơn giản là chỉ gia hạn các biện pháp trừng phạt cũ mà không nghĩ đến những hạn chế mới. Theo họ, "nhu cầu trừng phạt đang yếu đi và điều đó ngày càng trở nên khó khăn hơn với gói trừng phạt mới".
Sự trì hoãn kéo dài trong việc thông qua lệnh cấm khai thác dầu của EU đối với Nga - và quá trình tranh cãi gay gắt nhằm đưa ra các biện pháp miễn trừ và bồi thường cho các quốc gia như Hungary - đã để lại những ký ức đau đớn. Động thái gần đây của Hungary chỉ là một lời nhắc nhở khác về vấn đề này. Đối với một gói trừng phạt mới, mối lo ngại là Hungary có thể không chỉ làm trì hoãn, mà còn thực sự ngăn chặn hoàn toàn.
Và không chỉ có Hungary, còn có lo ngại về lập trường của Italy đối với các lệnh trừng phạt mới khi nước này có chính phủ mới. Ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu của Italy, cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga gây tổn thương đối với nước này và kêu gọi các nhà lãnh đạo khác suy nghĩ lại cách tiếp cận của họ.
Nhìn chung ở Tây Âu, sự "mệt mỏi" về các lệnh trừng phạt đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là khi ngày càng khó tìm ra các biện pháp làm tổn thương Nga mà không gây thiệt hại cho EU về mặt kinh tế. Quan trọng hơn, sự tức giận ngày càng tăng của cử tri về năng lượng và giá tiêu dùng tăng cao cũng đang khiến các chính trị gia châu Âu lo lắng.
Ủy ban châu Âu hiện muốn tập trung vào việc thực thi các lệnh trừng phạt hiện có và khắc phục các lỗ hổng tiềm ẩn. Nhưng đó cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Thứ trưởng Tư pháp Ukraine Iryna Mudra, trong tháng này có kế hoạch công du các nước EU và Mỹ để thuyết phục họ truy tìm tài sản của những người Nga bị trừng phạt và tịch thu chúng.
EU đã đặt một số cơ sở pháp lý cho các bước như vậy vào đầu năm nay, nhưng việc đề xuất luật có thể khiến các biện pháp trừng phạt vi phạm vấn đề về quyền miễn trừ chủ quyền. Sự "mệt mỏi" của châu Âu do các lệnh trừng phạt khiến Ukraine và các nước EU đi đầu chống Nga chẳng hạn như Ba Lan và các nước Baltic, thất vọng.
Các nhà ngoại giao EU cho biết, một số nước vẫn đang vận động cho một vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga. Họ có một loạt các đề xuất: Một là giới hạn giá dầu, như đã thảo luận trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7); tiếp theo là trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân của Nga, do tình hình tại nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia của Ukraine.
Các đề xuất khác là các biện pháp trừng phạt đối với các dịch vụ đám mây, tiền điện tử và các công nghệ khác. Trong khi chiến dịch từ các quốc gia chống Nga mạnh mẽ sẽ tiếp tục, họ có thể phải chờ đợi. Một quan chức EU cho biết: "Không ai muốn nói về các biện pháp trừng phạt thêm nữa vào lúc này".