Lưu ý khi chế biến và ăn cà tím

Cà tím có nhiều chất dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Tuy nhiên, trong cà tím có chứa một số chất có thể gây ngộ độc khi ăn. Vì vậy, khi chế biến và ăn cà tím cần một số lưu ý để tránh ngộ độc.

Thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong thành phần của cà tím có: 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protid, 0,2% lipid... Đặc biệt, trong cà tím chứa chất solanine, có tác dụng chống ô xy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng chất này cũng có tác dụng kích thích lên các trung tâm hô hấp, gây mê. Khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây ngộ độc solanine. Vì vậy, không nên uống nước ép cà tím vì rất dễ xảy ra ngộ độc khi cà chưa được nấu chín. Nếu ăn quá nhiều cà tím đã nấu chín cũng vẫn có thể bị ngộ độc solanine.

Điều này xuất phát từ khả năng hòa tan trong nước của solanine không đáng kể nên kể cả khi đun sôi cũng không phá hủy được chất này. Để làm giảm nồng độ của solanine, khi chế biến cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine.

Trong cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại rau củ nào với nồng độ 0,01mg/100g. Để tránh độc, không nên ăn cà tím quá 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 100-200g bằng cách nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm. Ngoài ra trước khi chế biến, nên ngâm cà tím qua nước pha muối, sau đó rửa lại sẽ làm cà tím mềm hơn và loại bỏ gần hết vị đắng, món ăn sẽ ngon hơn.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1045486/luu-y-khi-che-bien-va-an-ca-tim

TƯ VĂN / HNM.com.vn