Lưu ý gì khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ?

Theo Bộ Y tế, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này góp phần tăng diện bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng.

Hiện nay, một số vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12-17.

Tại Việt Nam, Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi triển khai trên toàn quốc từ tháng 11, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Song song với tổ chức Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Lưu ý gì khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ?

Trước tiêm

Trước khi tiêm vaccine COVID-19, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị trước tinh thần cho trẻ bằng cách nói chuyện về những gì sẽ xảy ra. Trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc.

Trẻ cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch như khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định. Bên cạnh đó cũng như tất cả các loại vaccine khác, trẻ sẽ được khám sàng lọc trước tiêm.

Trẻ hoặc cha mẹ, người giám hộ cần nói với bác sĩ về bất kỳ trường hợp trẻ có bệnh nền, tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine hay bất kỳ dị nguyên nào.. để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phù hợp trong buổi khám sàng lọc.

Cha mẹ, người giám hộ sẽ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này) trước khi tiêm.

Trong tiêm

Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Khoảng cách giữa 2 mũi là 3 - 4 tuần với liều lượng vaccine như người lớn (liều 0,3ml chứa 30mcg vaccine)

Cha mẹ cần thường xuyên động viên, trấn an trẻ. Ngoài ra, để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm và trong 15 phút sau khi tiêm.

Cha mẹ, người giám hộ chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế các thông tin về loại vaccine phòng COVID-19 con bạn được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo. Các dấu hiệu có thể xuất hiện sau khi tiêm và cách xử lý. Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Sau tiêm

Sau tiêm vaccine COVID-19, trẻ được yêu cầu ở lại trong 15 - 30 phút để theo dõi sức khỏe, trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, các cán bộ y tế sẽ xử trí ngay.

Trẻ có thể bị một số tác dụng phụ, đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng lớp bảo vệ. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày.

Các tác dụng phụ thông thường có thể gặp như: Đau, đỏ, sưng tại vị trí tiêm; toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn

Phụ huynh có thể làm giảm đau và khó chịu nơi vị trí tiêm cho trẻ bằng cách đắp khăn sạch, mát và ướt lên vị trí này, kèm vận động cánh tay trẻ nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, để giảm khó chịu do sốt, hãy cho trẻ uống nhiều nước và ăn mặc thoáng.

Các phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 là hiếm gặp, thường xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm như: Tê quanh môi và/hoặc lưỡi; phát ban, mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã…

Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên như: sốt cao ≥ 39 độ C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp, đau cơ dữ dội. Nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Bộ Y tế phân ra 4 nhóm chỉ định trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em.

Thứ nhất, nếu trẻ có phản vệ với vaccine đã tiêm lần trước đó thì không nên tiêm. Tuy nhiên, hiện trẻ ở Việt Nam chưa từng tiêm vaccine COVID-19 trước đó, điều này đồng nghĩa hầu hết các em sẽ được tiêm. Nếu trẻ nào có phản vệ với các thành phần trong vaccine COVID-19 thì sẽ không được tiêm.

Thứ hai, các cơ sở tiêm chủng chỉ hoãn tiêm vaccine cho trẻ trong trường hợp đang bị nhiễm trùng cấp tính hoặc đang trong quá trình điều trị các bệnh mãn tính.

Thứ ba, nhóm thận trọng - tất cả nhân viên y tế cần thận trọng khi tiêm vaccine cho trẻ bị dị ứng, rối loạn hành vi, rối loạn tri giác.

Thứ tư, nhóm trẻ tiêm trong bệnh viện. Các trẻ thuộc nhóm này có bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính cần tiêm trong bệnh viện để được theo dõi sức khoẻ tốt hơn sau tiêm.

PV (th)

Sinovac tuyên bố  vaccine COVID-19 an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi Sinovac tuyên bố vaccine COVID-19 an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi
7 địa phương đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 7 địa phương đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Sức khỏe 18 trẻ ở Hà Nội bị tiêm nhầm vaccine COVID-19 hiện thế nào? Sức khỏe 18 trẻ ở Hà Nội bị tiêm nhầm vaccine COVID-19 hiện thế nào?

/ Nghề nghiệp và cuộc sống