- Infographic: Mức lương cơ sở qua các năm thay đổi như thế nào?
- Xây dựng mức lương thỏa đáng để hạn chế tham nhũng
Theo khảo sát về thực trạng đời sống của công nhân lao động thực tế tại doanh nghiệp trong vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) thực hiện trong tháng 4/2022 với hơn 2000 công nhân tại các doanh nghiệp cho thấy, 55,6% người lao động có tiền lương và thu nhập vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống. Trong khi đó, hơn 23% người lao động phải chi tiêu tằn tiệm, kham khổ mới đủ sống, còn hơn 13% người lao động không đủ sống với mức lương hiện nay.
Điều đó cho thấy, nhu cầu tăng lương của người lao động là cấp thiết và chính đáng. Không thể chần chừ việc tăng lương cho người lao động, đây cũng là ý kiến của các chuyên gia, đại biểu đến từ nhiều bộ ngành tại Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh” do Tổng LĐLĐVN tổ chức chiều 26/4.
Chật vật với đồng lương
Hàng loạt khảo sát, báo cáo thực tế về đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp hiện nay đều khẳng định người lao động đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi mức lương và thu nhập thấp. Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng LĐLĐVN thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn trước hàng loạt chi phí phải trang trải.
“Có một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù công nhân, người lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng như: ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ... Có lẽ vì vậy làm việc vất vả nhưng lương thấp nên theo khảo sát có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu trăn trở.
Tiếp tục trong khảo sát thực trạng đời sống vừa được thực hiện trong tháng 4/2022 của Tổng LĐLĐVN với 2.016 người lao động tại các doanh nghiệp cho thấy chỉ một nửa số đó vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống, còn lại là những người luôn phải sống trong khó khăn. Khảo sát cho biết, 12% người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống, 35,5% người lao động thỉnh thoảng phải đi vay tiền (với tần suất 3 – 4 tháng/lần), 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 – 2 lần/năm, chỉ có 17,8% người lao động là không phải đi vay.
Cùng với đó, 20,2% số công nhân lao động khảo sát cho biết đã từng phải tiêu “của để dành” (rút bảo hiểm xã hội một lần) để trang trải cuộc sống, sau đó lại tiếp tục tham gia. “Đó là khảo sát vừa được thực hiện của Tổng LĐLĐVN, còn điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1 - 2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần), 41% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền”, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho hay.
Tạo áp lực lên quan hệ lao động
Ông Nguyễn Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) cho biết, chỉ trong quý I/2022 đã diễn ra 64 cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên cả nước, tăng 40% (20 cuộc) so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể, đình công tự phát này là do vấn đề tiền lương và chế độ phúc lợi cho người lao động.
“Người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng, bữa ăn ca chưa đảm bảo. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng mà dịch COVID-19 lại làm cho người lao động bị giảm, thiếu, mất việc làm dẫn đến thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng. Ảnh hưởng của dịch khiến hàng loạt chi phí phát sinh, giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng cao dẫn đến việc người lao động cạn kiệt, thậm chí là khánh kiệt về tài chính. Bên cạnh đó còn có hàng loạt nguyên nhân khác nữa dẫn đến ngừng việc, đình công tập thể như: điều kiện lao động không đảm bảo, doanh nghiệp né tránh đóng bảo hiểm xã hội, tổ chức tăng ca quá quy định…”, ông Quảng cho biết.
Theo ông Quảng, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp hiện nay luôn tiềm ẩn các mâu thuẫn phát sinh thành tranh chấp. Do đó, việc Chính phủ sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho người lao động sớm cải thiện cuộc sống, vừa hỗ trợ tích cực cho người lao động và doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế thấp nhất các mâu thuẫn dẫn đến phát sinh đình công, ngừng việc tập thể, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế, góp phần tích cực cho việc duy trì, ổn định trật tự xã hội.
Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan, người sử dụng lao động và người lao động cùng đang gặp khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng. Tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi nó giúp người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn.
“Ai cũng nói lao động là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp, cần nuôi dưỡng chăm lo chu đáo cho nguồn lực quyết định này. Thế nhưng, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa “chốt” mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% và điều chỉnh từ ngày 1/7/2022 để đề xuất Chính phủ thì một số hiệp hội lại đề xuất hoãn lại. Do đó, Viện Công nhân và Công đoàn đề nghị các hiệp hội nên cân nhắc và rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu cho người lao động. Thực tế, có 69,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát ủng hộ quan điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022. Việc tăng lương tối thiểu cũng nhằm để thu hút lao động, thúc đẩy chuyển đổi số và phù hợp với quy luật kinh tế thị trường”, bà Lan cho hay.
https://cand.com.vn/Kinh-te/luong-thap-nhieu-cong-nhan-song-kho-khan-i651827/