- Chỉ định thầu 2 dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang
- Không để xảy ra tình trạng bán thầu cao tốc Bắc-Nam
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2025, tổng mức đầu tư giảm hơn 1.200 tỷ đồng.
Vướng mắc tài chính cản tiến độ
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chưa thể cán đích vào năm 2023 như dự kiến do còn gặp nhiều vướng mắc về nguồn vốn - Ảnh minh họa
Tờ trình nêu rõ: Theo Quyết định số 1131 ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1471 ngày 31/7/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT, thời gian thực hiện dự án đã được gia hạn đến ngày 31/12/2023.
Tại thời điểm tháng 7/2020, Bộ GTVT trình thời gian hoàn thành dự án là ngày 31/12/2023 với dự kiến các vướng mắc về vốn cho dự án được các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm được gia hạn, đến nay, dự án vẫn gặp phải một số vướng mắc.
Cụ thể, thủ tục bố trí vốn nước ngoài cho các gói thầu đoạn sử dụng vốn vay JICA và thủ tục bố trí vốn đối ứng cho dự án vẫn chưa hoàn thành; Việc sử dụng vốn dư Hiệp định vay ADB lần 02 để hoàn thành các gói thầu đoạn phía Tây chưa được chấp thuận; Thời gian dừng chờ thi công quá lâu do không có vốn, dẫn đến một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng, khiếu kiện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra tòa.
Đồng thời, VEC phải thực hiện đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu thi công mới. Do đó, dự án không thể hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
"Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công quý 3/2014. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ về đích năm 2023.
Dự án được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác đường cao tốc với quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 100km/h, theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A."
Theo báo cáo của VEC, đối với các gói thầu đoạn phía Tây, sử dụng vốn vay ADB (do Hiệp định vay vốn ADB đã đóng nên VEC đề xuất sử dụng vốn của VEC để hoàn thành khối lượng còn lại), khối lượng còn lại tập trung chủ yếu tại các gói thầu A1, A2-2 và A4.
Dự kiến, gói thầu A1 hoàn thành ngày 31/12/2023, gói thầu A2-1 hoàn thành ngày 30/12/2022; Gói thầu A2-2 hoàn thành ngày 21/9/2023; Gói thầu A3 hoàn thành ngày 12/12/2022 và gói thầu A4 hoàn thành ngày 30/6/2023. Như vậy, đoạn tuyến phía Tây sẽ hoàn thành toàn bộ vào ngày 31/12/2023.
Đối với các gói thầu đoạn giữa, sử dụng vốn vay JICA, thời gian thi công gói thầu J1 là 22 tháng và gói thầu J3 là 21 tháng (chưa bao gồm thời gian các Nhà thầu thực hiện công tác huy động lại công trường từ 3 - 6 tháng).
Hiện, nhà thầu J3 đã chấm dứt hợp đồng và VEC đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công mới. Dự kiến, các Gói thầu J1 và J3 hoàn thành vào quý 2/2025.
Đối với các gói thầu đoạn phía Đông, sử dụng vốn vay ADB, gói thầu A5 đã cơ bản hoàn thành. Gói thầu A7 sẽ hoàn thành ngày 30/9/2023.
Do nhà thầu A6 đã chấm dứt hợp đồng và VEC đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công mới nên gói thầu này dự kiến sẽ hoàn thành quý 1/2024.
Ngoài ra, VEC đang nghiên cứu đầu tư bổ sung hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 51 theo quy mô hoàn chỉnh để đảm bảo kết nối liên thông với Quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác. Dự kiến, hạng mục công trình này hoàn thành vào quý 3/2025.
Tại cuộc họp trực tuyến lần 2 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận: “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo VEC khẩn trương triển khai thi công lại, đưa dự án vào khai thác chậm nhất quý 3/2025”.
Căn cứ các cơ sở trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2025.
Theo cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC sẽ tự bố trí hơn 6.600 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án - Ảnh minh họa.
Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn thế nào?
Tờ trình của Bộ GTVT cũng cho biết, trên cơ sở các văn bản số 1795 ngày 5/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án, Quyết định số 2072 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC, Bộ GTVT đã có quyết định số phê duyệt tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án là 31.320 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB là hơn 13.654 tỷ đồng; Vốn vay ADF3 là gần 341 tỷ đồng (Cơ chế tài chính là ngân sách nhà nước cấp phát trực tiếp cho dự án). Vốn vay JICA hơn 11.975 tỷ đồng (Cơ chế tài chính là ngân sách nhà nước cấp phát trực tiếp cho dự án); Vốn đối ứng là hơn 5.689 tỷ đồng.
Vốn vay ADF3, JICA và vốn đối ứng đều theo cơ chế tài chính là ngân sách nhà nước cấp phát trực tiếp cho dự án.
Theo nội dung điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án được cập nhật đến thời điểm hiện nay là 30.073 tỷ đồng (giảm 1.247 tỷ đồng).
Trong đó, vốn vay ADB hơn 8.950 tỷ đồng, giảm hơn 4.704 tỷ đồng (Vốn vay OCR là gần 8.689 tỷ đồng, giảm hơn 4.644 tỷ đồng. Cơ chế chế tài chính là Chính phủ cho vay lại 100% vốn vay nước ngoài.
Vốn vay ADF hơn 281,4 tỷ đồng (giảm hơn 59 tỷ đồng). Cơ chế tài chính là Chính phủ cho vay lại 100% vốn vay nước ngoài.
Vốn vay JICA là hơn 10.587 tỷ đồng (giảm 1.388,376 tỷ đồng). Trong đó, phần vốn JICA đã giải ngân trước ngày 08/11/2013 (trước khi ban hành Quyết định số 2072/QĐ-TTg) là 4,044 tỷ đồng (Cơ chế chế tài chính là Chính phủ cho vay lại 100% vốn vay nước ngoài); Phần vốn JICA giải ngân từ ngày 08/11/2013 đến khi hoàn thành là hơn 10.583 tỷ đồng. Cơ chế tài chính là ngân sách nhà nước cấp phát trực tiếp cho Dự án.
Vốn đối ứng đã giải ngân từ khi bắt đầu triển khai dự án đến hết năm 2018 là hơn 3.872 tỷ đồng (giảm hơn 1.817 tỷ đồng). Cơ chế tài chính là ngân sách nhà nước cấp phát trực tiếp cho dự án.
Vốn VEC tự bố trí (vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trợ) khoảng hơn 6.662 tỷ đồng.
Khoản vốn này sẽ được dùng bổ sung vốn đối ứng còn lại (từ năm 2019 đến khi kết thúc dự án) khoảng 758 tỷ đồng để thay thế vốn đối ứng do ngân sách nhà nước cấp phát theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Bổ sung vốn để hoàn thiện các gói thầu phía Tây do Hiệp định vay ADB lần 01 số 2730-VIE đã đóng và đầu tư các công trình phục vụ điều hành và thu phí hoàn vốn (Nhà trạm thu phí, Trung tâm điều hành giao thông, Nhà điều hành quản lý khai thác...) do JICA không đồng ý tài trợ. Tổng giá trị các hạng mục này là khoảng hơn 1.540 tỷ đồng.
Bổ sung vốn để hoàn thiện nút giao QL51 khoảng 1.100 tỷ đồng để kết nối liên thông hoàn chỉnh với QL51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự kiến chi phí khiếu kiện của các nhà thầu do dự án không được bố trí vốn, phải dừng chờ thi công kéo dài được tư vấn giám sát đánh giá sơ bộ khoảng 840,5 tỷ đồng.
Các khoản VEC đã chi, cần đưa vào trong tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.546 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng khoảng gần 877 tỷ đồng để thực hiện một số chi phí tư vấn phục vụ công tác cập nhật dự toán, hồ sơ mời thầu đối với một số gói thầu đã chấm dứt hợp đồng phải đấu thầu lại; chi phí xây lắp, tư vấn các gói thầu sử dụng vốn vay ADB trường hợp không thể hoàn thành và giải ngân trong thời gian có hiệu lực của Hiệp định vay ADB lần 02 số 3391-VIE.