Trung Quốc huy động các đội tự quản, tình nguyện viên ở mọi phường xã, thực hiện một trong những chiến dịch kiểm soát xã hội lớn nhất lịch sử.
Mục tiêu của chiến dịch rầm rộ này là khiến người dân tại các khu dân cư, làng xã hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc nhau, ngoại trừ người thân thích trong gia đình, nhằm chống lại dịch Covid-19 đang hoành hành.
Tình nguyện viên phun thuốc khử trùng ở Chiết Giang ngày 30/1. Ảnh: Reuters. |
Chiến dịch chống Covid-19 dựa vào lực lượng cấp cơ sở kiểu "trống giong cờ mở" này gây liên tưởng đến phong trào quần chúng thời Mao Trạch Đông cách đây nhiều thập kỷ. Chiến dịch này về cơ bản là giao phó việc phòng chống dịch bệnh cho từng đội tự quản, để lãnh đạo các khu phố hay làng xóm giám sát cư dân.
Các tổ dân phố ở một số thành phố đã ban hành thẻ đi lại để kiểm soát tần suất cư dân rời khỏi nhà. Bảo vệ các tòa chung cư không cho người thuê vào nhà nếu họ vừa trở về từ tỉnh thành khác. Các nhà ga chặn người vào thành phố nếu họ không thể chứng minh đang sống hoặc làm việc ở điểm đến. Ở nông thôn, lối vào làng bị những nhóm thanh niên đeo băng đỏ canh gác, chắn bằng những chiếc xe, lều bạt hay chướng ngại vật khác.
Mặc dù Trung Quốc có rất nhiều công cụ giám sát công nghệ cao, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 chủ yếu vẫn do hàng trăm nghìn nhân viên cộng đồng và thành viên đội tự quản thực hiện. Họ kiểm tra thân nhiệt của người dân, ghi lại hoạt động đi lại của họ, giám sát cách ly và nhiệm vụ quan trọng nhất là ngăn chặn những người đến từ vùng khác có thể mang nCoV.
Các biện pháp kiềm tỏa đang ảnh hưởng tới khoảng 780 triệu người, hơn một nửa dân số Trung Quốc. Nhiều người trong số này sống xa Vũ Hán, nơi dịch Covid-19 khởi phát.
Trung Quốc sử dụng hệ thống quản lý "lưới", chia đất nước thành các cộng đồng rất nhỏ và phân công người giám sát từng cộng đồng, từ đó kiểm soát chặt chẽ quần thể lớn. Trên khắp Trung Quốc, các khu phố và làng xóm ban hành quy định riêng về việc đi lại của người dân, nghĩa là số người bị ảnh hưởng có thể còn cao hơn. Chính sách ở các nơi khác nhau, khiến hoạt động ở một số địa phương bị tê liệt, trong khi những nơi khác chỉ có ít hạn chế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một cuộc "chiến tranh nhân dân" toàn diện để dập dịch. Tuy nhiên, các lệnh hạn chế đi lại đã ngăn công nhân quay trở lại nhà máy và doanh nghiệp, gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc. Khi các biện pháp kiểm soát hoạt động đi lại của người dân được giao phó cho cấp cơ sở, một số đã trở nên sát sao đến mức cực đoan.
Chồng của Lịch Tinh, 40 tuổi, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, gần đây bị hóc xương cá nhưng bà không thể đưa chồng đi viện, vì khu phố chỉ cho phép một người trong gia đình rời khỏi nhà mỗi ngày.
"Sau khi dịch bệnh được công khai, chính quyền trung ương gây áp lực rất lớn cho các quan chức địa phương", bà Lịch nói. "Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh giữa các khu vực, các chính quyền địa phương chuyển từ quá dè dặt sang các biện pháp cực đoan".
Tỉnh Chiết Giang với dân số gần 60 triệu người có 330.000 nhân viên giám sát. Tỉnh Hồ Bắc triển khai 170.000 người. Tỉnh Quảng Đông huy động 177.000 người, Tứ Xuyên 308.000 người và Trùng Khánh 118.000 người.
Chính quyền cũng kết hợp nhân lực tự quản khổng lồ với công nghệ để theo dõi những người có nguy cơ nhiễm nCoV. Các mạng di động nhà nước Trung Quốc cho phép thuê bao gửi tin nhắn tới đường dây nóng để tạo danh sách các tỉnh mà họ đã đến gần đây.
Tuần trước, tại một ga đường sắt cao tốc ở thành phố Nghĩa Ô, các nhân viên mặc đồ bảo hộ yêu cầu hành khách gửi tin nhắn báo cáo vị trí của họ trước khi được phép rời đi. Ứng dụng của một nhà sản xuất thiết bị điện tử quân sự cho phép công dân Trung Quốc nhập tên và số thẻ căn cước để biết liệu họ có tiếp xúc, ngồi cùng máy bay, tàu hoặc xe buýt với người nhiễm nCoV hay không.
Còn quá sớm để xác định liệu chiến lược của Trung Quốc có hạn chế được dịch hay không. Với số lượng lớn ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày, chính phủ rõ ràng có lý do để hạn chế người dân đi lại và tiếp xúc với nhau. Nhưng các chuyên gia cho rằng các biện pháp quá khắt khe có thể phản tác dụng, khiến những người nhiễm bệnh trốn tránh và dịch bệnh khó kiểm soát hơn.
Tại Chiết Giang, một trong những tỉnh phát triển nhất của Trung Quốc và là nơi Alibaba cùng các công ty công nghệ khác đặt trụ sở, nhiều người kể rằng họ không được phép vào căn hộ của mình ở Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh, sau khi trở về từ nơi khác. Họ được yêu cầu xuất trình giấy tờ bảo lãnh từ chủ nhà hoặc chủ lao động, nếu không thì buộc phải "ra đường".
Đối với Tôn Na Đạt, 20 tuổi, người đến thăm gia đình ở Ôn Châu, thành phố ven biển ở Chiết Giang, nỗi sợ hãi dịch bệnh biến thành cách ly bắt buộc. Tháng này, khi Tôn bị tức ngực, mẹ khuyên cô đến bệnh viện. Cô không bị sốt cao nhưng bệnh viện đã cho cô làm xét nghiệm, tất cả đều âm tính với nCoV.
Dù vậy, khi trở về căn hộ, cô vẫn bị yêu cầu cách ly trong hai tuần. Cô được thêm vào một nhóm WeChat để báo cáo thân nhiệt và địa điểm của mình hai lần một ngày. "Tôi lo ngại họ nắm quá nhiều thông tin", Tôn nói.
Không phải biện pháp nào cũng gây khó chịu. Thực tế, nhiều người ở Trung Quốc vui vẻ chấp nhận các biện pháp kiềm tỏa. Họ đặt hàng tạp hóa qua mạng và làm việc tại nhà nếu có thể. Một số lãnh đạo khu phố cũng giúp ích nhiều cho người dân.
Bob Huang, 50 tuổi, người Mỹ gốc Hoa sống ở Chiết Giang, cho biết các tình nguyện viên tại khu nhà của mình đã săn lùng một người đàn ông ở lại qua đêm để uống rượu, vi phạm quy định về tần suất người dân có thể ra ngoài. Tuy nhiên, họ cũng giao hộ thức ăn nhanh cho một gia đình bị cách ly.
Huang không bị hạn chế ra vào vì được chủ nhà cho một giấy thông hành đặc biệt. Ông lái xe đi một số nơi để phân phát khẩu trang cho bạn bè. Một số khu nhà không cho ông vào. Những nơi khác lưu lại thông tin của ông.
Một ngôi làng gần đó có cách tiếp cận đặc biệt hơn. "Họ đặt câu hỏi bằng tiếng địa phương, nếu bạn trả lời bằng tiếng địa phương thì được vào", Huang nói. Vì không nói được tiếng địa phương nên Huang phải chờ ở bên ngoài, nhưng dân làng rất thân thiện. Họ đưa ông một chiếc ghế xếp, mời ông hút thuốc và không yêu cầu xuất trình thẻ căn cước.
Một số khu vực khác của Trung Quốc cũng áp đặt các chính sách nghiêm ngặt. Hàng Châu cấm hiệu thuốc bán thuốc giảm đau để buộc những người có triệu chứng phải đến bệnh viện xin điều trị. Thành phố Nam Kinh yêu cầu bất kỳ ai đi taxi phải xuất trình thẻ căn cước và để lại thông tin liên lạc. Tỉnh Vân Nam muốn tất cả địa điểm công cộng phải trưng mã QR và người ra vào bắt buộc phải quét mã.
Nhiều nơi cấm tụ tập đông người. Cảnh sát ở tỉnh Hồ Nam tháng này phá một sòng mạt chược khi phát hiện 20 người chơi ở bên trong.
Khi chính quyền địa phương tự quyết định các chính sách như vậy, chiến dịch chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc giống như một bức tranh chắp vá. "Những biện pháp này có thể khá tùy hứng", Chu Tuần, nhà sử học Trung Quốc tại Đại học Essex ở Anh, nói. "Một kế hoạch hoàn hảo trên giấy tờ thường biến thành các giải pháp ngẫu hứng tại địa phương".
Giới chức dường như nhận ra một số địa phương đã đi quá xa. Tháng này, Trần Quảng Thắng, phó bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, nói rằng việc một số nơi áp đặt biện pháp lỗ mãng như "nhốt" mọi người trong nhà là "không phù hợp".
Quan chức trung ương cuối tuần vừa rồi kêu gọi các thị trấn và làng xóm loại bỏ các chướng ngại vật không cần thiết, đảm bảo việc vận chuyển thực phẩm và vật tư thuận lợi.
Tại Hàng Châu, khu chung cư của kế toán Trương Anh Tư, 29 tuổi, ban đầu cấm bất kỳ ai vừa trở về từ nơi khác. Sau đó, lệnh cấm được điều chỉnh để chỉ bao gồm những người trở về từ tỉnh Hồ Bắc cùng các thành phố Ôn Châu và Thai Châu của tỉnh Chiết Giang, những nơi có nhiều trường hợp nhiễm nCoV.
"Cấm tất cả mọi người từng rời khỏi thành phố là cách xử lý không thực tế", Trương nói. "Có rất nhiều người như vậy. Một số cần trở lại làm việc".
Tuy nhiên, nhiều người không yên tâm về việc nới lỏng kiểm soát quá nhanh. Trương Thục, 27 tuổi, lo lắng rằng cha mẹ và hàng xóm quá bình thản trước dịch bệnh, mặc dù các nhân viên tự quản thường lái xe đi xung quanh làng ở gần Ôn Châu, phát loa yêu cầu mọi người ở nhà.
"Những người bình thường đang dần cảm thấy tình hình không còn kinh khủng nữa", Trương nói. "Họ đã quá vội vàng".
Phương Vũ (Theo NYTimes)