Trên mạng xã hội đang lan truyền video clip cảnh một ông Tây bị đánh hội đồng bầm dập giữa bàn dân thiên hạ ở phố đi bộ Bùi Viên, quận 1, TP HCM.
Chỉ xem clip, cứ ngỡ là trích đoạn của một bộ phim xã hội đen Hồng Kông. Dư luận bức xúc và phẫn nộ.
Không ai phủ nhận những mặt tích cực từ lúc khai trương phố đi bộ. Từ hiệu quả kinh doanh cho đến việc thu hút khách, giúp khách tiêu tiền và thư giãn. Phố Tây - Bùi Viện, quận 1, TP HCM như một dạng "công viên", nói đúng hơn là chuỗi nhà hàng "ẩm thực mở", đa dạng món ngon, giá cả bình dân, không gian gần gũi mà không gò bó. Không chỉ người nước ngoài mà nhiều người trong nước cũng rủ nhau đến đây nhâm nhi chuyện trò và ngắm thiên hạ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nhiều hệ lụy: giật dọc, cướp đồ đến say xỉn, quậy phá; cả khách Tây lẫn khách Việt. Chuyện cự cãi và dùng tay chân giải quyết mâu thuẫn không còn cá biệt.
Cả nước mới có phố đi bộ Bùi Viện dành cho du khách đúng nghĩa và chỉ hoạt động vào cuối tuần là đã quản không nổi. Làm sao dám mở cửa suốt tuần và nhân rộng? Các nước họ làm thế nào mà không thấy ai phàn nàn hay đòi đóng cửa? Cũng không có cảnh đánh nhau như phim hành động xã hội đen. Càng không có cảnh nhân viên nhà hàng đánh hội đồng khách du lịch. Phố Tây các nước cũng không cần cảnh sát trực chiến mà mọi việc vẫn đâu vào đấy. Khách nước nào và đến đâu cũng vậy, có người này người khác, sao họ quản lý khỏe re! Xem thông tin báo chí và mạng xã hội, cứ ngỡ bao nhiêu khách xấu đều đổ vào Việt Nam.
Trước hết, đó là việc luật pháp các nước minh bạch và chặt chẽ, ít khách nào dám quậy. Chủ nhà có quyền từ chối phục vụ những khách kém văn hóa, say xỉn. Vấn đề cốt lõi là ở tư duy phố đi bộ và cách quản lý. Phố đi bộ các nước không có kiểu nhậu tràn lan và bất tận, thậm chí còn khống chế số lượng bán rượu bia cho mỗi người. Phố đi bộ, ngoài ăn uống còn có hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng, các loại giải trí và dịch vụ đường phố… để phục vụ mọi nhu cầu du khách mà pháp luật không cấm. Phố Bùi Viện gần như là phố nhậu. Rượu vào, không chỉ lời ra còn tay chân hành động. Phức tạp là đương nhiên. Việc quản lý đã có các camera giám sát và đường dây nóng. Bất cứ vi phạm nào, cả chủ lẫn khách đều bị xử phạt kịp thời và triệt để. Có lẽ các nhà quản lý ở quận 1 nghĩ rằng cứ mở phố đi bộ là xong mà quên mất việc giám sát, chấn chỉnh.
Chưa bàn việc ông Tây sai trái thế nào nhưng hành xử của những kẻ đánh hội đồng ông này là không thể chấp nhận. Đó là hành động chà đạp lên pháp luật, là lời tuyên chiến với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Việc quậy phá có thể xảy ra ở bất cứ nước nào nhưng cũng phải được xử lý theo pháp luật. Chỉ có Việt Nam là dùng luật rừng, kéo cả băng nhóm hành hung khách không rõ lý do. Càng xấu hổ khi chuyện hành hung xảy ra chỗ đông người nhưng không ai can ngăn. Có lẽ họ sợ liên lụy, sợ bị trả thù. Mấy khách Tây cố ngăn cản nhưng không được. Sự việc đang lắng xuống. Trả lời báo chí, chủ tịch UBND phường Bến Thành, quận 1 cho biết đang chờ công an báo cáo. Công an lại đang chờ người bị hại đến trình báo. Còn dư luận nóng ruột chờ xử lý của nhà nước. Tại sao không chủ động tìm hiểu và giải quyết càng sớm càng tốt? Chuyện quá dễ với cơ quan công an.
Thay vì tìm cách cấm vì khó quản thì nên cầu thị xem lại cách quản lý của mình. Đâu là gốc, đâu là ngọn? Phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu chứ không tập thể mờ mờ ảo ảo, vì không ai rõ hình thù. Luật rừng còn hiện hữu thì xã hội còn nhiễu nhương và đừng mơ du lịch cất cánh. Bao nhiêu công sức quảng bá, tiếp thị sẽ đổ sông, đổ biển vì những hành xử kiểu luật rừng như vậy.
Quan họ "ngả nón nhận tiền" ở hội Lim: Không thể cứng nhắc
Thấy liền anh, liền chị hát hay, du khách tặng họ chút tiền để thuốc nước; như nghe hát, nghe nhạc ở phố đi bộ. ... |
Việt kiều Đức bị cướp hơn 160 triệu ở phố Tây - Bùi Viện
Anh Phạm Hoàng Dương khai báo tại Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) bị giật túi xách, trong đó gồm giấy tờ, ... |
Mưu sinh bằng lửa trên phố Tây - Bùi Viện
Hàng chục năm nay, cái tên Phố Tây trở thành thương hiệu du lịch không chỉ của quận 1 mà của cả TPHCM. Được bao ... |