Tại phiên sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan đến tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình ngày 29.5.2017, bị cáo Hoàng Công Lương khai: Việc quản lý, sửa chữa hỏng hóc thiết bị thuộc trách nhiệm phòng vật tư; anh chỉ làm nhiệm vụ của bác sĩ điều trị, không liên quan đến việc bàn giao, sửa chữa máy móc nên không có lỗi trong sự cố làm 8 người chạy thận tử vong.
BS Hoàng Công Lương trong phiên tòa ngày 15.5. (Ảnh: Lao Động)
Theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT về việc ban hành quy chế bệnh viện của Bộ Y tế, trong đó, đã quy định rõ 14 trách nhiệm của bác sĩ điều trị.
Đáng chú ý, những nhiệm vụ mà một bác sĩ như BS Hoàng Công Lương phải thực hiện lại không liên quan gì đến máy móc, thiết bị y tế. Bác sĩ điều trị chịu trách nhiệm trước trưởng khoa về công tác chẩn đoán, điều trị và chỉ định chế độ chăm sóc ăn uống của người bệnh được trưởng khoa phân công như chẩn đoán bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn điều trị, quy chế vào viện, chuyển khoa, chuyển viện, ra viện, quy chế quản lý buồng bệnh, buồng thủ thuật và quy chế sử dụng thuốc...
Hàng ngày, buổi sáng và buổi chiều phải khám từng người bệnh cho y lệnh về thuốc, chế độ chăm sóc, ăn uống; theo dõi sát, xử lý kịp thời khi có diễn biến bất thường đối với người bệnh nặng.
Thực hiện chế độ hội chẩn theo đúng quy định đối với những người bệnh nặng, nguy kịch; người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị những bệnh thuyên chuyển chậm hoặc không có kết quả.
Thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật do trưởng khoa phân công. Trước khi thực hiện phải thăm khám lại, ra y lệnh chuẩn bị chu đáo để đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho người bệnh.
Hàng ngày phải kiểm tra: Các chỉ định về thuốc, chế độ chăm sóc, ăn uống, nghỉ ngơi của người bệnh... Hàng ngày cuối giờ làm việc phải ghi vào sổ bàn giao cho bác sĩ thường trực những người bệnh nặng, những yêu cầu theo dõi và những y lệnh còn lại trong ngày của từng người bệnh...
Quyết định này cũng nêu rõ 2 quyền hạn của bác sĩ điều trị. Đó là khám bệnh, chẩn đoán, kê đơn thuốc, ra y lệnh điều trị, chăm sóc người bệnh theo quy chế bệnh viện. Và, ký đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc.
Trong khi đó, cũng trong quyết định này, quy chế nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân của giám đốc bệnh viện cũng rất rõ. Giám đốc BV là người đứng đầu bệnh viện, chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp về mọi hoạt động của bệnh viện.
Giám đốc bệnh viện có nhiệm vụ là chủ tài khoản, trực tiếp quản lý việc sử dụng ngân sách của bệnh viện có hiệu quả, kiểm soát việc thu, chi theo đúng quy định của Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra công tác tài chính kế toán để chống thất thu, tham ô, lãng phí.
Một nhiệm vụ quan trọng của giám đốc BV là quản lý, sử dụng có hiệu quả những thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện.
Cũng theo quyết định này, phòng vật tư, thiết bị y tế của bệnh viện là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về toàn bộ công tác vật tư thiết bị y tế trong bệnh viện.
Đơn vị này có trách nhiệm tổ chức đấu thầu mua sắm, sửa chữa và tổ chức thanh lý tài sản, thiết bị y tế theo quy định của Nhà nước. Tổ chức duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế kịp thời. Xây dựng phương án lắp đặt cải tạo máy theo quy phạm Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam để trình cấp trên phê duyệt theo thẩm quyền. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng và bảo quản thiết bị y tế. Mỗi lần kiểm tra phải ghi nhận xét và ký tên vào hồ sơ lý lịch máy. Kiểm tra công tác bảo hộ lao động, đặc biệt đối với các máy tối nguy hiểm theo danh mục quy định của Nhà nước. Định kỳ đánh giá, báo cáo tình hình quản lý và sử dụng vật tư thiết bị y tế trong bệnh viện trình giám đốc...
Luật là vậy, quy định là vậy. Nhưng hiện phiên xét xử sơ thẩm vẫn đang diễn ra với sự vắng mặt của người đáng ra phải chịu trách nhiệm cao nhất về sự việc - nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương.
Ngay khi phiên tòa đang diễn ra, dư luận vẫn không ngừng đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao trách nhiệm liên quan đến máy móc, thiết bị y tế lại "đổ lên đầu" một bác sĩ điều trị? Thiếu nhân chứng có liên quan nhất đến vụ việc, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đang xử cái gì? Lý do gì mà ông Dương liên tiếp vắng mặt tại các phiên tòa này dù đã được triệu tập? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi để cho một nhân vật liên đới quan trọng vắng mặt trong phiên tòa của vụ việc khiến 8 người thiệt mạng?
Vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Chủ tọa ngắt lời Thẩm phán vì...hỏi lòng vòng
Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục diễn ra phần xét hỏi. 5 Thẩm phán thay nhau hỏi các bị cáo ... |
Vụ 8 người chết khi chạy thận tại Hoà Bình: Thiếu nhiều nhân chứng quan trọng, phiên sơ thẩm vẫn diễn ra
Sau 1 tuần hoãn phiên sơ thẩm, ngày 15.5, TAND TP.Hoà Bình chính thức mở phiên sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan ... |
Hoàng Công Lương khai gì tại tòa sau sự cố 8 người chết khi chạy thận?
Hoàng Công Lương khai anh ta chỉ làm nhiệm vụ của bác sĩ điều trị, không liên quan đến việc bàn giao, sửa chữa máy ... |