Luật Dầu khí 2022: Việc thực thi phải đảm bảo tính kịp thời, khẩn trương

Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung hoạt động điều tra cơ bản và phân định vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với nhiều điểm mới và nhiều nội dung cần thiết để khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên dầu khí.

Điều tra cơ bản về dầu khí đi trước một bước

Hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Đây là hoạt động rất quan trọng, do nhà nước thống nhất quản lý. Điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước để làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Dầu khí, định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí, nhất là tại các khu vực tiềm năng, các khu vực nước sâu, xa bờ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam

Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Luật Dầu khí sửa đổi - tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư" do báo Lao Động và Petrovietnam tổ chức mới đây, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, Luật Dầu khí 2022 với 10 điểm đã thay đổi bao gồm cả sửa đổi và bổ sung, tạo ra 3 mục tiêu kỳ vọng đó là: thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí. Theo ông Hiếu, việc bổ sung một chương về điều tra cơ bản trong Luật Dầu khí 2022 nhằm đánh giá, tìm kiếm dầu khí, xác định rõ thẩm quyền, kinh phí, hình thức về điều tra cơ bản, thông qua thỏa thuận với Petrovietnam. Từ đó tạo cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, cạnh tranh với các nước trong khu vực, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí.

Ông Phan Đức Hiếu cũng mong muốn để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, phản ảnh đúng tinh thần của Luật Dầu khí 2022, việc thực thi phải đảm bảo được tính kịp thời, khẩn trương. Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát đồng bộ, chặt chẽ hơn, hiện thực hóa công tác triển khai, tăng độ linh hoạt, thuận lợi, tương thích với luật quốc tế. Quan trọng nhất là tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai trong bối cảnh các mỏ hiện nay đang có sự cạn kiệt.

Làm rõ thêm về hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, trước đây, hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí được điều chỉnh bởi Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí (Nghị định số 95/20215/NĐ-CP), do đó để nâng cao tính pháp lý, đồng độ với pháp luật về khoáng sản, cần thiết phải đưa lên Luật.

Trước đây, Petrovietnam sử dụng Quỹ Tìm kiếm thăm dò dầu khí (Quỹ TKTD) phục vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí, tuy nhiên hiện pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp không cho phép lập Quỹ TKTD, do đó việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn của các tổ chức cá nhân là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản. Do đó, Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã có quy định rõ về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, trong đó là các nội dung điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 11); Điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 12); Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 13); Quản lý, khai thác, sử dụng mẫu vật, tài liệu từ hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 14).

Trong đó, để phù hợp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, tại khoản 3, Điều 12 có quy định đối với “cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí” với điều kiện phải liên danh với tổ chức có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ. Chính sách đối với tổ chức ngoài cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, được đề xuất thu hồi chi phí khi tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí trong khu vực đã thực hiện hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí.

Thể hiện việc phân vai, phân nhiệm rõ ràng đối với Petrovietnam

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính, Luật Dầu khí 2022 và đã thể hiện được việc phân vai, phân nhiệm rõ ràng đối với Petrovietnam nói riêng, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nói chung trong vấn đề quản lý quá trình thăm dò, khai thác dầu khí cũng như trách nhiệm của Petrovietnam, đóng vai trò là người đại diện cho Chính phủ Việt Nam, đảm bảo quá trình đầu tư. Cơ chế, kiểm tra, giám sát, tính chủ động với tư cách là chủ đầu tư hay nhà thầu có sự rõ ràng và cần thiết.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung Chương IX về chức năng, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Trong đó, đối với chức năng về tham gia trong hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu, có bổ sung quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Petrovietnam phê duyệt một số nội dung theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Petrovietnam.

Một điểm mới nữa trong Luật Dầu khí 2022 là việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành Dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân chia sẻ và tiếp cận, sử dụng các công trình, cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành Dầu khí để thực hiện hoạt động dầu khí trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Nhà thầu có quyền tiếp cận, sử dụng các cơ sở hạ tầng công trình dầu khí sẵn có để phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động dầu khí thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận với đơn vị chủ sở hữu hoặc quản lý vận hành các cơ sở hạ tầng trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên phù hợp với quy định của pháp luật; nhà thầu có nghĩa vụ chia sẻ việc sử dụng công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có với bên thứ ba trên cơ sở các hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên với điều kiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chính sách liên quan đến việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật được quan tâm hơn, tuy nhiên ông nhìn nhận cần tiếp tục làm rõ hơn nữa việc cung cấp cơ sở hạ tầng của bên thứ ba, từ đó tạo cơ sở để các cơ quan hữu quan hoạt động được hiệu quả hơn trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí nói chung.

Theo ông Đoàn Văn Thuần, từ phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí 2022, có thể thấy trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, sẽ có nhiều dự án dầu khí trọng điểm và tận thu ngoài khơi sẽ được phát triển đồng bộ, làm đòn bẩy tăng trưởng cho toàn ngành Dầu khí. Petrovietnam cần xem xét cân đối, điều chỉnh các định hướng chiến lược phù hợp với nội dung của Luật nhằm thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí và phát triển, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng, sản lượng dầu khí, duy trì chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.

 https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/affee48c-632f-4bf9-ac62-95acbe0d4f3b

PV / Cổng thông tin điện tử PVN