- Chuẩn bị đủ điều kiện để Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7
- Luật Đất đai sớm có hiệu lực sẽ cắt cơn 'sốt giá' bất động sản
- Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống: Kỳ vọng gỡ rối cho đất giao trái thẩm quyền
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Khi đi vào cuộc sống, đạo luật quan trọng này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất ở cơ sở. Trong đó, để cụ thể hóa một trong những nội dung quan trọng của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương vào dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) và hệ thống thông tin đất đai.
Nhiều vướng mắc chờ tháo gỡ
Ông Nguyễn Văn Hinh ở thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) chia sẻ, gia đình ông sinh sống trên mảnh đất được bố mẹ cho khoảng năm 1980. Mặc dù nhiều hộ dân xung quanh đã được cấp sổ đỏ nhưng gia đình ông chưa được cấp do diện tích kê khai sử dụng lớn hơn diện tích trong hồ sơ địa chính quản lý.
Tương tự, gia đình ông Lê Xuân Quý ở thôn Hoàng Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) có hơn 300m² đất vườn sử dụng ổn định từ hơn 20 năm nay nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lý do là còn vướng mắc trong việc xác định một phần diện tích ngoài thửa đất có nguồn gốc là đất công được thôn giao dù không có tranh chấp, không vướng quy hoạch... Còn theo bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn Mít Mái, xã Yên Bài (huyện Ba Vì), gia đình bà thuộc diện di dân ở nơi khác đến, được giao đất ở ổn định lâu dài với diện tích 1.000m². Dù đã hơn 20 năm trôi qua, gia đình bà có đầy đủ giấy tờ liên quan như quyết định di dân, quyết định cấp đất của UBND huyện Ba Vì nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ do diện tích đất này thuộc phần đất của nông, lâm trường theo bản đồ địa chính.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Yên Bài (huyện Ba Vì) Nguyễn Văn Lập cho biết, trên địa bàn xã hiện còn hàng trăm trường hợp di dân, có quyết định cấp đất ở nhưng chưa được cấp sổ đỏ do đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Trong khi đó, bản đồ quy hoạch qua các thời kỳ của nông, lâm trường không đúng thực tế sử dụng đất và đến nay chưa có hướng giải quyết thỏa đáng...
Còn theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Vũ Văn Hữu, việc cấp sổ đỏ chậm trễ hoặc chưa thực hiện được trong một số trường hợp là do thửa đất chỉ xác định được một phần có nguồn gốc đất rõ ràng, phần còn lại có vướng mắc vì nhiều lý do khác nhau. Do vậy, quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2024 tới đây, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để có thể sớm tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra ở cơ sở.
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất
Để cụ thể hóa một trong những nội dung quan trọng trong Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương vào dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Theo Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Văn Phấn, điểm đáng chú ý trong dự thảo nghị định là quy định việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo đó, các trường hợp sau sẽ được cấp sổ đỏ mà không phải nộp tiền sử dụng đất: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định có giấy tờ về quyền sử dụng đất được lập trước ngày 15-10-1993, bao gồm giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, giấy tờ của chế độ cũ như: Bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi, sổ đỏ tạm thời hoặc có tên trong các sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính, sổ mục kê... lập trước ngày 18-12-1980. Đối với các hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường cũng sẽ được xem xét, tháo gỡ...
Trong dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định mới về việc cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp... Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1-7-2014, nếu không thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, lấn chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, sử dụng đất ổn định, phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch khác... sẽ được xem xét cấp sổ đỏ nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng nêu việc cấp sổ đỏ cho diện tích đất tăng thêm không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng/cho quyền sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với toàn bộ diện tích đất đang sử dụng...
Ở góc độ cơ sở, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho rằng, những điểm mới nêu trên hy vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Đăng ký đất đai (Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Thị Thịnh khẳng định, những điểm mới trong Luật Đất đai năm 2024; đặc biệt là những quy định tại dự thảo nghị định nêu trên đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất, góp phần minh bạch, tăng hiệu quả sử dụng, quản lý đất đai.
https://hanoimoi.vn/luat-dat-dai-nam-2024-go-nhieu-vuong-mac-trong-cap-so-do-670774.html