Lợi ích của cơm rượu với sức khỏe

Cơm rượu là món ăn được làm từ nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng, có nhiều công dụng với sức khoẻ.

Theo chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cơm rượu nếp là món ăn được làm từ nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng.

Ở miền Bắc, cơm rượu nếp (rượu nếp cái) được làm từ gạo lứt nếp hoặc gạo nếp cẩm, gạo được giữ lại lớp vỏ lụa và lớp cám bên ngoài tiếp tục ủ lên men với men rượu. Ở miền Trung và miền Nam, cơm rượu nếp thường được làm từ gạo nếp ủ cùng men rượu hoặc men ngọt.

Cơm rượu nếp là món ăn được làm từ nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng. (Ảnh minh hoạ)

Cơm rượu nếp là món ăn được làm từ nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng. (Ảnh minh hoạ)

Cơm rượu nếp giàu chất dinh dưỡng như tinh bột, vitamin nhóm B, các chất chống oxy hóa anthrocyamin tốt cho sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa.

Lợi ích của cơm rượu

Kích thích tiêu hóa

Cơm rượu nếp cẩm, nếp cái có thể thưởng thức cả phần nước lẫn cái. Cơm rượu được lên men nhờ khuẩn lactic, chuyển hóa tinh bột thành đường. Quá trình lên men này tốt cho hệ tiêu hóa, cải thiện vấn đề táo bón, góp phần ngăn ngừa một số bệnh đường ruột.

Hương vị lên men nhẹ, chua chua ngọt ngọt của cơm rượu nếp cẩm được xem là món ăn yêu thích của nhiều người. Các chất xơ và axit trong cơm rượu hỗ trợ ngăn ngừa chứng đầy hơi, khó tiêu, cải thiện tiêu hóa.

Chuyên viên dinh dưỡng khuyên, những người chán ăn, tiêu hóa kém có thể ăn một lượng nhỏ cơm rượu giúp đường ruột vận động trơn tru, kích thích tiêu hóa.

Thải độc gan

Uống nhiều rượu gây hại cho gan, nhưng trong cơm rượu nếp thường có nồng độ cồn thấp và chứa nhiều vitamin tốt cho gan như vitamin B, E. Các loại vitamin này hỗ trợ chống lại quá trình oxy hóa, tăng cường thải độc giúp gan khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng với mức độ hợp lý, không ăn quá nhiều.

Tăng cường sức khỏe đường ruột

Cơm rượu nếp qua quá trình lên men tạo thành món ăn. Do đó, những người bị hội chứng ruột kích thích, khó tiêu, táo bón có thể thưởng thức cơm rượu nếp cùng các món ăn lành mạnh khác như rau xanh, các loại quả. Nhờ sự hỗ trợ của men trong cơm rượu, hệ tiêu hóa được tăng cường sức khỏe.

Những lưu ý khi ăn cơm rượu nếp

Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền lưu ý, tuy cơm rượu nếp nhiều công dụng với sức khỏe nhưng không phải là món ăn nên thưởng thức thường xuyên. Bạn nên ăn món ngon này sau bữa sáng. Tránh ăn cơm rượu nếp khi bụng đói do vị chua của món ăn dễ làm tăng axit khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng, tăng nguy cơ ợ hơi, ợ chua, viêm loét dạ dày.

Bên cạnh đó, cơm rượu càng ủ lâu, quá trình lên men càng mạnh khiến nồng độ cồn tăng cao. Bạn nên ăn với một lượng nhỏ để tránh bị say, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày, nhất khi lái xe.

Do một kg gạo nếp thường cho ra thành phẩm khoảng 1,2-1,4 kg cơm rượu nên món ăn chứa lượng lớn đường. Người bệnh tiểu đường không nên ăn quá 50 g cơm rượu nếp cho mỗi lần ăn, nếu ăn ngay sau bữa cơm thì cần giảm lượng 1/3 số lượng cơm trong bữa ăn. Vào mùa hè nóng nực, trẻ nhỏ hoặc những người đang gặp vấn đề về dạ dày, dị ứng, người mắc bệnh chàm không nên ăn nhiều cơm rượu nếp vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

https://vtcnews.vn/loi-ich-cua-com-ruou-voi-suc-khoe-ar876166.html

Như Loan / VTC News