Loay hoay trước thực trạng lãng phí điện sạch do chờ cơ chế giá

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đã đạt 76.620MW, tăng gần 7.500MW so với năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT), gồm cả điện gió và điện mặt trời đã lên đến 20.670MW, chiếm tỷ lệ 27% công suất phát của toàn hệ thống.

Với công suất lắp đặt tăng nhanh như vậy, quy mô hệ thống điện của Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về nguồn phát. Bất ngờ là dù chiếm đến hơn 1/4 tổng nguồn phát, nhưng sản lượng điện gió, điện mặt trời khai thác trong 8 tháng đầu năm nay chỉ chiếm tỷ trọng 13,7%. Con số này đã phản ánh hết năng lực khai thác điện gió, điện mặt trời hay chưa là vấn đề dư luận quan tâm dù vẫn biết công suất lắp đặt chỉ là lý thuyết, còn công suất khai thác thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Loay hoay trước thực trạng lãng phí điện sạch do chờ cơ chế giá -0

Chỉ sau thời gian ngắn mở cửa cho phát triển, công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái và các dự án điện mặt trời chính thống đã đạt khoảng 17 nghìn MW. Với suất đầu tư từ 12-15 tỷ đồng mỗi MW, lĩnh vực phát triển điện mặt trời đã thu hút nguồn vốn rất lớn trong xã hội. Theo ông Quốc Trung - chuyên gia về NLTT, mỗi MW điện mặt trời cho doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, trong tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên, phần công suất điện mặt trời áp mái chiếm đến 8,5 nghìn MW, còn lại là công suất lắp đặt của các dự án điện mặt trời chính thống. Công suất lắp đặt thực sự của điện áp mái do người dân, doanh nghiệp đầu tư lắp đặt chỉ chiếm khoảng 1/4.

Ngay tại một địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh  cũng chỉ đạt khoảng 400MW. Phần còn lại là công suất lắp đặt của các Trang trại điện mặt trời (farm) được đầu tư theo chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Xét theo tỷ suất đầu tư và doanh thu thì đây thật sự là những trang trại điện mặt trời tập trung chứ không phải áp mái vốn được định nghĩa “là các hệ thống điện áp trên mái các công trình xây dựng nhà xưởng mà bên dưới tiêu tốn điện năng để hỗ trợ cho phụ tải và giảm truyền tải”.

Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia chỉ điều tiết công suất phát của các nhà máy điện mặt trời chính thống, còn Điện lực địa phương quản lý về công suất phát của các farm. Do đó nếu đường dây quá tải hoặc giờ cao điểm buổi trưa nắng nóng, cả farm và nhà máy đều có thể bị giảm công suất phát. Nhất là khi sản xuất NLTT đều tập trung ở khu vực có nhiều nắng, gió như miền Trung, Tây Nguyên và các địa phương ven biển, những nơi sản xuất công nghiệp tập trung chưa phát triển mạnh, nhu cầu tiêu thụ điện chưa cao như Đồng Nai, Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh… đã dẫn tới tình trạng nơi cần điện thì thiếu, chỗ không cần thì dư điện sạch. Đây là hệ lụy của việc phát triển nhanh về nguồn điện do tư nhân đầu tư trong khi hệ thống truyền tải, nguồn phát dự phòng không đưa vào vận hành kịp dẫn đến quá tải hệ thống. Các farm và nhà máy điện mặt trời khó được phát hết công suất.

Tuy đã trở thành Trung tâm phát triển NLTT của cả nước, nhưng theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính sách giá điện mặt trời theo Quyết định 13 của Chính phủ đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách giá điện mới. Nhiều dự án điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa có giá bán điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp .

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chỉ tính đến hết năm 2020 tại Ninh Thuận đã có 34 dự án hoặc thành phần dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 2.308MW được đưa vào vận hành thương mại. Trong đó, phần lớn công suất lắp đặt (1.958MW) đã bán điện cho EVN với giá 9,35 cent/kWh, hơn 92MW công suất phát được EVN mua điện với giá 7,09 cent/kWh. Dù vậy, vẫn còn hơn 216MW của 3 dự án đã đưa vào vận hành trước ngày 1/1/2021 nhưng chưa có giá bán điện. Các nhà máy này đã phát lên lưới hàng trăm triệu kWh nhưng chưa được EVN thanh toán do chưa có giá bán điện.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam tiếp tục cho rằng, việc dừng huy động đối với 40% công suất của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam ở huyện Thuận Nam là không phù hợp. Việc này sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính. Trong khi đó, EVN đang được hưởng lợi trên đường truyền tải và Trạm biến áp 500kV do nhà đầu tư này bỏ tiền ra để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện sạch của cả khu vực.

Nhà máy điện Trung Nam Thuận Nam đang có một sản lượng điện mặt trời khá lớn bị dừng huy động vì chưa có giá bán là do Chính phủ chỉ cho phép Ninh Thuận được phát triển 2.000MW điện mặt trời. Sau đó Chính phủ tiếp tục đồng ý cho nhà đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW kèm theo điều kiện phải tự bỏ tiền xây dựng Trạm biến áp và tuyến dây 500kV, bàn giao miễn phí lại cho Nhà nước để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện NLTT ở Ninh Thuận. Tuy vậy, khi nhà đầu tư làm xong, một phần công suất của nhà máy điện mặt trời này đã nằm ngoài con số khống chế 2.000MW trên nên sau gần 2 năm khai thác, nhà đầu tư vẫn phải chờ cơ chế giá và bị EVN ngừng huy động.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 đạt 125-130 GW, sản lượng điện đạt từ 550-600 tỉ kWh. Trong đó tỉ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045. Ông Quốc Trung cho rằng, trước mắt Nhà nước cần sớm có cơ chế giá mới cho điện gió, điện mặt trời. Về lâu dài, vẫn cần cơ chế khuyến khích để phát triển điện gió, điện mặt trời, nhất là khi đến năm 2045 hầu hết các nhà máy điện mặt trời hiện nay đã hết vòng đời dự án.

Theo EVN, từ đầu năm đến hết tháng 8, sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống đạt gần 182 tỷ kWh. Trong số này, điện sản xuất từ thủy điện chiếm gần 35%, nhiệt điện than chiếm đến 39,4%, tua bin khí chiếm gần 11% trong khi năng lượng tái tạo chỉ huy động được gần 25 tỷ kWh, chiếm 13,7% với 18,8 tỷ kWh điện mặt trời và 5,84 tỷ kWh điện gió. Ngoài ra, lượng điện nhập khẩu cũng ở mức 1,9 tỷ kWh, chiếm 1% tổng sản lượng điện. Trong 8 tháng qua, sản lượng điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện, kể cả các công ty cổ phần đạt gần 85 tỷ kWh, chiếm đến 46,5% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Song do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay đã khiến chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/loay-hoay-truoc-thuc-trang-lang-phi-dien-sach-do-cho-co-che-gia-i667940/

Đ. Thắng / Công an nhân dân