Cần cơ chế đặc biệt để ổn định thị trường xăng dầu

Cùng với việc điều chỉnh giảm các loại thuế phí, nhiều chuyên gia cho rằng cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu để ổn định thị trường xăng dầu.

Xem xét giảm các loại thuế, phí

Bà Đồng Thị Như Anh - Giám đốc Công ty CP Đào tạo và tư vấn thuế Việt Nam (VTAX) cho biết, hiện nay mặt hàng xăng dầu đang phải chịu 4 loại thuế bao gồm, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT). Mới đây, nhà nước đã giảm thuế bảo vệ môi trường 50%. Như vậy thì còn 3 loại thuế có thể giảm là thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT và thuế nhập khẩu.

Để có thể bình ổn và giảm được giá xăng dầu thì Chính phủ có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Với thuế nhập khẩu, tại Việt Nam hiện nay, ngành hóa dầu chưa đủ để cung ứng cho nhu cầu thị trường. Cho nên là cái việc giảm về thuế nhập khẩu, tôi nghĩ là cần thiết và

Thứ hai là về thuế tiêu thụ đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế chứ không phải là sản phẩm hạn chế giống như rượu, bia, thuốc lá… mà cần phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng dầu nó ảnh hưởng rất là nhiều đến đời sống của người dân, ảnh hưởng rất là nhiều đến cái hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, đây là loại thuế mà nhà nước rất là cần quan tâm điều chỉnh giảm để tạo điều kiện cho giá ăng dầu ổn định. Từ đó kéo giảm tình trạng lạm phát. “Hiện nay, Bộ Tài chính cần xem xét, nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất phù hợp để bình ổn giá xăng dầu trong nước”, bà Như Anh nhấn mạnh.

00cfbf887861f5405236e1ce369cc30b
Cần có cơ chế chiết khấu đặc biệt để ổn định thị trường xăng dầu trong nước

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để kiểm soát giá xăng dầu, Bộ Tài chính có thể xem xét kiến nghị điều chỉnh giảm thuế. Điển hình như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế giá trị gia tăng được tính trên giá đầu vào và giá đầu ra của hàng hóa. Chính vì vậy khi giá xăng tăng thì thu ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng. Do đó, khi giảm thuế VAT, đồng nghĩa thu ngân sách sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải lựa chọn giữa thu ngân sách và ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. “Chúng ta phải chọn 1 trong 2 mục tiêu. Được mục tiêu này thì phải hi sinh mục tiêu khác”, TS Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông

Thời gian qua câu chuyện các cây xăng đóng cửa hay các đại lý, đầu mối than lỗ đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Để tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường trong nước, TS Nguyễn Văn Hiến cho rằng cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu. Thực tế hiện nay, nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn có nhiều cửa hàng hết xăng. Điều này là do mức chiết khấu thấp, có những thời điểm, mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ là 0 đồng. Điều này khiến các đại lý thua lỗ và đóng cửa. Do đó, nhà nước cần có quy định mức chiết khấu đặc biệt để ổn định lưu thông xăng dầu trong nước.

Bộ Tài chính cần ban hành cơ chế tính toán mức chiết khấu. Sau đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương cần ngồi lại với nhau để tính toán, đảm bảo mức chiết khẩu ổn định cho doanh nghiệp.

Bà Đồng Thị Như Anh cho rằng, để ổn định thị trường xăng dầu ngoài vấn đề giảm thuế, phí thì các doanh nghiệp nhập khẩu và các hệ thống phân phối cần có cái sự chia sẻ. Điều này cũng thể hiện cái trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần xem xét mức chiết khấu phù hợp để đảm bảo được là cả doanh nghiệp nhập khẩu, hệ thống phân phối và cuối cùng là các đại lý bán lẻ có thể tồn tại được. Bởi về lâu dài khi chuỗi cung ứng xăng dầu duy trì ổn định thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới ổn định được.

“Chuỗi kinh doanh xăng dầu có nhiều mắt xích khác nhau, từ đầu mối nhập khẩu, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Mỗi mắt xích họ có những vấn đề, nhiệm vụ khác nhau. Bộ Tài chính là cơ quan có đầy đủ cơ sở dữ liệu về từng mắt xích, do đó đơn vị này cần rà soát và tính toán lạo mức chiết khấu phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên để duy trì sự ổn định trong cả chuỗi kinh doanh”, bà Như Anh nêu quan điểm.

Hà Duyên / Báo Công Thương