Loạt chính sách ngoại giao đáp trả phương Tây của Nga

Khi cuộc chiến Ukraine kéo dài và các chính sách từ phương Tây đe doạ cô lập, làm ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế Nga, Moskva tung ra “đòn đáp trả” tương xứng.

Cho đến nay, việc đổ vũ khí ồ ạt của phương Tây đối vào chiến sự Ukraine chưa thể tác động bước ngoặt để kết thúc xung đột như họ mong muốn. Trong khi đó, Moskva tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu trên chiến trường, đồng thời có những bước đi “ăn miếng trả miếng” với phương Tây về kinh tế và đối ngoại.

1
Ảnh minh họa

Thắt chặt các liên minh

Ngày 28/6, hội nghị thượng đỉnh được đánh giá là “mang tính lịch sử” của Liên minh tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Madrid. Hội nghị tập trung vào điểm nóng Ukraine và cách tiếp cận của NATO được cho là đã có “sự dịch chuyển cơ bản”, với hàng loạt nội dung nổi bật như ủng hộ tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, nhất trí tăng quy mô lực lượng... Ngoài ra, khối cũng trong quá trình vạch ra cách hành xử với Trung Quốc, khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng được chú ý đến. Cũng tại hội nghị này, lần đầu tiên NATO mời các nước Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand tham gia.

Song hành với NATO là hội nghị G7 cũng đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến quan hệ Nga - Ukraine, trong đó bao gồm cấm nhập khẩu vàng, xem xét áp dụng giá trần với dầu và khí đốt Nga, cũng như tiếp tục viện trợ cho Kiev.  

Cùng thời gian, Nga được cho là cố gắng củng cố và mở rộng liên minh ở các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh - nhất là những nơi châu Âu và Mỹ có thể đã “lơ là”.

Tờ FAZ của Đức hôm 29/6 đưa tin Moskva và Bắc Kinh đang muốn mở rộng nhóm BRICS – nhóm 5 nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – để làm đối trọng với G7.

Hôm 27/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông báo Argentina và Iran đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Trên kênh Telegram, nhà ngoại giao Nga nói điều này xảy ra "trong khi Nhà Trắng đang suy nghĩ xem nên ngắt kết nối, cấm đoán hay làm phá hỏng thứ gì trên thế giới”.

Trước đó, các quan chức ở cả Tehran và Buenos Aires đều xác nhận họ sẵn sàng trở thành thành viên chính thức của BRICS. Các chuyên gia của RIA Novosti thì cho rằng có thể tới 10 quốc gia gia nhập BRICS trong tương lai, bao gồm cả Mexico, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ.

2
Lãnh đạo các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) tại Thượng đỉnh khối ở Elmau (Đức) ngày 28/6. (Ảnh: Reuters)

Các chuyến công du

Trong thời gian tháng 5-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden công du đến loạt nước châu Á và Trung Đông. Ông dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm QUAD, công bố khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tại Ả Rập Xê-út, ông dự định tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cùng với Ai Cập, Iraq và Jordan (gọi tắt là GCC + 3) để thúc đẩy các lợi ích an ninh, kinh tế và ngoại giao của Mỹ. Các chuyến đi được cho là góp phần củng cố quan hệ của Mỹ với đồng minh và thảo luận những vấn đề nổi bật tại khu vực.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng được cho là bắt đầu “phủ sóng” trong hàng loạt sự kiện trong nước và quốc tế, thúc đẩy “quyền lực mềm” thông qua hình ảnh xuất hiện.

Cuối tháng 6, ông Putin có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông đến thăm Turkmenistan và Tajikistan, tham gia hội nghị thượng đỉnh Caspian VI. Theo NYT, hội nghị này có ý nghĩa thiết thực bởi Nga đang cố mở rộng ảnh hưởng ở khu vực giàu năng lượng, có tầm quan trọng về kinh tế, đồng thời tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực Mỹ để lại sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Các chuyến đi cũng truyền tải thông điệp rằng Moskva đang “trở lại” bất chấp xung đột ở Ukraine, bên cạnh đó, kịch Nga hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới là không thể.

Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao và ngoại trưởng Nga - Mỹ cũng có hàng loạt chuyến thăm đến châu Á, xung quanh hội nghị ngoại trưởng G20 tổ chức tại Bali, Indonesia.

"Các quốc gia thân thiện”

Khi Mỹ và các nước châu Âu áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, bao gồm đóng băng tài sản của Nga ở châu Âu, Moskva đáp trả bằng chính sách riêng với các quốc gia “thân thiện” và “không thân thiện”.

Nga đã yêu cầu các thành viên EU chuyển sang thanh toán khí đốt của nước này bằng đồng rúp. Hiện một số quốc gia như Ba Lan và Bulgari đã bị cắt nguồn cung khí đốt từ Nga vì không tham gia cơ chế này.

Trong khi đó, nhiều quốc gia “thân thiện” có cơ hội mua nhiên liệu Nga với giá rẻ. Lượng dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga vào Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng đột biến trong giai đoạn này, lên đến 3-4 lần, trị giá hàng tỷ USD.

Phản ứng của Nga cũng được cho là giúp đồng rúp lấy lại vị trí sau thời gian rớt giá, trong khi nhiều đồng tiền dự trữ lớn khác chịu ảnh hưởng nặng nề của các biến động kinh tế chính trị.

Nga hạn chế xuất khẩu khí hiếm – thành phần quan trọng trong sản xuất chip nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của EU nhắm vào sản xuất công nghệ Nga. Nhiều mặt hàng quan trọng khác bị cấm xuất khẩu như đường và lúa mì.

Các nền kinh tế sau thời gian đầu phục hồi từ đại dịch đã bắt đầu chịu tác động lớn hơn của xung đột quân sự, đặc biệt là khi nguồn cung năng lượng bị giảm và hạn chế do các lệnh cấm vận qua lại. Chưa rõ sự “giằng co” này sẽ kéo dài bao lâu, khi các bên đều không muốn vượt qua “lằn ranh đỏ” và phải tìm cách tăng cường sức chống chịu của chính thị trường nước mình.

Loạt hành động của Nga đáp trả từng đòn đánh của phương Tây cho thấy, Nga sẵn sàng đón nhận những khó khăn tại chiến trường Ukraine cũng như do các biện pháp trừng phạt gây ra. Càng rõ hơn khi Nga có vẻ đã lên kịch bản cho những vấn đề đang xảy ra hiện nay trên chính trường quốc tế. Chưa bao giờ các lệnh trừng phạt phương Tây tỏ ra yếu thế đến như vậy, cũng cho thấy Nga đang đứng vững trên các kế hoạch tương lai của mình. 

Cục diện tại Ukraine đến nay chưa hoàn toàn ngã ngũ, tuy nhiên Nga đã nắm phần thắng tại các khu vực ở Donbass, đặc biệt là mới đây Moskva tuyên bố kiểm soát hoàn toàn vùng Lugansk và chuẩn bị khóa khu vực Donestk. Bằng tiềm lực tài nguyên của mình, Nga đã và đang chống chọi tốt với các lệnh trừng phạt, trong khi các nước ở châu Âu đang gặp khủng hoảng nặng nề do nguồn cung năng lương bấp bênh cũng như các chính sách kinh tế gây đau đớn cho người dân. 

Hoạt động trả đũa của Nga có thành công hay không còn một chặng đường dài để xác nhận, thế nhưng, bằng những gì Nga đã và đang làm cho thấy, Moskva hoàn toàn làm chủ cuộc chơi và cương quyết giữ chính sách ngoại giao đối trọng, trả đũa trực tiếp vào chính sách ngoại giao của phương Tây.

Phương Anh / VTC News