Loại bỏ xe quá tải - cần chế tài mạnh hơn

Lực lượng chức năng còn “mỏng”, trong khi đối tượng vi phạm luôn tìm mọi cách để đối phó. Ngoài ra, tại không ít địa phương vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý; lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí tồn tại tiêu cực… Do đó, để ngăn chặn hiệu quả xe quá khổ, quá tải phá nát cầu đường, gây mất an toàn giao thông rất cần những giải pháp cùng với chế tài mạnh hơn nữa.

Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội giám sát việc cắt bỏ thành thùng xe vi phạm. Ảnh: Tuấn Khải

Vi phạm tái diễn phức tạp

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực kiểm soát tải trọng xe, song gần đây, tình trạng xe quá tải đang có dấu hiệu bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng. Cùng với đó, xe cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu, các dự án, công trình xây dựng, cảng, bến thủy nội địa… tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Điển hình là hàng loạt xe cơi nới thành thùng để chở quá tải từ các mỏ đá lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); hay từng đoàn xe chở đất, đá, vật liệu xây dựng vượt quá thành thùng lưu thông trên tuyến đường bao biển từ thành phố Hạ Long đi Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh); các đoàn xe ben cơi nới thành thùng, chở đất, đá, cát quá tải lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi…  

“Chỉ trong quý II-2022, lực lượng Thanh tra Giao thông - Vận tải đã kiểm tra 23.543 phương tiện, phát hiện 3.597 xe vi phạm về tải trọng, tước 794 giấy phép lái xe, xử phạt hành chính hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh một phần tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường. Thực tế, rất nhiều phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải chưa bị xử lý, do lực lượng chức năng còn “mỏng”. Trong khi đó, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đánh giá.

Là một trong những địa phương quyết liệt xử lý xe quá khổ, quá tải, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã duy trì chốt trực và mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm tải trọng, đặc biệt tại các “điểm nóng” như dọc tuyến quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn giáp ranh tỉnh Hòa Bình, nơi tập trung nhiều mỏ đá. Nhờ sự quyết liệt này mà trên tuyến đường từ thị trấn Xuân Mai đi đường Hồ Chí Minh hầu như không còn xe tải cơi nới thành thùng, chở quá tải hoạt động.

Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông - vận tải đường bộ (Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Hoàng Xuân Dư cho biết, trong đợt cao điểm từ ngày 22-4 đến nay, riêng Đội Thanh tra giao thông - vận tải đường bộ đã xử lý 151 trường hợp vi phạm, trong đó có 59 xe ô tô chở quá tải; giám sát cắt dỡ 8 trường hợp ô tô tải cơi nới thành thùng.

"Trong đợt cao điểm này, các lực lượng chức năng đồng loạt vào cuộc xử lý nên đạt hiệu quả cao. Nhiều trường hợp thấy lực lượng chức năng xử lý triệt để đã tự cắt dỡ phần thành thùng xe cơi nới", ông Hoàng Xuân Dư thông tin.

Lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra tải trọng xe quá tải. Ảnh: Khải Tuấn

Rút giấy phép kinh doanh

Có thể nói, ngăn chặn xe quá khổ, quá tải vẫn là "bài toán" khó, bởi thực tế cho thấy, cứ mỗi lần ra quân thì tình trạng vi phạm lắng xuống, nhưng sau đó tiếp tục tái diễn. Lực lượng chức năng còn “mỏng”, phải thực thi nhiều nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông khác, trong khi đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó. Ngoài ra, tại không ít địa phương còn tình trạng buông lỏng quản lý; lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí tồn tại tiêu cực… Do đó, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng xe quá khổ, quá tải, rất cần những giải pháp cùng với chế tài mạnh hơn.

Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang, lực lượng Thanh tra Sở kiểm tra kích thước thành thùng xe, yêu cầu cắt bỏ ngay thành thùng vượt kích thước ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Chủ xe khi đến giải quyết vi phạm phải chụp ảnh xe sau khi đã cắt bỏ phần cơi nới thành thùng để lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Đề cập tới các giải pháp, chế tài mạnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện kiến nghị, các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp… phải lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện. Trường hợp các đơn vị vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh nhằm tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Huyện cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế tác động của con người để tránh tiêu cực. Tăng cường sử dụng thiết bị ghi hình phương tiện vi phạm, làm cơ sở xử lý; tổng hợp các kích thước thành thùng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam xử lý theo quy định…

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1037238/loai-bo-xe-qua-tai---can-che-tai-manh-hon

Tuấn Lương / Hà Nội Mới