Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc nhất nhì thế giới chắc chắn sẽ tác động tới Việt Nam, cả tích cực và tiêu cực.
Chia sẻ với VnExpress, ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội Hà Nội nhận xét, bức tranh kinh tế khả quan được phác hoạ khá đủ nét trong báo cáo kinh tế xã hội 2018 của Chính phủ trình Quốc hội.
- Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ đưa ra nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2018, như tăng trưởng GDP sẽ vượt chỉ tiêu 6,7%, lạm phát 4%. Ông nhận xét ra sao về những con số này?
- Có nhiều ý kiến, và ngay bản thân tôi, nhiều lần thấy băn khoăn việc chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) năm nay khó kìm dưới 4% như mục tiêu Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều động thái phù hợp, chẳng hạn không tăng giá dịch vụ công, giá điện... Đây là giải pháp hành chính, nhưng lại là động tác kìm chế tăng giá cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
|
|
Ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội Hà Nội. Ảnh: Hoài Thu |
- Bức tranh kinh tế có những điểm sáng như vậy nhưng trước mắt chúng ta là cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Vậy theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao từ cuộc chiến này?
- Đây là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới nên cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này chắc chắn sẽ tác động tới Việt Nam, cả tích cực và tiêu cực.
Nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang thì thương mại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn; tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở tăng nhanh (9 tháng năm 2018 gần 230%) sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn thận trọng về vấn đề thương mại. Hàng hoá Trung Quốc không sang được thị trường Mỹ, lại tương đồng với sản phẩm Việt Nam nên có thể làm giảm khả năng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc. Thậm chí, hàng Trung Quốc chảy ngược sang Việt Nam.
Mặt khác, khi đồng USD mạnh lên, nhân dân tệ mất giá thì quan hệ xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc bị ảnh hưởng là điều khó tránh.
Còn cơ hội của Việt Nam từ cuộc chiến này cũng nhiều. Đó là sẽ xuất hiện việc dịch chuyển về đầu tư và thương mại. Chẳng hạn hàng Việt Nam sang Mỹ sẽ nhiều hơn khi Trung Quốc không thể xuất khẩu được. Nếu tận dụng tốt thì cánh cửa thị trường Mỹ sẽ mở rộng hơn với hàng Việt.
Như tôi đã nói tác động từ xung đột Mỹ - Trung sẽ tác động cả hai chiều tới Việt Nam, song khó đưa ra đánh giá một sớm một chiều ngay lập tức mà Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá và đưa ra giải pháp toàn diện tổng thể.
- Ông vừa nhắc tới việc cơ quan quản lý phải “cân đong đo đếm” trong điều hành tỷ giá để xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi hơn từ cuộc xung đột Mỹ - Trung. Cụ thể ra sao, thưa ông?
- Đây là bài toán trong điều hành của cơ quan quản lý tiền tệ. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá khéo léo, không có chủ trương phá giá tiền đồng. Dự trữ ngoại hối 60 tỷ USD hiện nay đủ khả năng cung cấp ngoại tệ cho thị trường để đảm bảo cung ứng dòng tiền.
|
|
Cờ của Mỹ và Trung Quốc được treo bên ngoài một tòa nhà ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên thời gian tới, nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải bán ra ngoại tệ hoặc nâng lãi suất để giữ giá tiền đồng. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý tiền tệ thận trọng trong điều tiết cung tiền, tín dụng thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát.
- Trở lại với báo cáo của Chính phủ, quá trình thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng trưởng do diễn biến GDP ba quý vừa không theo quy luật mọi năm. Ông nghĩ sao về lưu ý này?
- Đúng là diễn biến tăng trưởng ba quý đầu năm nay đang có sự lệch pha quy luật so với cùng kỳ các năm trước. Nếu mọi năm tăng trưởng quý sau giảm so với quý trước, thì năm nay ngược lại. Quý I có mức tăng cao (7,45%) nhưng sau đó quý II lại giảm còn 6,73% và nhích nhẹ ở quý III 6,88%. Quý I năm nay tăng trưởng cao cũng là điều dễ lý giải, bởi ngay từ đầu năm Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành bắt tay vào việc, không còn khái niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Các doanh nghiệp cũng bắt tay ngay vào sản xuất ngay từ những ngày đầu năm. Ngoài ra, Tết nguyên đán 2018 cũng rơi vào đúng thời điểm quý đầu nên tăng trưởng dịch vụ, hàng hoá Tết cũng tính vào quý này.
Quý II giảm và quý III nhích tăng nhẹ. Thời điểm đó kinh tế trong nước cũng bắt đầu chịu những tác động từ bối cảnh khách quan kinh tế thế giới, khi Mỹ chính thức áp thuế 200 tỷ USD lên hàng hoá Trung Quốc.
Với lợi thế cạnh tranh về giá, hàng Trung Quốc có thể gây sức ép đến thị trường Việt Nam. Chúng ta cần phân tích, đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng năm nay và năm 2019.
- Theo ông có điểm nghẽn nào trong nền kinh tế cần lưu ý?
- Tăng trưởng cao nhưng năng suất lao động lại ì ạch, chỉ tăng 5,62% trong 3 năm qua, trong khi yếu tố này tác động đến sức cạnh tranh nền kinh tế.
Nguyên nhân là sản xuất công nghiệp vẫn dựa phần lớn vào ngành chế biến, chế tạo và chủ yếu vẫn là gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế khối lượng sản phẩm tăng nhưng giá trị gia tăng lại không nhiều.
Có nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năng suất như đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ... Nhưng mấu chốt, theo tôi, phải thay đổi chính sách thu hút FDI, không chạy theo giải quyết việc làm đơn thuần mà cần chú trọng vào các ngành chuyển giao kỹ thuật, công nghệ.
- Về triển vọng kinh tế năm 2019, ông đánh giá ra sao với các chỉ tiêu Chính phủ đưa ra?
- Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,6 - 6,8%, lạm phát 4%, so với kết quả đạt được năm 2018 không phải quá cao, cũng không quá thấp. Tuy nhiên năm sau muốn đạt kế hoạch trên nền tăng trưởng cao của 2018 sẽ khó hơn nhiều.
Việc đưa ra khung tăng trưởng mà không quy định một mức cứng cho thấy sự linh hoạt trong đưa ra các kịch bản dự báo của Chính phủ, tuỳ điều kiện, tình hình sẽ có kịch bản cao, thấp để điều hành.
- Có yếu tố nào thách thức mục tiêu tiếp tục kiềm giữ lạm phát mức 4% năm 2019 như kế hoạch Chính phủ đưa ra?
- Tôi cũng lo ngại lạm phát năm 2019 sẽ khó kìm như năm 2018. Điều này do hai yếu tố, trước tiên là bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá. Nếu đồng Việt Nam mất giá thêm một chút sẽ đẩy lạm phát lên.
Yếu tố chủ quan là chúng ta sẽ không thể kìm hãm mãi giá dịch vụ công, rồi biến động giá nhiên liệu, xăng dầu... Tất cả những nhân tố này sẽ khiến việc kiềm giữ lạm phát 2019 khó khăn nhiều năm nay.
Nguyễn Hoài
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Con bài lợi hại của Bắc Kinh
Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt ... |
Nhóm trợ lý kinh tế của ông Tập họp lần thứ 10 trong 2 tháng
Nhóm trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhóm họp lần thứ 10 trong 2 tháng qua, thể hiện ... |
Bỏ chạy khỏi TQ, đối tác của Apple và các ông lớn đi đâu?
Khi căng thẳng Mỹ - Trung chưa suy giảm, nhiều hãng công nghệ tìm kiếm một “công xưởng của thế giới” mới thay cho Trung ... |