Việc lộ thông tin cá nhân ngày càng trở thành nỗi ám ảnh cho người dân khi liên tục bị làm phiền cả ngày lẫn đêm.
Không chỉ cảm thấy phiền phức vì liên tục nhận các tin nhắn rác, chị Hồng Nhung (trú tại Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) ngày càng ám ảnh trước các cuộc gọi mời chào tiếp thị sản phẩm, dịch vụ, bán bất động sản, bảo hiểm, mời mở thẻ tín dụng, vay tín dụng… “Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên phải nghe những cuộc điện thoại dù là số lạ. Nhưng do bị làm phiền quá nhiều, bất kể giờ nghỉ trưa, thậm chí đêm muộn khiến tôi phải tắt máy. Biết làm thế có thể ảnh hưởng đến công việc nhưng tôi đành chấp nhận…”.
Cùng trong tình cảnh với chị Nhung, anh Nguyễn Vinh (trú tại Thanh Xuân, TP.Hà Nội) tỏ ra vô cùng lo lắng khi các thông tin cá nhân mình bị biết quá nhiều dẫn đến các việc liên tục nhận các cuộc điện thoại lạ, thậm chí cả trong hộp thư điện tử. “Nhiều lần nghe điện thoại, tôi thấy giật mình khi đầu dây bên kia nắm được quá nhiều thông tin cá nhân của tôi và các thành viên trong gia đình của mình. Ngay cả cậu con trai của tôi cũng được mời chào tiếp thị các khóa học ngoại khóa vào dịp hè. Tôi không hiểu họ lấy được thông tin cá nhân, số điện thoại cũng như các thành viên trong gia đình tôi từ đâu”.
Nhiều người dân cảm thấy phiền phức khi bị lộ thông tin cá nhân. (Ảnh minh họa)
Gần đây nhất, TP.Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ cho thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Đứng trước thông tin này, nhiều người dân càng tỏ ra lo lắng liệu mình có tiếp tục bị “quấy rầy” như tình hình hiện nay hay không?
“Cũng vì sợ nghe các cuộc gọi “quảng cáo” nên tôi không bao giờ nghe số lạ hay phải spam các tài khoản trên gmail. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày. Dù có điện thoại thông minh cũng không thể ngăn chặn được hết các số điện thoại làm phiền. Chính vì vậy, khi nghe thông tin sẽ thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành, tôi thật sự thấy lo lắng tình trạng bị làm phiền sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn”.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 2/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho TP.Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm TP.Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỷ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.
Để thực hiện thu giá dịch vụ, Chủ tịch TP.Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…).
Ngoài ra, Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành.
Chủ thuê bao 11 số phải ra ngân hàng đăng ký lại
Các ngân hàng cho biết có khả năng khách hàng là chủ thuê bao 11 số điều chỉnh đợt này sẽ phải đăng ký lại ... |
Cách xem và tải xuống tất thông tin cá nhân từ Apple ID
Apple vừa giới thiệu tính năng bảo mật nâng cao, nơi bạn có thể tải xuống dữ liệu cá nhân qua cổng riêng tư mới. |