Lo ngại bị bắn phá, Nga ‘giấu’ máy bay ném bom chiến lược tận Bắc Cực

Mặc dù Nga đã phải đưa những chiếc máy bay giá trị tới vùng cực bắc xa xôi, nhưng Ukraine cũng đã tạo ra những loại vũ khí có tầm tấn công rất xa.

Theo Bulgarian Military, những hình ảnh vệ tinh gần đây về Căn cứ Không quân Olenya của Nga ở vùng Murmansk - một vùng nằm trong vòng Bắc Cực, đã được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông. Tính đến ngày 20/5, các hình ảnh cho thấy sự hiện diện của 12 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 13 máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, một máy bay Tu-160 và hai máy bay vận tải quân sự An-12. 

Sự xuất hiện của những chiếc máy bay này đang gây được sự chú ý đặc biệt từ giới chuyên gia quân sự. Căn cứ không quân Olenya là một địa điểm then chốt của không quân Nga, đặc biệt là trong các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào Ukraine. 

Dựa trên những đánh giá từ Bộ Quốc phòng Anh và Tổng cục Tình báo Nga, ước tính có khoảng 40 máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-22M3 đang hoạt động trong các đơn vị hàng không chiến lược của Nga. Điều này có nghĩa là hiện tại, Căn cứ Không quân Olenya đang là nơi chứa khoảng 1/3 số máy bay ném bom sẵn sàng chiến đấu của quốc gia này.

Ảnh chụp vệ tinh căn cứ Không quân Olenya của Nga ngày 15/5/2024.

Ảnh chụp vệ tinh căn cứ Không quân Olenya của Nga ngày 15/5/2024.

Lo ngại trước những mối đe dọa từ Ukraine

Tính đến cuối tháng 4 năm nay, sân bay Mozdok thuộc Bắc Ossetia, một trong những căn cứ quan trọng của không quân Nga, nơi cất cánh của những chiếc máy bay ném bom chiến lược để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine, hiện chỉ còn có 6 chiếc Tu-22M3. Điều này thực sự làm nổi bật tầm quan trọng của Olenya, với tư cách là một căn cứ không quân tầm xa của Nga. 

Việc Nga bố trí 1/3 phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-22M3 sẵn sàng chiến đấu ở một địa điểm xa như vậy, được cho là động thái chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Một số chuyên gia phân tích cũng nhấn mạnh thêm rằng, đây cũng là hành động cần thiết nhằm bảo vệ những chiếc máy bay có giá trị nhất của Nga, trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa đến từ Lực lượng Phòng vệ Ukraine. 

Ngoài ra, các chuyên gia quân sự cũng lưu ý thêm về sự xuất hiện của những chiếc máy bay vận tải quân sự An-12. Chiếc máy bay vận tải khổng lồ này có thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển những quả tên lửa hành trình đến sân bay Olenya, những quả tên lửa này sẽ được trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược khi chúng nhận được nhiệm vụ mới.

Máy bay ném bom chiến lược của Nga tại căn cứ Olenya.

Máy bay ném bom chiến lược của Nga tại căn cứ Olenya.

Chưa đủ an toàn

Mặc dù nằm ở vị trí xa xôi nhưng căn cứ không quân Olenya ở Murmansk không nằm ngoài tầm tấn công từ lãnh thổ Ukraine. Lực lượng vũ trang Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu lên tới 3.300 km. 

Đầu tháng 4 vừa qua, một loại vũ khí mới đã được bổ sung vào kho vũ khí của Quân đội Ukraine. Nguồn tin từ trang Bản đồ chiến đấu Ukraine (UBM) báo cáo về Sokol-300, một máy bay không người lái tầm xa mới được phát triển và chế tạo ở Ukraine. Máy bay không người lái này được UBM lưu ý rằng, nó có thiết kế tương tự Bayraktar và được xem là một sự bổ sung đáng kể cho khả năng phòng thủ của họ. 

Sokol-300 có chiều dài 8,5 mét và sải cánh dài tới 14 mét. Chiếc UAV này có khả năng mang tải trọng nặng tới 300 kg. Theo một đồ họa thông tin được UBM chia sẻ trên Twitter, chiếc máy bay không người lái này có thể bay lên độ cao hơn 9 km và có tầm bắn lên tới là 3.300 km. Tuy nhiên, UBM khẳng định rằng độ cao bay tối đa của Sokol-300 trên thực tế có thể lên tới 12 km. 

Tầm hoạt động 3.300 km của Sokol-300 thực sự rất đáng chú ý. Nếu Sokol-300 xuất phát từ biên giới Ukraine, phạm vi hoạt động của nó có thể bao phủ ít nhất 80 căn cứ không quân nằm sâu trong Vòng Bắc Cực của Nga ở Murmansk.

UAV Sokol-300 của Ukraine.

UAV Sokol-300 của Ukraine.

Chúng ta biết gì về Sokol-300?

Các kỹ sư từ Cục thiết kế Luch đã chế tạo máy bay không người lái tấn công Sokol-300 với nhiều tính năng đặc biệt. Nó có khả năng sử dụng được nhiều loại động cơ khác nhau, bao gồm MS-500-05C/CE và AI-450T2 của Ukraine, cũng như Rotax 914 của Áo. Trọng lượng cất cánh của máy bay không người lái thay đổi tùy thuộc vào động cơ được lắp đặt.

Sokol-300 được trang bị hệ thống điều khiển có khối quán tính và con quay hồi chuyển bằng laser, được phát triển bởi công ty công cụ “Arsenal”. Máy bay không người lái công nghệ cao này được trang bị tên lửa RK-10, P2-M và RK-2P, có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 10 km.

Ngoài ra, Sokol-300 có thể được trang bị radar khẩu độ tổng hợp và trạm radar nhỏ gọn. Khi quét mặt đất từ ​​độ cao 5 km, radar có độ chính xác 30×30 cm. “Đôi mắt” của máy bay không người lái Sokol-300 được tạo thành bởi trạm quang - điện tử từ Barrier-B ATGM. 

Đáng chú ý, loại động cơ được lắp đặt không chỉ ảnh hưởng đến trọng lượng cất cánh mà còn cả tầm bay. Với động cơ AI-450T2 của Ukraine, máy bay không người lái Sokol-300 có thể bay được tới 1.300 km, trong khi động cơ Rotax 914 có thể mở rộng phạm vi hoạt động lên tới 3.300 km.

Lê Hưng / VTC News