Lo lắng và đề xuất sau 1 năm triển khai Chương trình giáo dục THPT mới

Đối với cấp THPT, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhiều hiệu trưởng ở Hà Nội đã nêu những khó khăn, bài học cần rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả trong những năm học tiếp theo.

Vẫn còn chọn môn theo cảm tính

Bên cạnh một số môn học bắt buộc, đây là lần đầu tiên học sinh lớp 10 được chọn môn học. Trong số 9 môn học lựa chọn của chương trình, môn Vật lý có nhiều học sinh chọn nhất với tỷ lệ 68,2%; tiếp đến là môn Tin học với 62,8%; tỷ lệ học sinh chọn học môn Địa lý là 56,3%; môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có 55,4% học sinh chọn…

co-so-vat-chat-2704-3652
Nhiều trường THPT Hà Nội gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất trước yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có nhiều thay đổi so với Thông tư 58/2021/TT-BGDĐT, tỉ lệ học sinh lớp 10 xếp loại tốt ở học kỳ I năm học 2022-2023 tuy không bằng so với cùng kỳ năm học trước, nhưng tỷ lệ học sinh không đạt đã thấp hơn hẳn. Kết quả sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023 cho thấy, tỉ lệ học sinh không đạt ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã giảm chỉ còn 0,1%, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tỷ lệ học sinh tham gia tổ hợp môn Khoa học tự nhiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 là 37%, năm học 2021-2022 là 29% và tỉ lệ này trong kỳ kiểm tra, khảo sát lớp 12 năm 2023 chỉ còn 25%. Với số liệu này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội phần nào lo lắng về lâu dài việc tổ chức giảng dạy các môn lựa chọn như hiện nay chưa thể là giải pháp hoàn hảo khi học sinh đang có xu hướng lựa chọn các môn Khoa học xã hội thay vì các môn Khoa học tự nhiên. Điều này có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực với các ngành liên quan đến khoa học tự nhiên trong tương lai.

Phản hồi từ đa số trường THPT trên địa bàn thành phố đều khẳng định đã có sự thay đổi trong ý thức và thái độ học tập của học sinh. Học sinh được chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, được khuyến khích phát huy năng lực sở trường của mình. Điều này đã đem đến cho các giờ học một sinh khí mới: chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo. Tuy nhiên, thầy Phan Lạc Dương - Hiệu trưởng trường THPT Bất Bạt (Ba Vì) đánh giá, năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn học, không phải học sinh nào cũng lựa chọn một cách phù hợp với năng lực, sở trường. “Với đặc điểm đầu vào thấp, trường phải hạ điểm sàn 15 điểm vẫn tuyển thiếu 30 chỉ tiêu. Học sinh của trường từ nhiều vùng xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn, chính vì vậy việc lựa chọn môn học của các em chưa được quan tâm đúng mức, thường theo cảm tính, a dua, dẫn tới việc học tập chưa thực sự phù hợp với năng lực” - thầy Phan Lạc Dương chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhu cầu chuyển đổi môn học lựa chọn sau 1 học kỳ hoặc sau 1 năm học với học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là có. Tuy nhiên, các em đều gặp phải khó khăn do lệch môn học lựa chọn khiến các trường không giải quyết được học sinh chuyển lớp hoặc chuyển trường. Để khắc phục tình trạng này, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie đặt vấn đề: “Với trường có học sinh lớp 11 xin chuyển đến, nhưng trong tổ hợp môn lựa chọn của em đó có 1 môn không trùng với tổ hợp của nhà trường thì có được tiếp nhận, sau đó điều chỉnh không?”.

giao-vien-5448-4700
Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, trao đổi chuyên môn

Khó khăn về đội ngũ giáo viên

Nếu như các trường nội thành vẫn gặp không ít khó khăn khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì trường THPT Bất Bạt còn gặp nhiều khó khăn hơn nhiều. Thầy Hiệu trưởng Phan Lạc Dương cho biết, giáo viên có độ tuổi chênh lệch, nhiều thầy cô khó khăn về kinh tế, việc đáp ứng chuyên môn theo yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên phải thay đổi mạnh về phương pháp giảng dạy, biết tích hợp, ứng dụng các phần mềm CNTT. Điều này khá khó khăn với nhiều giáo viên trong trường.

Còn cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) cho biết, vì là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 9 vẫn học theo chương trình 2006 nên các em có rất nhiều bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng nhiều năm thực hiện dạy học theo phương pháp truyền thống, nay phải thay đổi theo phương pháp hiện đại. Đó là chưa kể đến nhiều khó khăn về cách thức tổ chức, điều kiện cơ sở vật chất trong khi sức ép của xã hội đang đòi hỏi những điều mà các trường còn phải vừa làm vừa học.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhận định Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên làm tốt vai trò người hướng dẫn, nhưng không phải giáo viên nào cũng thực hiện được. Trong khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ban giám hiệu, giáo viên các trường vẫn phải bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục hiện hành. Chính vì vậy, thời gian đầu tư thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bị phân tán. Đặc biệt, khó khăn với hầu hết trường học là cơ cấu giáo viên chưa thay đổi đáp ứng kịp yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các trường phải đối mặt với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ khi triển khai chương trình mới do số tiết ở các môn học có sự khác nhau giữa 2 chương trình. Một số môn học, hoạt động giáo dục mới chưa có trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đòi hỏi giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp tham gia dạy học, trong khi các trường đều chưa có đội ngũ giáo viên chuyên trách tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo viên các bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc…

Được biết, năm học 2022- 2023, Hà Nội mới có 14 trường THPT tổ chức tổ hợp có môn Mỹ thuật và 16 trường tổ chức tổ hợp có môn Âm nhạc. Do chưa có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc cấp THPT nên để khắc phục, các trường này đã chủ động hợp đồng với giáo viên. Để thực hiện hiệu quả lâu dài Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong những năm học tiếp theo, cô Trần Thị Hải Yến đề xuất, các cấp quản lý cần tạo điều kiện để nhà trường kiện toàn đội ngũ giáo viên phù hợp với yêu cầu chương trình, có hướng dẫn ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng giảng dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc, quan tâm tới đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt, với trường chưa có đủ điều kiện để tổ chức giảng dạy tổ hợp có Mỹ thuật, Âm nhạc, nhưng có học sinh đăng ký, liệu các nhà trường có thể gửi học sinh sang trường khác học môn đó được không? Nếu các trường hợp tác, liên kết trong việc giảng dạy học sinh với những môn học có ít học sinh đăng ký có được không?

Trước những khó khăn cần khắc phục trên thực tế của các trường THPT khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, các trường có kế hoạch cụ thể, sớm kiện toàn đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường. Xây dựng kế hoạch chi tiết về cơ cấu đội ngũ giáo viên phù hợp với tỉ lệ đăng ký các môn lựa chọn của học sinh trên địa bàn tuyển sinh, đồng thời vẫn bảo đảm nhu cầu phát triển nguồn nhân lực hài hòa giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội trong tương lai. Các trường cần tìm các giải pháp cụ thể hoặc tham mưu Sở GD-ĐT các nội dung bảo đảm nguồn kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh theo yêu cầu của chương trình. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của môn học như sân bãi đối với môn Giáo dục thể chất. Đặc biệt cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong dạy và học.

Duy Anh / ANTĐ