- Livestream tạo cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử
- Gen Z livestream bán hàng thuê - phía sau giấc mộng kiếm tiền tỷ mỗi tháng
- Làm thế nào để không thất thu thuế từ các phiên bán hàng livestream?
Mới chỉ thực sự xuất hiện gần 10 năm trước, nhưng đến nay, tính năng livestream trên các mạng xã hội đã có bước phát triển thần kỳ, trở thành một hình thức truyền thông, kinh doanh buôn bán “không thể thiếu”.
Livestream bán hàng giờ là một “nghề hot” đem lại thu nhập đầy hấp dẫn, nhưng công tác quản lý và sự quan tâm đầu tư cho nghề này dường như vẫn còn có khoảng trống.
Phát triển như vũ bão
Tính năng livestream xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, do các chuyên gia Hoa Kỳ tạo ra với tên gọi là “upstream” nhằm giúp binh lính làm nhiệm vụ ở xa có thể gọi điện trực tiếp với người thân. Tính năng này sau đó được phát triển trên nền tảng ứng dụng Periscope trên điện thoại thông minh và được mạng xã hội Twitter (nay là có tên là X) mua lại vào năm 2015.
Năm 2016, livestream mới xuất hiện trên YouTube, Facebook. Nhưng phải đến khi xảy ra đại dịch Covid-19, khắp nơi phải thực hiện “giãn cách”, “cách ly” thì livestream mới thực sự bùng nổ trên thế giới với nơi thăng hoa nhất là Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, việc bán hàng hóa bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok) hay các ứng dụng thương mại điện tử như Taobao đã thực sự trở thành lối thoát cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước này trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Tháng 5-2020, Bộ Lao động Trung Quốc đã liệt kê livestream là 1 trong 10 nghề nghiệp mới và ước tính “ngành công nghiệp livestream” trong năm này có tổng doanh thu bán hàng lên tới 170 tỷ USD.
Đặc biệt, sự xuất hiện của những “chiến thần livestream” (người livestream bán hàng xuất chúng) với doanh thu bán hàng “không thể tin nổi” trong một phiên livestream càng làm cho nghề hot này phát triển như vũ bão tại Trung Quốc. Nổi bật là “chiến thần” Vy Á với buổi livestream tối ngày 11-11-2021 đạt tổng doanh thu bán hàng trị giá 8,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 30.000 tỷ đồng).
Cũng ngày hôm đó, một “chiến thần livestream” khác là Lý Giai Kỳ (còn được gọi là “Anh trai son môi”) đã livestream bán được lượng hàng hóa với tổng giá trị lên tới 12 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42.000 tỷ đồng). Ngày nay, tại Trung Quốc, livestream bán hàng trở thành con đường chủ lực mang hàng hóa tiếp cận với thị trường.
Ở Việt Nam, nghề livestream phát triển rất nhanh kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đến nay càng ngày càng “hót”. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Mỗi tháng trung bình cả nước có hàng triệu phiên bán hàng livestream với sự tham gia của khoảng 5 vạn nhà bán hàng.
Đặc biệt, gần đây, nghề livestream thu hút sự quan tâm của toàn xã hội khi xuất hiện một số “chiến thần livestream” Việt chốt hàng vạn đơn hàng, đạt doanh thu “triệu đô” chỉ trong một phiên livestream. Tiêu biểu là phiên livestream bán hàng của vợ chồng TikToker Quyền Leo Daily - trong hơn 15 tiếng ngày 5-5-2024 đạt kỷ lục doanh thu 100 tỷ đồng.
Sức hút của nghề livestream đã khiến hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng tham gia. Những KOL (Key Opinion Leader - người có tầm ảnh hưởng dẫn dắt dư luận) ở các lĩnh vực cũng quay sang tận dụng livestream bán hàng hoặc liên kết với nhà sản xuất để gia tăng thu nhập. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ dựa vào những người livestream bán hàng để tăng doanh thu, giải phóng kho hàng. Trước đây người ta thường chỉ livestream bán hàng lương thực, thực phẩm, thời trang, thuốc men, nay hầu như mặt hàng nào cũng được bán thông qua livestream.
Cơ hội mang giá trị nhân văn
Livestream thực sự đã mở ra cơ hội lớn, một cầu nối vô cùng hiệu quả giúp người bán hàng tiếp cận thị trường. Đáng nói, đây còn là cầu nối công bằng và cởi mở đối với tất cả mọi người, miễn là họ có tài năng, dũng cảm livestream để tiếp cận thị trường.
Giờ đây, chúng ta lên mạng xã hội như YouTube, đặc biệt là TikTok, có lẽ đã quá quen với hình ảnh các cô bác nông dân ở vùng sâu, vùng xa tự livestream bán sản phẩm trong vườn nhà mình. Như câu chuyện của một đôi vợ chồng trẻ có một con nhỏ sống trong ngôi nhà sàn cũ kỹ ở một xã miền núi xa xôi. Hằng ngày, đến giờ cơm tối họ bật livestream, vừa ăn vừa nói chuyện với cả “thiên hạ”. Họ kể chuyện làm ăn, chia sẻ cách nấu món nọ món kia kiểu dân tộc một cách hết sức tự nhiên và dần thu hút một lượng khán giả quan tâm theo dõi. Và một ngày họ giới thiệu nông sản mà mình làm ra và bắt đầu “chốt đơn”... Với cặp vợ chồng trẻ này và nhiều người khác, livestream thực sự đem đến một thứ ánh sáng, một sức sống mới và cơ hội phát triển, đổi đời.
Đó còn là một nghề đầy nhân văn khi mới đây thôi, nhiều người đã xúc động chứng kiến một người mẹ đi chăm con bị bệnh ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh. Tranh thủ lúc con ngủ, người mẹ xuống sân bệnh viện livestream bán hàng kiếm thêm thu nhập. Xung quanh chúng ta, có biết bao nhiêu người lao động ngày đi làm ở công ty, nhà máy hoặc nơi công sở, tối về lại tranh thủ livestream bán hàng để tăng thêm thu nhập nhằm cải thiện đời sống, cho con ăn học, nuôi dưỡng ước mơ hoặc đơn giản là để họ có đủ điều kiện tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp hiện tại trong bối cảnh đồng lương còn thấp. Đó còn là những học sinh, sinh viên vượt qua sự ngại ngùng để livestream bán hàng kiếm tiền lo học phí đỡ đần cha mẹ...
Mặc dù vậy, nghề livestream bán hàng phát triển cộng hưởng với sự bùng nổ của thương mại điện tử đã làm gia tăng áp lực đối với thị trường bán hàng trực tiếp, nhất là những người kinh doanh tại cửa hàng mặt phố, chợ truyền thống. Không ít người phải chịu cảnh ế ẩm, buộc phải đóng cửa hàng, bỏ nghề, đổi nghề... Điều tích cực là áp lực cạnh tranh thường thôi thúc sự đổi mới, giảm giá và cải thiện chất lượng phục vụ theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
Cần một vị trí xứng đáng
Livestream bán hàng giờ đây đã trở thành nghề được công nhận và ngày càng được các cơ quan chức năng quan tâm. Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2022, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành danh mục 78 nghề đào tạo dưới 3 tháng. Năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh danh mục; qua rà soát cho thấy còn 77 nghề, đã bổ sung 15 nghề mới, trong đó có cả nghề livestream bán hàng.
Đây là tin vui đối với nhiều người vì thực tế hiện nay, mặc dù nghề livestream bán hàng đang nở rộ và ngày càng cho thấy sự chuyên nghiệp, nhưng việc đào tạo nghề còn mang tính tự phát; chưa thấy các trường đại học, cao đẳng, trường nghề nào mở khoa, môn dạy livestream bán hàng. Những khóa học được mời chào hiện nay chủ yếu là của những người đã thành danh trong nghề livestream. Nhưng không phải ai mua khóa học livestream cũng thu được kiến thức mà mình cần. Nhiều người “tiền mất tật mang” khi vay tiền để mua những khóa học đắt đỏ mà chất lượng kém.
Trong khi đó, việc quản lý chất lượng hàng hóa và việc quản lý thuế đối với hoạt động bán hàng qua livestream đang còn là một khoảng trống cần được các cơ quan quản lý nhanh chóng lấp đầy bằng cách luật hóa và đề ra cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả. Làm được như vậy thì mới bảo đảm cho người dân mua được hàng hóa rõ nguồn gốc, đúng chất lượng; mặt khác, Nhà nước không bị thất thu thuế từ một thị trường “tỷ đô”. Đây cũng chính là những vấn đề được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, được Thủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành quan tâm thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Được luật hóa và quản lý chặt chẽ cũng là đặt nghề livestream vào vị trí xứng đáng trong xã hội, từ đó có sự quan tâm đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Khi ấy, nghề livestream bán hàng sẽ tiếp thêm động lực lớn hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
https://hanoimoi.vn/livestream-nghe-hot-mang-lai-nhieu-co-hoi-672469.html