Ngoài thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, xuất hoá đơn điện tử, thì thu thuế qua các sàn thương mại điện tử, ngân hàng cung cấp thông tin theo yêu cầu cơ quan thuế là một trong các giải pháp để chống thất thu thuế các phiên bán hàng livestream.
Lỗ hổng thu thuế?
Trong vài năm trở lại đây, trên các nền tảng mua sắm trực tuyến hay các trang mạng xã hội lớn nở rộ các phiên bán hàng livestream. Điều đáng chú ý, các phiên bán hàng này có doanh số “khủng”, doanh thu mỗi buổi ít lên tới hàng tỷ đồng, nhiều lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là các phiên bán hàng như thế có thu được thuế hay không?
Chị Bích Loan, một người thường xuyên mua sắm online qua các buổi bán hàng livestream cho biết, mua sắm theo dạng này rất dễ “nghiện” bởi hàng hoá phong phú, đa dạng mẫu mã, giá cả phải chăng. Cùng một mặt hàng, nhưng nếu mua ở các cửa hàng họ trả chi phí mặt bằng, nhân công, thuế phí nên đội lên khoảng 30-40%, thế nên mua online là lựa chọn trong thời gian gần đây của chị. Có những buổi bán hàng chị săn khuyến mại thậm chí giá có mặt hàng chỉ còn 1.000 đồng.
Khoe những đồ mua sắm được chị xếp gọn gàng trong nhà như bộ xoong nồi, nước giặt, dầu ăn, quần áo… chị cho biết chỗ hàng hoá này rẻ hơn mua sắm tại cửa hàng tận 35% nên mua tích trữ dùng dần.
“Tuần trước có các hot TikTok đua nhau bán hàng chạy doanh số 100 – 150 tỷ, tôi cũng đã săn được khá nhiều mặt hàng, chắc vài hôm nữa họ sẽ chuyển về nhà”, chị Loan hào hứng khoe.
Trước hiệu quả của việc bán hàng livestream, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Shopee, Lazada... cũng xem đây là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường.
Tuy nhiên, đang có lỗ hổng trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết hệ thống thanh toán liên ngân hàng hiện xử lý bình quân hơn 830.000 tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20 - 25 triệu giao dịch/ngày. Đây là con số rất lớn để đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện doanh thu TMĐT của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo.
Áp dụng nhiều giải pháp
Theo nhận định của các chuyên gia, hình thức kinh doanh mới này đang đặt ra vấn đề về quản lý và thu thuế. Làm sao để khoản thu nhập này được kê khai đúng, đủ và hợp lý để tránh thất thu cho ngân sách cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia?
Chia sẻ với báo chí, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, hoạt động livestream bán hàng còn mới so với hoạt động TMĐT. Trong Nghị định về TMĐT cũng chưa đề cập cụ thể chi tiết đối với loại hình này.
“Tôi nghĩ trong những lần sửa đổi Luật, Nghị định về TMĐT, bán hàng có thể bổ sung thêm hình thức livestream để đưa vào khuôn khổ để quản lý", Luật sư Thanh Hà nói.
Đánh giá việc quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream bán hàng còn nhiều thất thoát, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để thu được tiền trong kinh doanh online và trong livestream, cần sự phối kết hợp giữa các nhà mạng trong việc theo dõi cá nhân có các hoạt động livestream hoặc các mạng khác và sự phối hợp của các sàn TMĐT.
Đồng thời cũng cần sự kết hợp của ngân hàng, Công thương để đảm bảo có đăng ký kinh doanh, quản lý kho hàng cũng như hàng hoá dịch chuyển trên địa bàn. Và kết hợp chính quyền địa phương nắm bắt cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng.
Mới đây, Bộ Tài chính đang làm đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn, trong đó có cả livestream. Theo đó, sẽ chỉ cần một đầu mối khai và nộp thuế thay vì hàng chục nghìn cá nhân.
Tại hội nghị sơ kết triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chống thất thu thuế vừa diễn ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này được giao thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế. Một số liệu đáng chú ý là đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.
“Các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch sẽ được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế”, Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.