Liệu có thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành?

Việt Nam đã vượt qua đỉnh của làn sóng Omicron. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam cao thứ 6 trên thế giới, tuần tới bắt đầu triển khai tiêm cho 8,2 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dự kiến Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tiêm vaccine cho trẻ ở lứa tuổi này khi gần 1 triệu liều vaccine Moderna đã hoàn thành kiểm nghiệm và xuất kho vào chiều 13/4.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy tại Việt Nam đã đến lúc chuyển COVID-19 thành bệnh lưu hành hay chưa? Theo lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sẽ có 2 phương án chuyển hướng phòng, chống dịch.

Hai phương án phòng, chống dịch

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch COVID-19 tại nước ta đang giảm, số ca mắc mới giảm sâu so với cuối tháng 2 và nửa đầu tháng 3. Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện và tử vong tiếp tục giảm sâu. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra các kịch bản về diễn tiến dịch COVID-19 có thể xảy ra. 

Liệu có thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành? -0
Việt Nam xây dựng 2 kịch bản phòng, chống dịch mới.

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, có 2 kịch bản phòng, chống dịch trong thời gian tới. Kịch bản thứ nhất, COVID-19 trở thành bệnh lưu hành. Do biến chủng Omicron lưu hành rộng rãi sẽ giảm bớt độc lực, cùng với đó, miễn dịch có sẵn từ công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 và người mắc bệnh, số ca bệnh nặng và tử vong sẽ giảm. GS.TS Phan Trọng Lân cho rằng, với kịch bản này, chúng ta sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành. Khi đó, các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Lúc này, chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.

Kịch bản thứ hai là các biến thể SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và sự hiểu biết của chúng ta về chủng virus này vẫn chưa toàn diện. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng. Với kịch bản thứ hai này, theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, sẽ triển khai lại các biện pháp phòng, chống dịch cấp bách như đã từng làm. Mặc dù chúng ta đã có các “vũ khí” như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm và các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên phải thường xuyên cập nhật hơn nữa, kể cả về thuốc điều trị và đặc biệt là công nghệ vaccine.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Việt Nam sẽ xây dựng song song hai kịch bản, không bị động để khi xuất hiện các tình huống mới và chủng mới sẽ kích hoạt ứng phó.

Còn khoảng 3,6 triệu trẻ mắc COVID-19 trì hoãn tiêm

Việt Nam đã tiêm được hơn 208 triệu liều vaccine, tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 rất cao, tuy nhiên mũi 3 mới đạt hơn 50%. Còn 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine. Theo GS.TS Phan Trọng Lân, có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 sẽ bắt đầu tiêm vào tuần tới. Còn khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 trong thời gian vừa qua. Với những trẻ đã mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm chủng cho đến 3 tháng sau khi âm tính. Dự kiến đến tháng 7-8 sẽ hoàn thành tiêm chủng 2 mũi vaccine cho 8,2 trẻ.

GS Lân chia sẻ, hiện nay trên thế giới đã có 53 quốc gia tiến hành tiêm và có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đặc biệt là các nước phát triển. Còn tại Việt Nam, hiện theo khảo sát có khoảng 30% phụ huynh chưa đồng ý cho con tiêm phòng vaccine COVID-19.

Theo chị Hoàng Thu Phương, quận Thanh Xuân có con học trường tiểu học Đặng Trần Côn, trong lớp con chị có nhiều phụ huynh băn khoăn không cho con tiêm. Bản thân chị cũng không cho con tiêm. Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của tiêm vaccine cho trẻ.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, gần 1 triệu liều vaccine Moderna đầu tiên do Chính phủ Australia tài trợ dành cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi về đến Việt Nam vào ngày 9/4. Sau quá trình kiểm định chất lượng, số vaccine này sẽ được phân bổ đến các tỉnh. Dự kiến tỉnh Quảng Ninh tiêm cho trẻ vào ngày 14/4.

Trước mắt, việc tiêm vaccine sẽ triển khai cho trẻ học lớp 6, sau đó mới giảm độ tuổi để theo dõi an toàn. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.

Để an toàn tiêm cho trẻ, các phụ huynh cần phải lưu ý, trước khi tiêm chủng cần theo dõi trẻ ăn ngủ bình thường hay không, trẻ có vấn đề về viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi…) hay không. Các phụ huynh chỉ tiêm khi trẻ thực sự khỏe mạnh.

Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Cần phải lưu ý mốc thời gian rất quan trọng cần phải theo dõi trẻ sau tiêm chủng là: 30 phút, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày đầu sau tiêm, 7 ngày sau tiêm và 28 ngày sau tiêm. Trong đó, tôi cần phải lưu ý các phụ huynh trong 3 ngày đầu tránh cho trẻ vận động mạnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm”.

https://cand.com.vn/y-te/lieu-co-the-coi-covid-19-la-benh-luu-hanh--i650184/

Trần Hằng