Liên minh châu Âu: Nỗ lực kiềm chế khủng hoảng năng lượng

Hội nghị Thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã đạt được thỏa thuận về một lộ trình nhằm áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước xu hướng giá năng lượng leo thang trong những tuần tới. Dù các cuộc đàm phán trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng thỏa thuận này đã gửi đi tín hiệu rõ ràng đối với thị trường về sự quyết tâm và đoàn kết của khối.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (giữa), Tổng thống Bulgaria Rumen Radev (phải), Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh châu Âu.

Thỏa thuận trên đã đạt được sau 11 giờ thảo luận về các đề xuất nhằm giảm chi phí năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ, thỏa thuận đã vạch ra một lộ trình vững chắc để các thành viên tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng. Thỏa thuận kêu gọi các nước thành viên trong những tuần tới tìm ra cách thức để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cao, mà vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh của EU trên toàn cầu, cũng như tính thống nhất của thị trường chung này.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe dọa đối với thị trường nội khối của EU. EU đang phải vật lộn với giá năng lượng cao dẫn đến lạm phát và gia tăng triển vọng suy thoái trên toàn châu lục. Trước chiến tranh, EU nhận 40% khí đốt của Nga, nhưng vào tháng 7, cựu Lục địa đã chấp thuận cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt từ quốc gia này. Động thái trên đã góp phần đẩy giá cả tăng lên.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia thành viên đã đồng ý cắt giảm nhu cầu khí đốt 15% trong mùa đông, đồng thời cam kết lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ít nhất 80% công suất vào tháng 11 tới và giảm nhu cầu điện vào thời điểm cao điểm ít nhất 5%. Dẫu vậy, áp giá trần khí đốt liên tục là chủ đề nóng trong chương trình nghị sự của EU trong nhiều tháng qua. 15 quốc gia bao gồm Pháp, Italia và Ba Lan đang cố gắng thúc đẩy một mức trần giá năng lượng.

Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan khi cho rằng các biện pháp can thiệp vào thị trường như việc áp giá trần khí đốt có thể ảnh hưởng không tốt đến sự sẵn có của khí đốt tự nhiên và không giúp khuyến khích các chính phủ và người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng. Ngoài những bất đồng về mức trần giá khí đốt, các nhà lãnh đạo cũng mâu thuẫn về kế hoạch hỗ trợ của các quốc gia có ngân sách lớn để giúp các ngành công nghiệp và hộ gia đình của họ vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

EC, cơ quan điều hành của EU, đã cố gắng thỏa mãn các quan điểm khác nhau bằng một loạt đề xuất mà họ hy vọng sẽ giúp người dân châu Âu giảm chi tiêu cho việc sưởi ấm khi mùa đông đang đến gần. Các đề xuất của EC bao gồm ý tưởng cho phép các công ty năng lượng khổng lồ của EU mua chung nhằm điều chỉnh mức giá rẻ hơn để bổ sung nguồn khí đốt dự trữ. Một “cơ chế điều chỉnh giá” cũng sẽ được thiết lập như một chính sách bảo hiểm chống lại những biến động bất thường trên thị trường...

Theo Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen: “Phản ứng tốt nhất lúc này là đoàn kết và thống nhất châu Âu. Và trên tinh thần này, Ủy ban vừa nhất trí về một khuôn khổ lập pháp mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang leo thang hiện nay”.

Việc không có bất kỳ quyết định nào về mức trần giá khí đốt cho thấy các cuộc đàm phán sẽ vẫn khó khăn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên đã đồng ý tiếp tục làm việc trong tuần này để tìm sự đồng thuận dựa trên các đề xuất EC. Theo giới quan sát, kế hoạch của EU sẽ thúc đẩy các hợp đồng mua khí đốt chung và là biện pháp để cải thiện tình đoàn kết giữa các quốc gia EU bị tổn thương nhiều nhất do giá năng lượng cao.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1045485/lien-minh-chau-au-no-luc-kiem-che-khung-hoang-nang-luong

THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn