- Hoạt động của Liên hợp quốc tại Gaza sẽ “tạm dừng sau 48 giờ” nếu không có nhiên liệu
- Israel tuyên bố Hamas 'mất quyền kiểm soát Gaza'
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ, xây dựng hành lang nhân đạo ở Gaza.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 15/11 thông qua nghị quyết do Malta đề xuất về việc kêu gọi tạm dừng nhân đạo, mở rộng các hành lang nhân đạo khẩn cấp và kéo dài ở Gaza.
Nghị quyết được thông qua với 12 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 3 phiếu trắng - Nga, Mỹ và Vương quốc Anh.
Nghị quyết yêu cầu tất cả các bên tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật nhân đạo quốc tế, nhất là liên quan đến việc bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em.
Nội dung nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi các bên tạo ra hành lang nhân đạo khẩn cấp và kéo dài trên khắp dải Gaza để tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở.
Theo nghị quyết, các bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp liên tục, đầy đủ các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên khắp Gaza, bao gồm nước, điện, nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế, cũng như sửa chữa khẩn cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Bên cạnh đó, nghị quyết Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi việc điều kiện cho các nỗ lực cứu hộ và phục hồi khẩn cấp, bao gồm cả việc tìm kiếm trẻ em mất tích trong các tòa nhà bị hư hại và phá hủy, cũng như việc sơ tán y tế đối với trẻ em bị bệnh, bị thương.
Nghị quyết cũng yêu cầu thả vô điều kiện những người bị giam giữ ở Gaza.
Nghị quyết không đề cập đến lệnh ngừng bắn, cũng như nhắc đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10, trong đó chính quyền Israel cho biết khoảng 1.200 người đã thiệt mạng và khoảng 240 người bị bắt giữ.
Gilad Erdan - Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, nói rằng nghị quyết này sẽ "không có ý nghĩa" và "không thực tế". Ông khẳng định Israel đang hành động phù hợp với luật pháp quốc tế ở Gaza.
Bốn dự thảo nghị quyết trước đó về xung đột Israel - Hamas đã không thể thông quan tại Hội đồng Bảo an, trong đó 2 dự thảo nghị quyết do Nga đệ trình không đạt được số phiếu tối thiểu cần thiết, nghị quyết do Brazil soạn thảo bị Mỹ bác và Nga - Trung Quốc cũng phủ quyết nghị quyết do Mỹ đệ trình.