Liên Hợp Quốc nói Triều Tiên chi 300 triệu USD cho tên lửa đạn đạo

Triều Tiên duy trì chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo nhờ tiền từ các vụ tấn công mạng năm 2020, theo báo cáo mật của Liên Hợp Quốc.

"Triều Tiên đã chế tạo vật liệu phân hạch, duy trì cơ sở hạt nhân và nâng cấp cơ sở hạ tầng tên lửa đạn đạo, đồng thời tiếp tục tìm kiếm vật liệu và công nghệ từ nước ngoài cho những chương trình đó", nhóm chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc cho biết trong báo cáo mật được tiết lộ hôm 8/2.

Báo cáo được gửi lên ủy ban giám sát cấm vận Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Các chuyên gia cho biết Bình Nhưỡng vẫn phát triển kho hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế, đầu tư khoảng 300 triệu USD cho những dự án này trong năm 2020 nhờ hoạt động tấn công mạng toàn cầu.

1842 40
Tên lửa Pukguksong-5 ra mắt trong cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng đêm 14/1. Ảnh: KCNA.

"Dù không có vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo nào trong năm 2020, Bình Nhưỡng đã thông báo chuẩn bị thử nghiệm, chế tạo các đầu đạn mới cho tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân chiến thuật", báo cáo có đoạn viết. Triều Tiên đã phô diễn nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong các cuộc duyệt binh hồi năm ngoái.

Một nước thành viên Liên Hợp Quốc cho rằng nhiều khả năng các tên lửa đều có thể mang đầu đạn hạt nhân. "Tuy nhiên, quốc gia thành viên này không chắc chắn liệu Triều Tiên đã phát triển được tên lửa đạn đạo chống chịu được nhiệt lượng khi hồi quyển hay chưa", báo cáo cho hay.

Phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc chưa bình luận về báo cáo trên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Biden đang lên kế hoạch cho cách tiếp cận mới với Bình Nhưỡng, bao gồm phối hợp cùng đồng minh nhằm xem xét toàn diện "các lựa chọn gây áp lực và khả năng ngoại giao trong tương lai".

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết cải thiện quan hệ song phương và hợp tác hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh lần đầu hồi năm 2018. Tuy nhiên, cuộc gặp tiếp theo giữa hai lãnh đạo vào năm 2019 và những đợt thảo luận cấp làm việc đều không mang lại kết quả.

Triều Tiên đề xuất tháo dỡ cơ sở hạt nhân chủ chốt để đổi lấy gỡ bỏ các lệnh cấm vận lớn, trong khi chính quyền Trump cho rằng phá hủy cơ sở là chưa đủ và muốn Bình Nhưỡng chuyển giao toàn bộ kho vũ khí và nhiên liệu hạt nhân.

Chính quyền Biden chưa công bố chính sách mới về Triều Tiên. Khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống, Biden khẳng định ông chỉ gặp Kim Jong-un nếu Triều Tiên đồng ý "cắt giảm" năng lực hạt nhân.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Thông điệp Triều Tiên gửi Biden từ tên lửa Thông điệp Triều Tiên gửi Biden từ tên lửa "mạnh nhất thế giới"

Triều Tiên ra mắt tên lửa đạn đạo Pukguksong-5 và không đề cập "phi hạt nhân hóa", dường như muốn phát thông điệp cứng rắn ...

Triều Tiên khoe Triều Tiên khoe "vũ khí mạnh nhất thế giới"

Triều Tiên trưng bày mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới tại cuộc duyệt binh sau đại hội đảng Lao động.

/ vnexpress.net