- EU tạm dừng các biện pháp đáp trả thuế đối ứng của Mỹ
- Ông Trump miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop
Liên hợp quốc (LHQ) phát lời kêu gọi Mỹ miễn áp dụng thuế đối ứng cho các quốc gia nhỏ và nghèo nhất thế giới, nếu không sẽ gây ra “tác hại kinh tế nghiêm trọng”.
Trong một báo cáo công bố ngày 14/4, tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (Unctad) xác định có 28 quốc gia bị Tổng thống Mỹ đưa vào danh sách áp mức thuế cao hơn mức cơ bản 10% — dù mỗi nước trong số đó chỉ chiếm chưa đến 0,1% thâm hụt thương mại của Mỹ.
Danh sách này bao gồm Lào, dự kiến sẽ phải chịu mức thuế 48%; Mauritius 40%; và Myanmar 45% — quốc gia đang cố gắng phục hồi sau trận động đất tàn phá.
“Khoảng dừng 90 ngày hiện tại là cơ hội để đánh giá lại cách đối xử với các nền kinh tế nhỏ và dễ tổn thương – bao gồm cả các quốc gia kém phát triển nhất,” Unctad cho biết.
“Đây là thời điểm quan trọng để cân nhắc việc miễn thuế cho các quốc gia này, bởi những mức thuế đó gần như không mang lại lợi ích gì cho chính sách thương mại của Mỹ nhưng lại có thể gây hại kinh tế nghiêm trọng.”
Phân tích của Unctad cho thấy, nhiều nền kinh tế trong danh sách này nhỏ đến mức ngay cả khi họ giảm thuế theo yêu cầu của Mỹ, họ cũng sẽ không tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ.

Người nông dân với một bó quả vani xanh tại Madagascar. (Ảnh: Reuters)
Ví dụ, Malawi – đối mặt với mức thuế 18% – chỉ mua 27 triệu USD hàng hóa từ Mỹ trong năm ngoái; Mozambique, chịu thuế 16%, mua 150 triệu USD; Campuchia, với mức thuế lên đến 49%, mua 322 triệu USD.
Các chuyên gia của Unctad cho biết, 36 trong số các quốc gia nhỏ và nghèo này có khả năng chỉ tạo ra chưa tới 1% tổng doanh thu thuế của Mỹ, ngay cả khi Mỹ không cắt giảm nhập khẩu từ họ khi mức thuế được áp dụng.
Thông báo áp mức thuế trừng phạt của Nhà Trắng trong tháng này đã khiến nhiều nước đang phát triển choáng váng.
Ông Trump tuyên bố rằng các nền kinh tế đối thủ đã “cướp bóc, tàn phá và vơ vét” nước Mỹ thông qua các hành vi thương mại không công bằng, và ông muốn tạo ra một sân chơi công bằng hơn. Tuy nhiên, Unctad cho biết nhiều quốc gia bị áp thuế cao thực chất khó có thể đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới, do quy mô nhỏ và mức độ xuất khẩu khiêm tốn.
Tuần trước, Nhà Trắng đã tạm hoãn việc áp thuế cao trong 90 ngày, sau khi gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu, giữ lại mức thuế 10% áp dụng đồng loạt.
Tuy nhiên, lập trường chính thức của chính quyền vẫn là sẽ áp dụng mức thuế “đối ứng” sau khi kết thúc đàm phán.
Một phần lý do cho chính sách thuế quan là nhằm đưa việc làm trong lĩnh vực sản xuất trở lại Mỹ. Nhưng với nhiều quốc gia nhỏ bé, mặt hàng xuất khẩu chủ lực lại là nông sản – mà Mỹ khó có thể tìm nguồn thay thế ở nơi khác, chưa kể tới việc phát triển ngành sản xuất trong nước.
Unctad nhấn mạnh, Mỹ nhập khẩu 150 triệu USD vanilla từ Madagascar, gần 800 triệu USD cacao từ Bờ Biển Ngà và 200 triệu USD cacao từ Ghana. Madagascar sẽ phải đối mặt với mức thuế 47%, báo cáo cho rằng tác động chính đối với Mỹ là giá cả tiêu dùng tăng cao.
Một số quốc gia đang chịu mức thuế 10% – và có thể đối mặt với mức cao hơn sau khi thời gian tạm hoãn kết thúc – trước đây từng được hưởng lợi từ chính sách gọi là Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (AGOA) của Mỹ.
Chương trình này được thực hiện từ năm 2000, cho phép các quốc gia ở vùng hạ Sahara châu Phi tiếp cận thị trường Mỹ miễn thuế nhằm khuyến khích phát triển kinh tế. Có tới 32 quốc gia đủ điều kiện, cho đến khi tuyên bố của ông Trump gần như phá vỡ toàn bộ chương trình này.
Các thị trường tài chính và nhà sản xuất ở các nước đang phát triển vẫn đang chật vật đối phó với sự thay đổi liên tục trong chính sách thương mại của Mỹ.
Cuối tuần qua, ông Trump lại tiếp tục gây bối rối khi dường như rút lại một tuyên bố trước đó vào 11/4, rằng một số mặt hàng công nghệ cao – bao gồm cả máy tính xách tay – sẽ được miễn thuế.
https://vtcnews.vn/lien-hop-quoc-keu-goi-my-mien-thue-cho-cac-quoc-gia-ngheo-ar937748.html