Trung Quốc nỗ lực thích ứng với chiến dịch 'kiểm soát' của Mỹ

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần thúc đẩy đổi mới trong nước và mở cửa rộng rãi hơn như một cách để đối phó các chính sách hạn chế và ngăn chặn của Mỹ.

Từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã bắt đầu áp đặt những biện pháp thuế quan nghiêm ngặt nhằm vào phía Trung Quốc. Động thái này đã làm thay đổi vĩnh viễn mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước và đến nay vẫn được duy trì dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Dù cùng có cách tiếp cận giống nhau trong vấn đề Trung Quốc nhưng chính quyền 2 vị tổng thống lại đưa ra những quan điểm khác nhau về hành động của họ. Trong đó, quan chức thời cựu Tổng thống Trump gọi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là sự “tách rời chiến lược”, còn chính quyền Tổng thống Biden cho rằng động thái của họ nhằm mục đích “giảm thiểu rủi ro”.

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của Mỹ vẫn là tăng cường kiểm soát, ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ hiện đại.

Robot thông minh làm việc tại nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Robot thông minh làm việc tại nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Sự dịch chuyển ngành sản xuất

Trước xu hướng trên của Mỹ, các nhà phân tích Trung Quốc đang kêu gọi Bắc Kinh tăng cường các hành động để thích ứng. Ông Qiu Dongxiao, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Xung đột địa chính trị sẽ không dừng lại trong thời gian ngắn”.

Ông nói thêm rằng thất nghiệp là động lực chính cho quá trình tái công nghiệp hóa của Washington và cảnh báo xu hướng hiện tại có thể kéo dài hơn 10 năm. Ông giải thích: “Tái công nghiệp hóa, một khi đã bắt đầu, sẽ khó đảo ngược vì nó hiệu quả về mặt chi phí. Xu hướng này liên quan đến rất nhiều khoản đầu tư bị cắt giảm”.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc Wind, đầu tư sản xuất của Mỹ trong năm 2022 đã tăng 10,5% so với năm 2021, đạt 670,5 tỷ USD – tăng 54% so với một thập kỷ trước đó.

Reshoring Initiative, một tổ chức nghiên cứu tư nhân có trụ sở tại Mỹ, dự đoán gần 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã được chuyển từ nước ngoài về Mỹ kể từ năm 2010, và xu hướng này đang tiếp tục tăng lên.

Trong một báo cáo về dữ liệu từ nửa đầu năm 2023, tổ chức này lưu ý: “Mỹ đã mất 11 năm để tạo ra một triệu việc làm đầu tiên nhưng chỉ cần 3 năm để tạo ra thêm một triệu việc làm khác”.

Cụ thể Mỹ đã tạo ra thêm 364.000 việc làm nội địa trong ngành sản xuất vào năm 2022, tăng 53% so với năm 2021. Khoảng một nửa việc làm trong số đó đến từ ngành công nghiệp chip và xe điện, trong khi các thiết bị gia dụng, hóa chất và thiết bị điện và hóa chất cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp từ Mỹ giảm 10,3% trong cùng năm. Đồng thời, Mexico cũng đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ vào đầu năm 2023.

 

Nhận xét về xu hướng này, bà Ye Yu, trợ lý giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết các biện pháp kiềm chế của Mỹ vẫn có thể gây tác dụng ngược, trích dẫn ví dụ về Huawei Technologies.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã bất ngờ trình làng chiếc điện thoại Mate 60 vào tháng 9/2023, trong đó sử dụng công nghệ chip hiện đại được sản xuất nội địa. Động thái này diễn ra bất chấp những hạn chế do Mỹ áp đặt để ngăn Trung Quôca tiếp cận các linh kiện tiên tiến.

“Ngành dịch vụ là thế mạnh của Mỹ nhưng họ khó xây dựng được chuỗi cung ứng toàn diện cho các ngành công nghiệp đổi mới ở Mỹ. Chỉ cần nhìn vào cuộc đình công của công nhân ô tô, bạn sẽ thấy tác động. Một vấn đề khác là liệu robot có thể được phát triển để thay thế con người hay không, nhưng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn”, bà Ye nhận xét.

Reshoring Initiative đã theo dõi 807 thông báo về việc chuyển các hoạt động chuyển ngành sản xuất về nước và chuyển hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, ước tính xu hướng này đã tác động tới khoảng 182.000 việc làm . Các nhà đầu tư Trung Quốc đã có những điều chỉnh riêng, tập trung vào các trung tâm sản xuất mới nổi như Mexico và Việt Nam.

Dù Trung Quốc vẫn là một cường quốc sản xuất, nhưng Mỹ đang nỗ lực khai thác chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác. (Ảnh: SCMP)

Dù Trung Quốc vẫn là một cường quốc sản xuất, nhưng Mỹ đang nỗ lực khai thác chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác. (Ảnh: SCMP)

Phản ứng của Trung Quốc

Wang Zichen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) có trụ sở tại Bắc Kinh, đã lập luận rằng tái công nghiệp hóa ở phương Tây và công nghiệp hóa ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ có thể không phải là một “trò chơi có tổng bằng 0” đối với Sự phát triển của Trung Quốc.

Ông nói: “Bắc Kinh đã thể hiện sự cởi mở đối với các dự án đầu tư mạo hiểm của các nhà sản xuất Trung Quốc ở nước ngoài, điều này phù hợp với các mô hình phát triển công nghiệp đã được thiết lập”.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng thực hiện các bước đi để thích ứng với sự dịch chuyển của ngành sản xuất, đồng thời cố gắng nâng cao vị thế là thị trường hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, bao gồm tại hội chợ chuỗi cung ứng khai mạc vào tháng 11/2023.

Ông He Weiwen, thành viên cấp cao tại CCG, cho biết các chính sách hạn chế từ Mỹ sẽ không “đủ” để ngăn chặn toàn cầu hóa và Trung Quốc vẫn sẽ đạt được nhiều đột phá công nghệ trong thập kỷ tới như một phần của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Điều quan trọng hơn là Trung Quốc phải mở cửa rộng rãi như một cách để đối phó các hạn chế và ngăn chặn”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng phần lớn sự thay đổi của chuỗi cung ứng nằm ở công nghệ.

Qiu tại Đại học Lĩnh Nam cho biết các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, có thể sẽ có “phản ứng tương tự”, vì “nguyên nhân tái công nghiệp hóa ở Mỹ cũng có thể được tìm thấy ở các quốc gia khác”.

Ông nói thêm: “Điều này có thể mang lại cơ hội cho Trung Quốc bớt phụ thuộc hơn vào các nước khác bằng cách phát triển thị trường nội địa và đầu tư nhiều hơn vào đổi mới”.

https://vtc.vn/trung-quoc-no-luc-thich-ung-voi-chien-dich-kiem-soat-cua-my-ar846990.html

HOA VŨ(Nguồn: SCMP) / VTC News