Lật tẩy nhiều vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 thành phố xử lý hơn 2.800 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, phạt số tiền gần 10 tỷ đồng...

Thực trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng được vận chuyển, kinh doanh chủ yếu là nhóm sản phẩm được tiêu thụ dịp Tết, đầu hè (bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm…), nguyên liệu thực phẩm, phụ gia dùng trong chế biến.

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một trường học trên địa bàn TP Hà Nội

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một trường học trên địa bàn TP Hà Nội

Thực trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vẫn tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Việc sử dụng các loại hoá chất ngoài danh mục trong bảo quản, chế biến thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn, sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ hoá chất công nghiệp vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hoạt động sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm chức năng tiếp tục có xu hướng tăng mạnh với nhiều mẫu mã và sản phẩm mới, nhiều trong số đó là hàng giả, hàng nhái, không được kiểm định chất lượng. Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chức năng tăng cao, lợi nhuận lớn, tình hình vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có nhiều diễn biến phức tạp. Đối với hoạt động sản xuất thực phẩm chức năng, bên cạnh các hành vi vi phạm về điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm như chất lượng không đúng tiêu chuẩn đã công bố, sử dụng người lao động không mặc trang phục bảo hộ theo quy định, không có trang thiết bị theo quy định để bảo quản thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, cường điệu hoá công dụng của sản phẩm. Phần lớn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đều được nhập từ biên giới theo đường tiểu ngạch, sau đó về Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác của các hãng nổi tiếng, có nguồn gốc, xuất xứ rồi mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm này được bán ra thị trường với giá tương đương hàng thật, hàng chính hãng.

Cũng theo nhận định của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, hiện nay hoạt động kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể xu hướng hoạt động mạnh trở lại. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể vẫn còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này chủ yếu như nhân viên không khám sức khoẻ, không tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, bảo quản không đảm bảo tiêu chuẩn…

Đáng chú ý, từ ngày 22/5 đến 24/5/2024 trên địa bàn huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã có 152 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm nhập Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng và các bệnh viện Đa khoa Phúc Thị; Đa khoa Nam Thăng Long để khám. Các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hoá. Cơ quan chức năng đã tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xác định nguyên nhân để xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Gia tăng các vi phạm trong ngành “siêu lợi nhuận”

Đối với lĩnh vực y tế, thực tế hiện nay hầu hết các bệnh viện đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng việc xử lý chưa triệt để như máy gặp sự cố, vận hành không thường xuyên, dẫn đến tình trạng nước thải từ bệnh viện thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Các cơ sở kinh doanh dược phẩm ngoài việc bán thuốc chính hãng còn bán kèm thuốc tây không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh. Các cơ sở kinh doanh dược liệu, làng nghề chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, thể hiện qua việc không có giấy chứng nhận chuyên môn, chứng chỉ hành nghề theo quy định, dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng hoá chất độc hại để bảo quản, chống mốc… Nguyên nhân của những hành vi trên do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và chạy theo lợi nhuận trước mắt của các hộ kinh doanh dược liệu.

Các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế còn tình trạng nhập lậu máy móc, thiết bị từ nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua thử nghiệm lâm sàng theo quy định của pháp luật…

Đối với các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, đối tượng buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm nhậu lậu vẫn diễn biến phức tạp do lợi nhuận của mặt hàng này rất cao. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để vận chuyển mỹ phẩm nhậu lậu về Việt Nam, trà trộn hàng giả, hàng nhái với hàng chính hãng; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để pha trộn mỹ phẩm dưới danh nghĩa mỹ phẩm đông y, mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Khách hàng sử dụng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ như viêm da, dị ứng…

Trước những thực tế đang báo động này, các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh các phương án, kế hoạch tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm.

"Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phối hợp xử lý 2.783 vụ việc; xử lý hình sự 6 vụ, 24 bị can tội sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm; xử phạt hành chính 2.740 vụ, phạt số tiền hơn 9,1 tỷ đồng. Trong lĩnh vực y tế đã xử lý 28 vụ việc, phạt số tiền 735 triệu đồng".

https://www.anninhthudo.vn/lat-tay-nhieu-vi-pham-phap-luat-trong-linh-vuc-y-te-an-toan-thuc-pham-post583915.antd

Linh Nhi / ANTD