Lao động Việt Nam làm việc "chui" ở nước ngoài đối mặt với những rủi ro gì?

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), việc  công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài có nhiều hình thức khác nhau. Nếu di cư ra nước ngoài làm việc, theo Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có nhiều hình thức hợp pháp như: Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép, thông qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), công dân Việt Nam ra nước ngoài từ các kênh không chính thống, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Cục này chỉ rõ những rủi ro người lao động sẽ gặp phải như không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện.

Bên cạnh đó, người lao động bất hợp pháp đối mặt với việc làm và thu nhập không đảm bảo, chế độ bảo hiểm mất đi và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ.

Ngoài ra, công dân sẽ không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ của họ không được trang bị.

Vì vậy, họ rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động, nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.

Công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, nước sở tại. Khi gặp khó khăn, có phát sinh các vụ việc, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ rất khó trong việc tiếp cận, nắm bắt tình hình, tư vấn hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

Để hạn chế tình trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khuyến cáo các địa phương về tình hình và đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân các rủi ro của việc nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp.

Đồng thời, Cục đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, rà soát, tình hình đi làm việc ở nước ngoài của dân tại địa phương nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại đang môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người đi trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

39 người chết trong xe container: Thêm nhiều gia đình báo thân nhân mất tích
Hé mở cuộc sống bí ẩn của người lao động Triều Tiên
"Cò" đưa lao động đi Anh cắt liên lạc sau khi bị đánh động?
/ laodong.vn