Nhiều năm gần đây, hàng loạt lãnh đạo Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) liên tục bị bắt, vậy doanh nghiệp này từng "làm ăn" ra sao?
Nhiều lãnh đạo "xộ khám"
VEAM cho biết, đơn vị đã nhận được thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội về việc khởi tố bị can, lệnh tạm giam với ông Phan Phạm Hà (49 tuổi, trú Hà Nội, Tổng Giám đốc VEAM) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3, điều 356 Bộ luật Hình sự.
HĐQT của VEAM ngay sau đó đã bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc với ông Hà. Hiện sai phạm cụ thể của ông Hà chưa được công bố.
Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà vừa bị khởi tố.
Đây không phải lần đầu lãnh đạo của VEAM dính "lao lý". Trước đó, tháng 10/2023, ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng Giám đốc và Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VEAM, đã bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Giang và ông Tuấn bị cáo buộc chỉ đạo mua 305 bộ khuôn dập cabin ôtô SV110 về rồi "bỏ không", gây thiệt hại 27 tỷ đồng.
Giữa năm 2022, hàng loạt lãnh đạo VEAM cũng lĩnh án do sai phạm trong việc vay ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc VEAM) bị tuyên 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh trên, ông Lâm Chí Quang (cựu Tổng Giám đốc VEAM) bị phạt 8 năm tù, Vũ Từ Công (cựu kế toán trưởng VEAM) nhận 6 năm tù, Đào Quốc Việt (cựu Giám đốc Vetranco - công ty con của VEAM) 13 năm tù.
Nhiều lãnh đạo VEAM liên tục vướng lao lý. (Ảnh: VOV)
VEAM làm ăn ra sao?
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam VEAM hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước. Năm 2010, VEAM chuyển sang hình thức công ty mẹ - con với 25 công ty con và đơn vị thành viên.
Năm 2017, VEAM hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 88%.
Thời điểm tháng 4/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo đưa cổ phiếu VEA của VEAM vào diện chứng khoán bị cảnh báo kể từ ngày 11/4/2023. Theo đó, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEAM trên sàn UPCoM bị vào diện cảnh báo của HNX, nguyên nhân do báo cáo tài chính năm của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.
Cụ thể, đơn vị kiểm toán cho biết tại báo cáo tài chính kiểm toán 2022, công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 166 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá của Ban Tổng Giám đốc liên quan đến khả năng thu hồi các khoản trên.
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. (VEAM)
Tháng 8/2023, Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, chỉ ra nhiều thiếu sót trong quán trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại VEAM.
Theo kết luận thanh tra, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa VEAM (ngày 1/7/2014) tổng số nợ công ty phải thu là hơn 2.595 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu quá hạn dưới 1 năm là 1.404 tỷ đồng, nợ phải thu quá hạn trên 1 năm gần 31 tỷ đồng, nợ phải thu quá hạn trên 2 năm 7,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, số nợ phải thu quá hạn trên 3 năm và nợ phải thu khó đòi lần lượt là 941 và 210 tỷ đồng, số nợ phải thu chưa đối chiếu là 36,9 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra khẳng định, việc VEAM và 5 công ty con (100% vốn VEAM) chưa đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả là thực hiện chưa đúng quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Theo đó "doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải thu (bao gồm các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn), đồng thời thực hiện thu hồi các khoản nợ đến hạn trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa".
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ VEAM cho các công ty thành viên vay, hỗ trợ vốn không quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục vay; nhiều trường hợp vay không có phương án sử dụng vốn hiệu quả, không có hợp đồng, dẫn đến không thu hồi được, nợ tồn đọng lớn, kéo dài.
Đến thời điểm thanh tra, còn 5 đơn vị nợ quá hạn số tiền 622,5 tỷ đồng và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, nguy cơ thất thoát lớn vốn của VEAM.
VEAM thực hiện không đúng việc xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, tồn tại nhiều khoản công nợ phải thu quá hạn, khó đòi chưa được xử lý. Tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, nợ phải thu khó đòi chưa được xử lý hơn 174 tỷ đồng.
https://vtcnews.vn/lanh-dao-lien-tuc-bi-bat-veam-kinh-doanh-the-nao-ar876587.html