Các chuyến công tác, học tập nước ngoài thời gian qua còn gây nhiều tốn kém nhưng lại không mang lại hiệu quả.
Ngày 13/2, nói về nhiệm vụ của năm 2019, lãnh đạo TP.HCM đề cập tới kinh phí đi công tác nước ngoài quá nhiều, gây lãng phí, tốn kém. Nêu cụ thể có trường hợp lãnh đạo DNNN đi nước ngoài hai năm 160 ngày, lãnh đạo TP cho biết đang cho thanh tra toàn diện việc đi nước ngoài của các đơn vị để tiết giảm kinh phí cho ngân sách.
TPHCM từng đưa ra quy định cấm cán bộ công chức đi nước ngoài trước Tết Kỷ Hợi. Ảnh: TPO
Nêu quan điểm về việc này, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng yêu cầu phải thanh tra toàn diện của TP.HCM là cần thiết. Theo ông Nhường, quy định về chế độ đi công tác nước ngoài của cán bộ, công chức, lãnh đạo DNNN đã được quy định rất rõ. Theo đó, đối với cán bộ, công chức nhà nước có quy định mỗi năm đi công tác, học tập không quá hai lần, mỗi lần không quá một tuần.
Riêng với DNNN, việc đi công tác, học tập tại nước ngoài còn phụ thuộc vào tính chất ngành nghề kinh doanh, phụ thuộc vào đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Nếu đó là doanh nghiệp có hợp tác hoặc có trụ sở đầu tư ở nước ngoài thì người lãnh đạo phụ trách phải đi nước ngoài làm việc, đàm phán nhiều là bình thường. Tuy nhiên, nếu chỉ là doanh nghiệp bình thường, không có đầu tư nước ngoài mà hai năm đi nước ngoài tới 160 ngày, tức là chiếm tới hơn 1/4 thời gian làm việc trong 2 năm, như vậy là quá nhiều.
Do đó, ông cho rằng, câu chuyện ở đây chính là hiệu quả từ các chuyến đi đó mang lại cho doanh nghiệp, nhà nước như thế nào? Ông nhấn mạnh, mục đích của các chuyến công tác, học tập nước ngoài là để phục vụ giải quyết công việc, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn cho cán bộ, lãnh đạo, vì thế, đi nước ngoài phải được hạch toán, đánh giá rất cụ thể.
Nhưng thực tế, các chuyến công tác, học tập nước ngoài thời gian qua gây nhiều tốn kém nhưng lại không mang lại hiệu quả. Vẫn có tình trạng cán bộ tranh thủ cuối nhiệm kỳ, đưa người thân, con em đi nước ngoài với cái cớ là học tập, công tác nhưng thực chất là đi du lịch bằng các nguồn kinh phí của DNNN, cũng chính là tiền ngân sách, khiến dư luận bức xúc.
Đề cập thẳng tới Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC), đại biểu Lê Công Nhường nói thẳng, tỉ lệ đi nước ngoài của doanh nghiệp này trong 2 năm 2017, 2018 là quá nhiều.
Dẫn cụ thể báo cáo của thanh tra Thành phố trước đó có báo cáo chỉ rõ sai phạm liên quan đến việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài tại doanh nghiệp này. Cụ thể, trong hai năm 2016 và 2017, IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền công ty chi trả là hơn 1,3 tỉ đồng.
Những sai phạm cụ thể như đi nước ngoài khi không có quyết định cử đi nước ngoài của UBND TP; Thời gian đi thực tế vượt so với quyết định của UBND TP. Số ngày đi nước ngoài của người quản lý Công ty IPC trong hai năm 2016 và 2017 rất nhiều, chiếm tỉ lệ lớn trong số ngày làm việc của năm.
"Tân Thuận là doanh nghiệp phụ trách một khu chế xuất không cần thiết phải đi nước ngoài quá nhiều. Hiện nay, khu chế xuất Tân Thuận gần như đã được lấp đầy các dự án đầu tư, các quy chế hoạt động cũng được xây dựng tương đối đầy đủ rồi, vì thế, đi nước ngoài cùng lắm cũng chỉ nên 1-2 tuần/năm là nhiều, không cần thiết phải đi quá nhiều", vị đại biểu nhấn mạnh.
Tiếp tục dẫn lại kết luận thanh tra về Tân Thuận, đại biểu Lê Công Nhường cho biết: số đoàn đi công tác và số lần đi nước ngoài (việc riêng) của người quản lý và các trưởng, phó phòng của Công ty IPC nhiều, nhưng phần lớn là các chuyến đi sau khi kết thúc không báo cáo kết quả chuyến đi... 7/15 đoàn đi công tác nước ngoài; 16/16 lần đi nước ngoài về việc riêng của cán bộ lãnh đạo, người quản lý Công ty IPC; 40/40 lần đi nước ngoài về việc riêng của các cá nhân là trưởng, phó phòng trực thuộc công ty.
Từ báo cáo trên, vị đại biểu kiến nghị: "Cần phải có đánh giá đối với từng chuyến đi của từng cấp lãnh đạo, nếu không hiệu quả phải thực hiện kiểm điểm ngay".
Đánh giá chung về hoạt động công tác, học tập nước ngoài, vị đại biểu cho rằng đối với cán bộ, công chức nhà nước cơ bản đã được thực hiện nghiêm, tuy nhiên, với DNNN thì vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng là nguyên nhân gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước và doanh nghiệp.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng phải có cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt chế độ đi công tác, học tập nước ngoài của cán bộ, lãnh đạo cơ quan quản lý hành chính và kể cả phía doanh nghiệp. Đặc biệt, nghiêm cấm hiện tượng cán bộ đi nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp.
"Nên nhớ, khi doanh nghiệp bỏ tiền mời cán bộ đi nước ngoài thì toàn bộ chi phí này đều được tính vào chi phí sản xuất và bị đẩy hết vào giá thành, làm giảm hiệu quả sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực chất đây chính là một cách rút tiền nhà nước gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư, phát triển, cần phải ngăn chặn triệt để", ông Nhường nói.
Khai trừ Đảng bí thư thị trấn tự ý đi nước ngoài nhiều lần
Ông Đạt có đến 4 lần đi nước ngoài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khi tổ chức yêu cầu thì ... |
TP.HCM cấm cán bộ đi nước ngoài tham quan, học tập từ nay đến Tết
UBND TP.HCM yêu cầu từ nay đến Tết, các cơ quan, đơn vị không đi công tác, tham quan, học tập… ở nước ngoài, các ... |