Sở hữu đàn bò sữa lên tới trên 9.000 con, mỗi năm vắt bán khoảng 30.000 tấn “vàng trắng”, thu về 400 tỷ đồng. Đó là câu chuyện về những người nông dân nuôi bò sữa ở xã vùng ven bãi sông Hồng.
Là xã nằm ở vùng ven bãi sông Hồng, thế nhưng thay vì những cánh đồng lúa, những ruộng rau màu quen thuộc, nhiều người lần đầu đến Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hẳn sẽ có đôi phần ngạc nhiên. Bởi, chỉ thấy ở nơi đây là những cánh đồng cỏ rộng bạt ngàn, xanh mướt. Cỏ được trồng ở khắp nơi, từ chân ruộng cao tới chân ruộng thấp, thậm chí ven triền đê hay hai bên vệ đường cũng được tận dụng để trồng cỏ.
Từ khi nuôi bò, tiền ồ ạt đổ vào tài khoản
Đi dọc đường làng đổ bê tông chạy quanh co uốn lượn, hai bên đường cỏ voi mọc cao quá đầu người, chúng tôi dừng chân ở trang trại nhà ông Tăng Đình Dậu đúng lúc gia đình đang tắm rửa cho đàn bò để chuẩn bị vắt sữa đem bán.
Ngồi nhấp ngụm trà chiều, ông Dậu khoe, đàn bò nhà ông có 24 con, 14 con đang cho sữa, còn lại là bê con và bò hậu bị. Đều đặn ngày bò cho vắt sữa 2 lần sáng và chiều. Chiều thì tầm 4 giờ vắt sữa rồi ông chở luôn ra trạm cân bán.
Ngày nào, gia đình ông cũng thu được khoảng 2 tạ sữa nên vài năm gần đây, sau khi trừ hết chi phí lãi khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Những con đường bê tông chạy quanh co giữa cánh đồng cỏ voi xanh mướt tại xã Vĩnh Thịnh |
Ông Dậu kể, khi chưa nuôi bò, đất ruộng nhà ông chủ yếu trồng lúa và mía, không đến mức đói ăn những cũng chẳng dư giả gì. Năm 2007, ông quyết định vay mượn tiền mua 6 con bò sữa về nuôi và cuộc sống bắt đầu ổn định.
“Thời đó ít vốn nên chỉ dám mua từng đó bò, sau bò đẻ ra mình gây đàn dần dần. Giờ thì có 24 con bò rồi”. Ông Dậu tâm sự, nuôi bò sữa khá vất vả, hàng ngày phải dậy từ 4 giờ sáng dọn dẹp chuồng trại, tắm rửa cho bò sạch sẽ, cho bò ăn rồi vắt sữa. Công việc luôn chân luôn tay, không mấy khi được nghỉ. Nhưng nuôi bò ngày nào cũng được thu tiền nên ai cũng ham.
“Làm được tiền ham lắm, không muốn nghỉ đâu. Vợ chồng tôi năm nay đã gần 70 rồi mà vẫn muốn mở rộng đàn bò nuôi thêm. Hội cựu chiến binh mời đi du lịch miễn phí tôi cũng từ chối, thích ở nhà nuôi bò. Cứ hết tuần, sang đầu tuần mới công ty lại chuyển tiền mua sữa vào tài khoản cho mình”, ông chia sẻ.
Cách ông Dậu khoảng 100 mét là trang trại bề thế của vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Toàn. Hai dãy chuồng bò thẳng tắp với hệ thống quạt trần được lắp san sát cùng 2 chiếc quạt công nghiệp công suất lớn bật suốt ngày đêm phục vụ đàn bò. Anh Toàn cho biết, nguồn thu chính của gia đình anh đều từ đàn bò này.
Có tới 1.200 hộ dân ở Vĩnh Thịnh nuôi bò sữa, với những trang trại lớn nuôi tới vài chục con |
Trước anh Toàn làm thợ xây dựng, công việc nặng nhọc mà tiền công nhận về chỉ vỏn vẹn 170.000-180.000 đồng/ngày. Từ ngày bạn anh rủ về nuôi bò, cuộc sống của gia đình anh khấm khá hẳn.
Không dám nhận mình là tỷ phú, song anh Toàn tiết lộ, mỗi ngày anh cân bán 4 tạ sữa, đến đầu tuần công ty lại đổ tiền vào thẳng tài khoản của mình sau khi đã trừ đi tiền cám còn nợ họ.
Nuôi bò sữa, anh Toàn phải ký hợp đồng trực tiếp với công ty thu mua, năm đôi ba lần đi tập huấn. Anh phải chăn nuôi đúng theo kỹ thuật họ quy định. Thức ăn cho bò là cám phải do công ty cung cấp để đảm bảo chất lượng sữa và cũng để tránh trường hợp dân tự mua cám bên ngoài không đảm bảo về cho bò ăn.
Thành ra, ngày nào các hộ nuôi bò sữa tại đây cũng đi cân bán sữa, công ty thống kê hết lại. Đến đầu tuần sau, khi đã trừ hết số tiền cám đã mua, còn bao nhiêu tiền phía công ty chuyển trả vào tài khoản cho mình.
“Dạo gần đây, cứ đầu tuần là điện thoại báo có tin nhắn của ngân hàng chứ không nhận tiền trực tiếp như trước. Mỗi lần như vậy gia đình tôi được khoảng 20 triệu hoặc hơn tuỳ vào số bò cho sữa”, anh Toàn phấn chấn.
Năm chia nhau 400 tỷ, biệt thự mọc lên khắp làng
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh - thừa nhận, trước đây cuộc sống của bà con nông dân trong xã rất bấp bênh. Trồng lúa, ngô, mía nhưng kém hiệu quả. Người dân trong vùng lại phải đi khắp nơi làm thuê làm mướn.
Bên ấm trà, ông Dậu khoe mỗi năm gia đình ông lãi 400-500 triệu đồng nhờ con bò sữa |
Từ năm 2000, người dân trong xã bắt đầu chuyển đổi sang nuôi bò sữa. Thời kỳ đó dù quy mô chưa lớn, mỗi hộ chỉ nuôi 5-7 con, chăn nuôi lại thủ công nhưng con bò sữa cũng giúp người dân ổn định cuộc sống, không còn chạy vạy đong ăn từng bữa.
Còn khoảng chục năm đổ lại đây, nghề chăn nuôi bò sữa ở địa phương thực sự bùng nổ. Người dân tích cực mở rộng quy mô đàn bò, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy móc nhiều hơn. Do đó, sản lượng sữa tăng mạnh.
Hiện nay toàn Vĩnh Thịnh có khoảng 1.200 hộ dân tham gia nuôi bò sữa (chiếm 60% số hộ trong xã) với tổng đàn bò lên tới trên 9.000 con. Nửa đầu năm nay, sản lượng sữa đạt tới gần 12.000 tấn.
Đứng trên bờ đê nhìn về xã Vĩnh Thịnh, nhà cao tầng mọc lên san sát |
Ở vùng này, hộ nuôi trung bình có 15-20 con bò, hộ nuôi nhiều 30-40 con, mỗi tháng thu lãi vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ bán sữa bò là chuyện bình thường.
“Con bò sữa đã giúp người dân nơi đây thực sự đổi đời”. Ông Khánh cho biết, rất nhiều gia đình nhờ nuôi bò sữa giờ trở thành tỷ phú, triệu phú. Đi dọc đường làng, nhà 2-3 tầng mọc lên san sát toàn là của các gia đình nuôi bò sữa.
Ông Đàm Minh Tuấn, người đầu tiên đưa con bò sữa về xã Vĩnh Thịnh, thừa nhận, trước người dân còn nghèo, nhà có việc gì cần dùng đến tiền đều phải bán lúa, bán gạo. Con ốm phải đi vay từng đồng. Từ khi nuôi bò sữa, thu nhập của các hộ dân ở đây rất cao. Như năm ngoái, sản lượng sữa của toàn xã đạt khoảng 30.000 tấn, doanh thu tầm trên dưới 400 tỷ đồng. Nhà nào cũng xây 3 tầng to như biệt thự, đầy đủ tiện nghi, ô tô đậu khắp làng.
Đó là tiền thu từ sữa, giờ dân còn bán được cả phân bò để sản xuất phân hữu cơ. Môi trường nhờ đó cũng giảm thiểu ô nhiễm, ông Tuấn chia sẻ.
Nữ tỷ phú ‘điên rồ’, kiếm tiền tấn nhờ làm đẹp lông mày |
"Đột nhập" căn nhà tỷ USD của người giàu nhất châu Á |
Nữ đại gia nổi tiếng keo kiệt, khi chết để lại 12 triệu USD cho chó cưng |