Vùng đất Thường Tín xưa nay nổi tiếng là đất trăm nghề, các sản phẩm có độ tinh xảo rất cao. Thế nhưng ít ai biết, làng thêu Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) là ngôi làng duy nhất làm long bào, lọng phục vụ các triều đại phong kiến Việt Nam. Cho đến bây giờ, một số ít nghệ nhân giỏi tay nghề của làng lại tiếp tục được chọn để thêu phục chế long bào.
1. Nằm bên bờ hữu ngạn của dòng Nhuệ Giang, làng Đông Cứu hàng trăm năm nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp thanh bình của vùng “ngũ xã”. Vùng quê nổi tiếng với làng nghề thêu truyền thống đặc biệt mà không phải nơi đâu cũng có được. Theo bản sắc phong của các triều vua Việt Nam ghi lại, làng Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, vị Tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637) làm tổ nghề thêu. Ông tổ nghề thêu là một vị quan được cho là đã dạy người làng những kỹ thuật thêu và làm lọng tân tiến hơn do ông tiếp thu sau một lần đi sứ sang Trung Quốc. Từ đó, nghề thêu và làm lọng phát triển mạnh mẽ, lan dần ra nhiều làng nghề trên khắp cả nước, trong đó có làng Đông Cứu.
Làng Đông Cứu trước đây là nơi chuyên chế tác các vật phẩm phục vụ cho các bậc vua chúa và quan quân. Đây là nơi duy nhất tại miền Bắc được xem là chuyên về lĩnh vực này, dù có một số làng thủ công khác như Quất Động, nhưng do không chuyên nên không thể so sánh chất lượng với Đông Cứu. Số lượng nghệ nhân theo thời gian cũng giảm dần, hiện nay tại Đông Cứu chỉ còn khoảng hơn 50 hộ lưu giữ nghề của cha ông.
Theo các nghệ nhân tại đây, từ xa xưa tới nay người làng chỉ dạy nhau qua các thế hệ bằng cách truyền miệng. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đông Cứu vẫn là ngôi làng duy nhất trên đất Bắc còn giữ được lối thêu cổ, đó là nghề phục dựng long bào, áo mão cho vua chúa, quan lại, quý tộc trong triều đình xưa.
Không phải tự nhiên các sản phẩm thêu ở Đông Cứu được giới vua chúa, quan lại ưa chuộng. Theo như các nghệ nhân thì nghề thêu ở đây có nhiều kỹ thuật đặc trưng, dễ phân biệt với các địa phương khác. Ví dụ như vừa thêu vừa phải nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn lại vừa bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại. Các kỹ thuật này tạo ra chênh lề, ghệch độn hết sức độc đáo mà nghệ nhân thêu gọi đó là ngôn ngữ thêu. Các nghệ nhân kết hợp nhịp nhàng các kỹ thuật này với nhau tạo thành những hoa văn tinh xảo mà chỉ có người có tay nghề cao, trình độ cao trong làng mới thực hiện được.
Ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu chia sẻ: “Kỹ thuật thêu, phối màu là một điều quan trọng để tạo nên một bức thêu đẹp, khẳng định được tay nghề của người thợ, những tay thợ giỏi. Trên sản phẩm thêu bao giờ cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quện lấy nhau, đường thêu mềm mại”.
Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, ngôn ngữ riêng của nghề thêu cổ truyền chính là những hình rồng phượng, vân mây nẩy trăng, hoa lá uốn lượn… Những họa tiết này được sắp xếp bố cục cân xứng trên tà áo. Nó thể hiện sự lộng lẫy, đồng thời thể hiện thứ bậc, giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ. “Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Đông Cứu, các đường viền chỉ trở nên mềm mại, uốn lượn nhẹ nhàng, khác hẳn với các sản phẩm thêu thủ công ở địa phương khác” - Nghệ nhân Giỏi cho biết thêm.
Sản phẩm thêu độc đáo ở Đông Cứu không chỉ ở kỹ thuật thêu điêu luyện mà còn là các công đoạn như chọn chỉ tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ màu, sáng tạo hình ảnh, in ấn lên vải.
2. Là người Đông Cứu, ai cũng biết Nghệ nhân ưu tú quốc gia Lê Văn Kinh (SN 1931) là con trai và là truyền nhân của cụ Lê Văn Hỡi – người thêu long bào cho Vua Khải Định. Mặc dù sống tại thành phố Huế nhưng nghề thêu của gia đình ông Kinh có nguồn gốc từ làng Đông Cứu, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Ông là cháu nội của cụ Lê Chí Thành, nguyên quán ở Quất Động, Thường Tín, Hà Tây. Cụ Lê Chí Thành là một thợ thêu nổi tiếng và được triều Nguyễn triệu về kinh đô Phú Xuân (Kinh đô Huế) trong một cuộc trưng tập thợ giỏi các ngành nghề khắp đất nước. Cha ông là người từng được Tôn Nhơn Phủ của triều đình nhà Nguyễn phong tặng Hàn Lâm viện, vì đã có công thêu bức chân dung của Vua Thành Thái, thêu hoàng bào cho Vua Khải Định.
Theo lời ông Kinh kể lại thì cụ Lê Văn Hỡi cũng đã có rất nhiều tác phẩm tranh thêu được sử dụng trong các gian chính điện của hoàng cung, hoặc phủ lên những vật báu gia bảo của Hoàng triều. Trong một lần chuẩn bị cho mừng lễ Vua Khải Định bước sang tuổi 40 – Tứ tuần đại khánh, vua đã cho người đi tìm mua loại vải tốt nhất về để may long bào. Đồng thời, nhà vua cũng cho tuyển người thợ thêu giỏi nhất kinh thành để giao trọng trách. Cụ Lê Văn Hỡi là một trong hai người thợ giỏi nhất được lựa chọn. “Ngày ấy một nghệ nhân được giao trọng trách may long bào là vinh dự vô cùng lớn. Tuy nhiên cũng là áp lực không hề nhỏ, đòi hỏi người thợ phải thực sự tài năng. Ngoài yêu cầu về kỹ thuật thì họ cũng phải là người có hiểu biết và hết sức cẩn trọng. Bởi việc may hoàng bào cho nhà vua chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể bị trách phạt rất nặng, thậm chí là mất mạng” - một nghệ nhân cao tuổi của làng Đông Cứu kể.
Hai người thợ thêu mỗi người được chia ra mỗi phần việc, làm việc bất kể ngày đêm ròng rã trong suốt 8 tháng. Chuyện kể lại, khi long bào được hoàn thành, hễ ai được nhìn thấy đều trầm trồ khen ngợi. Tuy nhiên khi nhà vua vừa xem đã thấy họa tiết chân rồng thêu bị che khuất mất một chiếc móng. Lỗi này là vô cùng nặng, nhà vua đã nổi giận đòi xử thật nặng hai thợ thêu. Tuy nhiên, sau khi suy xét, lỗi này lại không phải do cụ Hỡi mà do người kia làm. Nhà vua đã tha tội và giao cho cụ Hỡi mang về sửa lại long bào. Từ đó tiếng tăm nghề thêu của gia đình được khắp thiên hạ biết đến.
Do có dòng dõi làm nghề, ông Kinh bỏ ngang khi đang theo học ngành luật. Cho đến nay ông là người nắm giữ rất nhiều lỷ lục quốc gia về tranh thêu: Bản kinh “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” thêu tay bằng chỉ kim tuyến đầu tiên tại Việt Nam; Nghệ nhân thêu tay truyền thống thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tranh trang trí bằng chỉ tơ tằm Việt Nam đầu tiên; Nghệ nhân thêu tay bài thơ “Cáo tật thị chúng” bằng nhiều ngôn ngữ nhất... Trong số trên phải kể đến bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” bằng 20 thứ tiếng. Để tạo được nét riêng, mỗi bức tranh được ông thể hiện bằng một kiểu chữ, một chỉ màu khác nhau dựa vào quốc kỳ mỗi quốc gia. Phải mất 8 năm từ lúc lên ý tưởng đến thực hiện, bộ tranh mới được hoàn thành. Nhiều bức trong số này được du khách tìm đến hỏi mua với giá rất cao.
Để bảo tồn, gìn giữ chiếc áo long bào, người làng Đông Cứu đã có rất nhiều cuộc họp, bàn phương án cũng như tìm ra một nghệ nhân giỏi nhất. Người xứng đáng, đủ tài, đủ tầm phục chế chính là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Nghệ nhân Giỏi đã phải tự mày mò nghiên cứu, thông qua các tư liệu lịch sử thu thập được từ các nhà sử học, nhà nghiên cứu, sưu tầm trang phục cung đình. Rồi trải qua rất nhiều lần thực hành thêu một chiếc long bào. Sau 5 năm miệt mài, việc phục chế chiếc long bào đã thành công. Đây không chỉ là niềm vui của riêng nghệ nhân Giỏi mà còn là niềm vinh dự, tự hào của cả làng Đông Cứu.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chia sẻ, nghệ thuật thêu nói chung, người nghệ nhân có thể tự do sáng tạo trên những tấm vải. Thế nhưng, với thêu Cung đình thì bắt buộc phải theo lề lối khác biệt hẳn với cách thêu thông thường. Yếu tố đặc biệt quan trọng để làm long bào chính là chất liệu vải. Nó phải hoàn toàn làm bằng lụa tơ tằm. “Để việc phục chế được hoàn thiện, nhiều xưởng thêu trong làng Đông Cứu phải cất công đi nhặt từng mét vải ở những làng nghề có uy tín như Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam)… Mỗi trang phục lại là một loại chỉ khác nhau, công đoạn chọn tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ màu, sáng tạo hình ảnh, in kiểu lên vải cũng vô cùng cầu kỳ, tỉ mỉ. Tuy là một màu chỉ, một mũi kim nhưng với bàn tay của các nghệ nhân, các đường viền trở nên mềm mại, uốn lượn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều” – ông Du cho biết.
Trang phục dành cho vua chúa là vô cùng cầu kỳ, có đến hàng chục nghìn mũi chỉ, các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách. Trong lúc thêu, các nghệ nhân phải bắt nét nhịp nhàng vào sợi kim tuyến. Điều đặc biệt, các sợi kim tuyến đều bằng vàng thật nên việc bắt nét là vô cùng khó khăn. Các họa tiết, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định.
Việc chọn chỉ để thêu áo cho nhà vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe. Áo long bào của vua bắt buộc phải chọn chỉ se hai chiều, trong khi đó, áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi họa tiết thêu trên áo long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước trên áo vua, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau, và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt. Mỗi họa tiết, hình thêu đều có ý nghĩa về phong thủy và chúc tụng nhà vua và hoàng gia.
Đối với những đơn đặt hàng lớn, người thợ Đông Cứu đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nguyên liệu, màu sắc, lối thêu... Chủ yếu phục vụ cho mục đích trưng bày tại các bảo tàng, phục vụ lễ hội, tín ngưỡng dân gian, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc...
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã phục dựng được 30 bộ trang phục long bào, những tác phẩm này đều thể hiện chuẩn mực về mỹ thuật theo nguyên bản mẫu cổ. Các sản phẩm đặc biệt này đã được trưng bày trên khắp thế giới. Một số trang phục cung đình được bày ở bảo tàng Huế.
Ngày 12-2-2017, tại thôn Đông Cứu, Đảng ủy, HĐND - UBND xã Dũng Tiến đã tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu. Theo bản sắc phong, làng thêu có từ thời Vua Lê Cảnh Hưng (1746). Thần tích của làng và những bản sắc phong của các triều vua Việt Nam ghi lại, làng thờ ông Lê Công Hành, vị Tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637) làm tổ nghề thêu. |
Hà Nội: Làng nghề Kiêu Kỵ rền vang tiếng búa dát vàng sau nhiều tháng yên ắng
Sau khi Hà Nội nới lỏng cách ly xã hội ở 19 quận, huyện, làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) bắt đầu nhịp ... |