Lầm tưởng về các bệnh lý không thể sử dụng mì ăn liền

Có thực người bị bệnh tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, dạ dày hay sỏi thận không được sử dụng mì ăn liền? Hãy lắng nghe những lý giải sau đây của chuyên gia để có câu trả lời chính xác.

Tim mạch, béo phì, huyết áp có nên sử dụng mì ăn liền?

Nhiều người vẫn khuyên nhau bị tim mạch, béo phì, huyết áp không nên sử dụng mì ăn liền vì thực phẩm này chứa nhiều chất béo, nhất là trans fat, làm tăng cholesterol xấu trong máu khiến bệnh càng nặng hơn. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất mì ăn liền hiện nay đã có thể kiểm soát tốt về hàm lượng trans fat.

Một trong số đó chính là sử dụng nguyên liệu để chiên mì là dầu thực vật (thường là dầu cọ), được tách lọc bằng công nghệ làm lạnh tự nhiên, điều này đã giúp hạn chế tối đa việc phát sinh trans fat trong quá trình sản xuất.

Theo quy định của FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ): nếu sản phẩm có chứa dưới 0,5g trans fat/khẩu phần ăn thì sẽ được công bố “0 gram trans fat”. Hiện nay, các sản phẩm mì ăn liền thuộc các nhà sản xuất uy tín tại Việt Nam có hàm lượng trans fat dao động chỉ từ 0,01 - 0,04 g/khẩu phần ăn và đạt chuẩn công bố “0 gram trans fat” của FDA.

Lầm tưởng về các bệnh lý không thể sử dụng mì ăn liền ảnh 1
 

Nên thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, kết hợp luyện tập thể thao mỗi ngày.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết thêm, lượng chất béo trong mì ăn liền chỉ khoảng 10-13g, trong khi cơ thể chúng ta cần trung bình khoảng 15-20g chất béo trong mỗi bữa ăn. Về bản chất, mì ăn liền với thành phần chính là bột lúa mì được xếp cùng nhóm cung cấp chất bột đường như các loại thực phẩm cơ bản khác là cơm, bún, phở, bánh mì.

Theo đó, mọi người khi sử dụng nên kết hợp mì ăn liền với các loại thực phẩm khác nhau như thịt bò, tôm, trứng, rau xanh để tô mì không chỉ hấp dẫn mà còn có được sự cân bằng về mặt dinh dưỡng.

Cũng cần phải nói thêm, các bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường… là kết quả của lối sống thiếu vận động, dinh dưỡng. Thế nên, thay vì lo sợ một thực phẩm nào đó, mọi người cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, ăn uống cân bằng, hợp lý, kết hợp với vận động, luyện tập thể thao mỗi ngày và hạn chế để bản thân rơi vào trạng thái stress, căng thẳng không cần thiết.

Bệnh đau dạ dày, đầy hơi có nên sử dụng mì ăn liền?

Nhiều người cho rằng, mì ăn liền khó tiêu, do đó khi bị các bệnh về dạ dày thì nên nói lời “tạm biệt” với món ăn này. Thế nhưng, thực tế mì ăn liền được xếp vào nhóm thực phẩm cơ bản như cơm, phở... có thời gian tiêu hóa tương tự như những thực phẩm thuộc nhóm tinh bột trong cơ thể chúng ta. Vì thế, mì ăn liền không hề khó tiêu như mọi người vẫn thường nghĩ.

Quá trình tiêu hóa của thực phẩm bao gồm các giai đoạn: ăn vào, nhào trộn, phân giải, hấp thụ, và cuối cùng là thải ra. Tương ứng với các giai đoạn này, thực phẩm sẽ đi từ miệng, đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già,… cho đến khi thải ra ngoài. Theo đó, quá trình này mất tổng cộng từ 2 đến 5 ngày, trong đó thời gian thực phẩm di chuyển qua dạ dày mất khoảng 2-5 tiếng, di chuyển qua ruột non mất 2-6 tiếng, ở lại ruột già 10-59 tiếng. Trong một gói mì ăn liền loại thông dụng (75 gram) chứa chủ yếu là tinh bột (40-50 gram); chất béo (10 - 13 gram) và thường không ít hơn 6,9 gram đạm.

 

Với thành phần như vậy, trung bình để tiêu hóa hết 1 gói mì ăn liền chỉ cần khoảng 5 giờ, sữa phải mất khoảng 12 giờ; cá và thịt mất từ 12-24 giờ mới có thể tiêu hóa hoàn toàn.

Lầm tưởng về các bệnh lý không thể sử dụng mì ăn liền ảnh 2

Liên quan tới khó tiêu có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, từ vấn đề về bệnh lý đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, trào ngược, hội chứng ruột kích thích), đến việc sử dụng một số loại thuốc giảm đau, kháng sinh tới lối sống không khoa học. Còn nếu xét khía cạnh dinh dưỡng thì chỉ khi chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, không hợp lý mới gây ra tình trạng khó tiêu, ví dụ như thường xuyên không ăn rau xanh, trái cây dẫn đến thiếu chất xơ.

Bệnh thận có được ăn mì ăn liền?

Một số người e ngại mì ăn liền có thể gây hại thận vì chứa nhiều axit oxalic. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thông tin này là chưa chính xác.

Thực tế, axit oxalic có 2 dạng: tự nhiên và nhân tạo. Axit oxalic tự nhiên vốn có trong các loại rau củ quả như ngò gai, cà rốt, bông cải xanh, trà, lúa mì… Còn axit oxalic nhân tạo được dùng trong công nghiệp như để tẩy trắng chẳng hạn. Nhà sản xuất mì ăn liền hoàn toàn không bổ sung axit oxalic trong quá trình sản xuất vì chất này không có mục đích về mặt công nghệ (axit oxalic có tính chất tẩy trắng).

Tuy nhiên, sản phẩm mì ăn liền sẽ vẫn chứa một lượng rất nhỏ axit oxalic tự nhiên do một số nguyên liệu đã có sẵn axit oxalic như bột mì, rau củ quả,… hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.