Ông Nguyễn Túc cho rằng trong bài viết của Tổng Bí thư đã trả lời làm thế nào để phát hiện cán bộ giàu nhanh, nhiều đất, nhiều nhà, không giải trình được nguồn gốc.
Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập đến nhiều vấn đề then chốt trong công tác nhân sự cho Đại hội.
Trong đó, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đề cập việc dứt khoát không đưa vào Trung ương những cán bộ giàu lên nhanh chóng, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.
VTC News có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024) về vấn đề này.
- Trong bài viết mới nhất về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập việc không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những cán bộ giàu lên nhanh chóng, nhiều đất, nhiều nhà mà không giải thích được nguồn gốc. Ông phân tích thế nào về "tiêu chí" này?
Tôi đã đọc kỹ bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đây là bài viết vừa có lý luận, vừa tổng kết thực tiễn của Đảng ta trong những năm qua, đặc biệt là trong công tác đổi mới.
Bài viết này đi vào những vấn đề cụ thể trong đánh giá cán bộ. Trong đó có những vấn đề thời xưa chưa có nhưng từ thời kỳ đổi mới đã phát sinh ra, như có những cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng, nhiều nhà, nhiều đất mà không lý giải được nguồn gốc từ đâu. Những người này dứt khoát không đưa vào Trung ương.
Có thể nói những vấn đề này phát sinh từ nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường của ta được gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên thực tế thời gian qua, kinh tế thị trường có sức mạnh ghê gớm, nó thu hút chúng ta nhiều hơn mặt định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn đến sự quản lý nhà nước không theo kịp.
Trong cơ chế hiện nay, nếu quản lý nhà nước giải quyết hài hoà lợi ích giữa “cái tôi” và “cái ta” thì sẽ tốt, nhưng nhiều cán bộ được giao trọng trách lại nghĩ đến “cái tôi” nhiều hơn “cái ta” và vơ về mình nhiều quá, dẫn đến tình hình cán bộ cấp chiến lược của ta, đội ngũ cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để xảy ra vi phạm kỷ luật.
Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, chúng ta phát hiện gần 100 đồng chí vi phạm, trong đó có cả các cán bộ đương chức ở Trung ương hay những người đã nghỉ hưu, cả ở Bộ Chính trị.
Điều đó cho chúng ta thấy bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kỳ này muốn tổng kết lại những cái được và chưa được trong công tác cán bộ suốt những năm qua, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới đến nay để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm, có đạo đức trong sáng và trình độ tốt, thực hiện đúng như Bác Hồ căn dặn, đó là tạo dựng một đội ngũ cán bộ cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Chính trong bài viết của Tổng Bí thư đã trả lời điều này. Trong bài viết, Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề “dân biết hết”. Vì vậy, thông qua người dân sẽ biết được những điều này.
Sự giàu lên nhanh chóng, bất thường của cán bộ thể hiện ở đâu? Nó thể hiện ở đất, ở nhà... cán bộ đó có thể mua đất, xây nhà cho vợ, cho con, cho người thân ở chỗ mình sống hoặc ở quê, hoặc thậm chí là cho “bồ” ở nơi khác, nhưng chỗ nào chẳng có dân.
Thực tế thời gian qua cho chúng ta thấy, hầu hết những vụ án vừa xử đều là do dân ban đầu phát hiện, sau đó báo chí đưa lên và các cơ quan nhà nước vào cuộc. Vì vậy, phải tin ở dân.
- Vậy người dân tham giá đánh giá, góp ý cho công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược thế nào, thưa ông?
Theo tôi, để thực hiện được lý tưởng xây dựng đội ngũ có đức có tài mà được nhân dân tin tưởng thì nên để công khai các đồng chí dự kiến mà kỳ này giới thiệu vào Trung ương, để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến thông qua mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
Công khai cán bộ dự kiến giới thiệu vào Trung ương để dân tham gia ý kiến thì chỉ có lợi chứ không có hại.
Ông Nguyễn Túc
Bác Hồ cũng từng nói “việc gì khó cứ hỏi dân” mà công tác cán bộ là công tác cực kỳ khó, then chốt của then chốt.
Đặc biệt hiện nay, nó biến tướng nhiều thứ, trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nói “đừng tưởng đỏ là đã là chín, mã của nó nhiều khi che giấu bản chất bên trong nhưng người dân người ta biết cả”.
Theo tôi, công khai cán bộ dự kiến để dân tham gia ý kiến thì chỉ có lợi chứ không có hại.
Đa phần dân của chúng ta là những người công tâm nhưng cũng cần lưu ý “có quan tham thì cũng có dân gian”.
Chính vì vậy, để đánh giá của người dân được công bằng thì phải lấy ý kiến của dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị ban hành ngày 12/12/2013 nêu MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
- Bên cạnh đó, công tác giám sát, kê khai tài sản của cán bộ cũng cần phải lưu ý điều gì để phát hiện ra những cán bộ biến chất, thưa ông?
Ở đâu cũng có nhân dân giám sát, và ta đã có kinh nghiệm trong việc này. Tôi nghĩ không đáng ngại, với sự chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị chúng ta hoàn toàn có thể hướng dẫn để dân đi đúng yêu cầu và phát hiện một cách công tâm.
Nhiều đồng chí sợ rằng qua đây có thể có “đấu tố” rồi lợi dụng để mất đoàn kết nội bộ nhưng tôi tin chuyện đó không xảy ra.
- Theo ông, công tác cán bộ ở Đại hội thứ XIII của Đảng sẽ có những đột phá nào so với Đại hội XII và các kỳ Đại hội trước đó?
Đại hội XII sắp kết thúc, đây là Đại hội tạo ra bước đột phá về mọi mặt từ kinh tế, chính trị - xã hội, về đối ngoại, và đặc biệt trong công tác chỉnh đốn đội ngũ cán bộ.
Suốt từ thời kỳ đổi mới đến giờ, tôi nhớ không nhầm có 5 lần chỉnh đốn đội ngũ cán bộ nhưng kỳ này là thành công nhất.
Thành công được thể hiện ở quyết tâm của Trung ương. Bác Hồ dặn chúng ta rằng "chủ trường 1, biện pháp 10 và quyết tâm 20". Thành công kỳ này là chúng ta thể hiện đã thực hiện ngày càng tốt hơn lời dạy của Bác.
Chủ trương thì bao giờ cũng đúng nhưng biện pháp thì các kỳ Đại hội chúng ta chưa có những biện pháp đầy đủ.
Có biện pháp rồi nhưng mà phải quyết tâm, cũng chính cái quyết tâm đó vừa rồi giúp chúng ta phát hiện ra được một loạt các cán bộ có chức có quyền, thoái hoá biến chất đến mức phải xử lý kỷ luật.
Kỳ Đại hội này chúng ta sẽ rút được những kinh nghiệm, Đại hội XII có 6 nhiệm vụ trọng tâm trong đó đưa nhiệm vụ đầu tiên, trọng tâm nhất là xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Và cũng từ Đại hội XII, sau Hội nghị Trung ương 4, quyền làm chủ của dân, dân tham gia và xây dựng chỉnh đốn Đảng với sự giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã làm cho cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, MTTQ và nhân dân gắn kết với nhau, hỗ trợ cho nhau. Kiềng 3 chân vững vàng hơn, vì vậy chúng ta mới được như hiện nay.
- Ông có kỳ vọng thế nào vào công tác nhân sự của Đại hội XIII?
Tôi tin với xu hướng phát triển hiện nay, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng thì riêng về đội ngũ cán bộ kỳ này, chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ chiến lược, cụ thể là Ban Chấp hành Trung ương đủ đức, đủ tài, toàn diện hơn.
Có thể đâu đó còn những trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn lọt vào nhưng sẽ không đáng kể.
Tôi tin sẽ có một Ban Chấp hành Trung ương vừa đủ đức, vừa đủ tài để dẫn dắt nhân dân ta có bước phát triển mới, biến nước ta từ nước có thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình cao.
- Xin cảm ơn ông!
Kiên Giang: Sai phạm trong quản lý đất đai, 4 cán bộ bị kỷ luật |
Khai trừ Đảng đối với cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" tại Vĩnh Phúc |
Chây ì trả nhà công vụ: “Cán bộ của ta rất thiếu tự giác" |