Lạm phát 2022 chịu áp lực rất lớn, phải kiểm soát ngay từ đầu năm

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, với diễn biến mặt bằng giá từ đầu năm đến nay, lạm phát 2021 đảm bảo trong tầm kiểm soát, nhưng áp lực năm 2022 là rất lớn.

Báo cáo tại cuộc họp tổng kết công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát quý 3; phương hướng, kịch bản điều hành giá quý 4/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng qua tăng giảm đan xen, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động từ các yếu tố cung cầu trong nước và thế giới. Tuy nhiên, về cơ bản mặt bằng giá trong 10 tháng đầu năm nằm trong kịch bản điều hành đã đề ra.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10/2021 ước giảm 0,1%-0,15%; bình quân 10 tháng ước tăng 1,81%-1,83%, lạm phát cơ bản 10 tháng ước tăng 0,82%-0,86%.

Bộ Tài chính đưa ra dự báo về lạm phát cả năm 2021 cơ bản được kiểm soát ở mức thấp, đảm bảo chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Theo đó, dự báo CPI bình quân năm 2021 so với năm 2020 tăng khoảng 2,07%-2,18%. CPI tháng 12/2021 so với tháng 12/2020 tăng khoảng 3,02%-3,28%.

Lạm phát 2022 chịu áp lực rất lớn, phải kiểm soát ngay từ đầu năm  - 1
Lạm phát 2021 nằm trong tầm kiểm soát nhưng gặp áp lực lớn trong năm 2022. (Ảnh minh họa)

Với các diễn biến mặt bằng giá từ đầu năm đến nay, lạm phát năm 2021 sẽ đảm bảo trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá và ở mức thấp. "Tuy nhiên, điều đáng ngại là những áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước. Nhiều dự báo của các cơ quan chuyên môn nhận định CPI năm 2022 có thể vượt mức 4%.", ông Tuấn nói.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Từ đó, kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Trước những báo cáo này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - yêu cầu các bộ ngành theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, tình hình lạm phát chung của các quốc gia, diễn biến các thị trường Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu lớn để chủ động có giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải giữ ổn định giá các hàng hóa nhà nước định giá, sát với tình hình, bảo đảm kiểm soát được lạm phát chung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

/ vtc.vn