Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định như vậy tại lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Tại buổi dâng hương ở nghĩa trang giao bưu thông tin R (Tây Ninh) diễn ra ngày 23/7, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng việc tưởng nhớ những người anh hùng cũng là để nhắc mình là ai, đất nước này đã từng như thế nào. Làm cho Việt Nam hùng cường thịnh vượng là cách tốt nhất để tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống.
Gần một vạn cán bộ, chiến sĩ của ngành giao bưu - thông tin (nay là ngành thông tin và truyền thông) đã hy sinh. Nghĩa trang liệt sĩ Giao bưu - Thông tin R ở Tây Ninh được xây dựng từ năm 1985. Ảnh: Thanh Tùng. |
Trải qua hai cuộc kháng chiến, các cán bộ, chiến sĩ ngành Bưu điện đã làm nên nhiều kỳ tích, với tinh thần quyết đem xương máu “nối mạch giao thông”, “mở đường quyết thắng”, đảm bảo thông tin liên lạc nhanh chóng, chính xác, an toàn; đúng như tâm nguyện “Cùng nhau giữ trọn lời nguyền/Thề đem xương máu nối liền đường dây”. Sự hy sinh của gần một vạn cán bộ, chiến sĩ của ngành vừa để lại nỗi mất mát, đau thương và cả niềm cảm phục, tự hào.
Nghĩa trang đã trở thành địa chỉ về nguồn của nhiều thế hệ. Ảnh: Thanh Tùng |
Năm 1985, ngành Bưu điện đã xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Giao bưu - Thông tin R (xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) làm nơi yên nghỉ của gần 300 liệt sĩ trong ngành. Nơi đây trở thành địa chỉ về nguồn của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên và người dân mọi miền đất nước.
Ngày 23/7, tại nghĩa trang này đã diễn ra lễ dâng hương nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ, 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Bưu điện (nay là Ngành Thông tin và Truyền thông).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân; đại đại diện các cục, vụ của Bộ TT-TT, Công đoàn ngành, các cán bộ sở, ngành thuộc tỉnh Tây Ninh và các cán bộ lão thành cách mạng... cùng tham dự.
Các đại biểu và cán bộ lão thành tham gia lễ tưởng niệm |
Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị các đoàn thể, các tổ chức, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, trong toàn ngành “hãy phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình đối với công tác thương binh, liệt sĩ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, làm cho công tác này hật sự trở thành lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của thế hệ hôm nay”.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông bày tỏ sự xúc động: “Những người anh hùng ngã xuống để đất nước được trường tồn. Những người anh hùng ngã xuống để không bao giờ ta quên. Và vì không quên mà chúng ta còn sống”.
Bởi vậy, việc về đây để tưởng nhớ những người anh hùng cũng là để nhắc mình là ai, đất nước này đã từng như thế nào.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Trách nhiệm của chúng ta là đất nước Việt Nam sẽ không còn chiến tranh. Đó là một Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm cho Việt Nam". Ảnh: Thanh Tùng |
“Những người anh hùng ngã xuống nhưng họ vẫn sống trong mỗi chúng ta và tiếp sức cho chúng ta bước tiếp, bảo vệ và dựng xây Tổ quốc. Những người anh hùng ngã xuống với ước nguyện cháy bỏng, đất nước sẽ không còn chiến tranh. Và trách nhiệm của chúng ta là đất nước Việt Nam sẽ không còn chiến tranh. Đó là một Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm”, Bộ trưởng nói trước anh linh liệt sĩ.“
Làm cho Việt Nam hùng cường thịnh vượng là cách tốt nhất để chúng ta thành kính tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại khát vọng về Việt Nam hùng cường trong phần kết thúc diễn văn tưởng niệm.
300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng đoàn ... |