Lãi suất ngân hàng nửa cuối năm tăng hay giảm?

Lãi suất huy động liên tục được ngân hàng điều chỉnh tăng thời gian gần đây, câu hỏi đặt ra là lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng hay giảm trong nửa cuối năm nay?

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định lãi suất huy động sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024, còn lãi suất cho vay giữ sự ổn định. Tuy nhiên ông Thịnh cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động sẽ không nhanh. Lãi suất huy động tăng phản ánh sự phục hồi ở các mặt của nền kinh tế, cũng là yếu tố cần thiết giúp tăng sức hút cho dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư để quay vòng, tiếp tục tạo ra nguồn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hệ quả tất yếu của việc này là lãi suất cho vay có thể cũng tăng theo, nhưng với độ trễ từ huy động đến cho vay thì lãi suất cho vay sẽ không tăng trong năm nay.

Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện chính sách tiền tệ ổn định, khuyến khích các ngân hàng thương mại tối ưu, cắt giảm chi phí để mang đến mức lãi suất cho vay có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Dưới chủ trương này, lãi suất cho vay được kỳ vọng tiếp tục giảm hoặc chí ít là bình ổn trong giai đoạn cuối năm nay", ông Thịnh nói.

Dẫn số liệu từ NHNN, chuyên gia cho biết thêm, lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay giảm 0,99%, đây là tín hiệu tích cực cho thấy nguồn tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh đúng như mục tiêu của NHNN là tối ưu hệ thống, cắt giảm chi phí hết mức để phục vụ doanh nghiệp. 

Chuyên gia dự báo nửa cuối năm 2024, lãi suất huy động sẽ tăng, còn lãi suất cho vay giữ sự ổn định. (Ảnh minh họa: CafeF)
 

Chuyên gia dự báo nửa cuối năm 2024, lãi suất huy động sẽ tăng, còn lãi suất cho vay giữ sự ổn định. (Ảnh minh họa: CafeF)

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại dự báo rằng, lãi suất cho vay bình quân có thể tăng ít nhất 0,5% trong nửa cuối năm 2024, còn lãi suất huy động có thể tăng khoảng 1%.

"Bất cứ khi nào hoạt động cho vay mạnh mẽ hơn thì lãi suất cho vay sẽ tăng, giống như quy luật cung - cầu. Bởi các ngân hàng cũng hoạt động kinh doanh theo nhu cầu thị trường. Thị trường tín dụng tăng cầu, đồng nghĩa với việc tăng rủi ro. Nhu cầu vay vốn tăng cao thì lãi suất cho vay sẽ tăng. Trong khi hoạt động tín dụng nửa cuối năm 2024 được dự báo sẽ sôi động hơn", ông nói.

Một yếu tố nữa là lãi suất đầu vào, tức lãi suất huy động tăng để các ngân hàng thu hút dòng tiền nhằm mục đích cho vay. Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất đầu ra là lãi suất cho vay sẽ tăng vì các ngân hàng giữ một biên độ lợi nhuận từ huy động đến cho vay trong khoảng 3-4%.

Theo ông Hiếu, lãi suất huy động bắt đầu tăng từ ít tháng nay, càng ngày càng có nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động. Việc tăng lãi suất huy động có thể đến từ nguyên nhân là các ngân hàng chuẩn bị cho vay nhiều hơn ở nửa sau năm 2024, cũng có thể đến từ nguyên nhân nợ xấu đang gia tăng.

“Từ việc nợ xấu gia tăng, dòng tiền không trở về ngân hàng nên các ngân hàng huy động vốn để tiếp tục cho vay ra, tạo một dòng tiền quay trở lại để trả cho các khách hàng gửi tiền cũ, hoặc để trả lãi cho khách hàng đã gửi tiền cũ. Do đó, các ngân hàng phải tăng huy động bằng cách tăng lãi suất", ông phân tích.

Chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. Thực tế, từ đầu quý II, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5% đến 1% cho các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn.

Tuy vậy, mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn trong những năm trước dịch bệnh. VDSC đưa ra dự báo, mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng nhẹ 0,25 - 0,75%.

CÔNG HIẾU