Đại sứ Kazakhstan cho biết, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm được kỳ vọng mở ra nhiều tiềm năng hợp tác mới cho hai nước, trong đó có hợp tác đường sắt.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự kiến thăm cấp nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Nga, Belarus và dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng từ 5-12/5.
Trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm Kazakhstan của Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm trong việc mở ra các cơ hội hợp tác và việc Kazakhstan đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở các diễn đàn quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly.
- Theo ông, những thành tựu nào trong quan hệ Việt Nam-Kazakhstan thời gian gần đây có thể coi là quan trọng nhất và đâu là nền tảng cho những kết quả này?
Năm 2023 ghi dấu chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tới Việt Nam. Hiện nay, hai nước đang chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Kazakhstan – một sự kiện được kỳ vọng sẽ nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Trong thời gian qua, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ngày 25/5/2024, hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông chính thức có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, giao thông vận tải và logistics. Tháng 4/2025, hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, được ký năm 2023, cũng đã có hiệu lực.
Đầu năm 2025, hai bên thống nhất tổ chức chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ song phương. Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 66 năm chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959. Đặc biệt, tròn 33 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, hai bên dự kiến sẽ nâng quan hệ lên đối tác toàn diện trong tháng 5/2025.
Quan hệ liên Chính phủ giữa hai nước cũng có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2024, cơ chế hợp tác được nâng từ cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng. Tại cuộc họp liên Chính phủ tháng 5/2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Kazakhstan Arman Shakkaliyev đã đồng chủ trì. Tháng 3/2025, cuộc tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao diễn ra tại Astana với sự tham dự của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Kazakhstan A. Bakayev.
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh.
Hợp tác địa phương cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2024, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh thăm Kazakhstan và ký thỏa thuận kết nghĩa với một tỉnh bạn. Đầu năm 2025, Đà Nẵng và thành phố Aktau ký kết hợp tác hữu nghị. Các đoàn từ Khánh Hòa, TP.HCM cũng có các chuyến thăm làm việc tại Kazakhstan.
Về hàng không, từ năm 2022 chỉ có hai chuyến bay mỗi tuần giữa hai nước, đến tháng 6/2024 con số này tăng lên bốn chuyến. Air Astana, Vietjet và một số hãng hàng không Việt Nam triển khai các đường bay thẳng tới Phú Quốc, Đà Nẵng và Almaty. Tất cả các chuyến bay của hãng Việt Nam đều được khai thác thường xuyên.
Tháng 12/2023, Tập đoàn Sovico và một quỹ đầu tư Kazakhstan mua lại hãng hàng không Qazaq Air. Sovico cũng ký thỏa thuận hợp tác cảng hàng không với các tỉnh của Kazakhstan, đồng thời hợp tác với Tập đoàn dầu khí quốc gia nước này. Những thỏa thuận này dự kiến sẽ được củng cố nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Hoạt động đầu tư diễn ra sôi nổi hai chiều. Doanh nghiệp Kazakhstan có nhiều dự án thành công tại Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Almaty trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Bộ Công Thương Kazakhstan và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu kỹ thuật quốc phòng.
Về trao đổi đoàn, năm 2023 có chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – TS. Nguyễn Xuân Thắng – tới Kazakhstan. Tháng 2/2025, Chủ tịch Ủy ban Phòng chống tham nhũng Kazakhstan thăm Việt Nam, làm việc với nhiều cơ quan cấp cao như Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Thương mại song phương tăng trưởng mạnh, với kim ngạch năm 2024 đạt gần 1 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Thành quả này có được nhờ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, sự gắn kết và đối thoại hiệu quả giữa lãnh đạo hai nước, cùng với chính sách đối ngoại mềm dẻo, trách nhiệm và đa phương của cả Việt Nam và Kazakhstan.
Trải qua hơn ba thập kỷ vun đắp, quan hệ Việt Nam – Kazakhstan đã bước vào giai đoạn phát triển mới – được ví như “thời kỳ vàng” – với tiềm năng mở rộng hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. (Ảnh: Trần Hải/ Báo Nhân dân)
- Trong thời gian tới hai nước ưu tiên hợp tác lĩnh vực nào, cần tháo gỡ điểm nghẽn nào?
Trong giai đoạn 2023–2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt gần 1 tỷ USD – một kết quả rất đáng khích lệ nếu so sánh với mặt bằng chung tại khu vực Trung Á. Tuy nhiên, tôi đồng ý con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của hai nước.
Tôi tin rằng, với sự nỗ lực chung và đối thoại hiệu quả, kim ngạch thương mại có thể đạt từ 2 đến 5 tỷ USD vào năm 2029. Bối cảnh toàn cầu hiện nay rất khó khăn, với những thách thức từ cả chiến tranh thương mại và thiên tai ở cả hai nước – như cơn bão số 3 tại Việt Nam hay lũ lụt nghiêm trọng tại Kazakhstan – khiến việc phát triển kinh tế trở nên phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, các thỏa thuận và văn kiện ký kết trong dịp này có ý nghĩa đặc biệt, tạo động lực mới cho hợp tác song phương.
Trong tình hình thế giới đầy biến động, chúng tôi luôn tự hỏi: "Phải làm gì để ứng phó hiệu quả?" Nhìn lại lịch sử và những lời dạy của các nhà lãnh đạo tiền bối, tôi càng tin tưởng rằng nghịch cảnh là phép thử của sức chịu đựng và ý chí con người. Việt Nam và Kazakhstan cần tận dụng những giai đoạn khó khăn này để thể hiện sức mạnh nội tại, tinh thần bền bỉ và quyết tâm vươn lên.
Người dân Việt Nam là một dân tộc kiên cường, không dễ bị khuất phục. Dù trong chiến tranh hay trong những thách thức kinh tế, họ vẫn luôn giành được thắng lợi. Thời còn đi học, tôi rất thích đọc sách của các tác giả Việt Nam, trong đó có nhà văn Tô Hoài. Những câu chuyện của ông đã giúp tôi cảm nhận rõ nét tinh thần quả cảm của người Việt, và điều đó càng khiến tôi mong muốn tình hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ được duy trì, củng cố, để cùng nhau chinh phục những mục tiêu lớn lao.

Vietjet công bố đường bay kết nối thành phố Almaty (Kazakhstan) với thành phố Nha Trang năm 2022.
Các lĩnh vực tiềm năng có thể mở rộng bao gồm logistics, giao thông vận tải, quốc phòng và du lịch.
Mỗi mùa du lịch, có tới 450.000 lượt khách Kazakhstan tới Việt Nam, đưa Kazakhstan trở thành thị trường nguồn khách du lịch lớn thứ ba tại các điểm đến như Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng.
Trong lĩnh vực vận tải, tôi đặc biệt quan tâm đến dự án đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai. Trong chuyến thăm Lào Cai gần đây, tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo tỉnh và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Dự án này dự kiến hoàn thành trong vòng ba năm tới và có thể kết nối tiếp từ Lào Cai đến Côn Minh (Trung Quốc), Almaty (Kazakhstan), rồi đến cảng biển lớn nhất Kazakhstan – Aktau, sau đó nối tiếp đến Baku (Azerbaijan).
Tuyến đường này từ Baku có thể kéo dài đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và từ đó kết nối với mạng lưới đường sắt khắp châu Âu. Trong bối cảnh thế giới có thể tiếp tục đối mặt với các rào cản thuế quan, tuyến vận tải đường sắt này – còn gọi là hành lang giữa – sẽ là giải pháp vận chuyển chiến lược đầy tiềm năng cho Việt Nam.
Trước đây, sự khác biệt trong khổ đường ray khiến sáng kiến này chưa khả thi. Tuy nhiên, với quá trình hiện đại hóa hệ thống đường sắt đang được triển khai, Việt Nam sẽ sớm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong vòng ba năm tới, mở đường cho khả năng hiện thực hóa ý tưởng trên.

Đoàn tàu container liên vận quốc tế Việt Nam - Kazakhstan xuất phát từ ga Đồng Đăng. (Ảnh: VNR)
Kazakhstan cũng sẵn sàng cấp diện tích đất từ 100–200 ha để xây dựng các trung tâm logistics phục vụ cho mở rộng việc trung chuyển hàng hóa.
Về năng lượng, Kazakhstan đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Trên lãnh thổ Kazakhstan, từng có nhà máy điện hạt nhân từ thời Liên Xô, và hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với các đối tác như Pháp, Hàn Quốc và Trung Quốc để khởi động các dự án mới. Kazakhstan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân và rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang cân nhắc tái khởi động chương trình điện hạt nhân quốc gia.
Các nội dung này hoàn toàn có thể được đưa ra trao đổi trong chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Kazakhstan sở hữu nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị quân sự từ thời Liên Xô cũ, với nhiều sản phẩm tương thích với các tiêu chuẩn mà Việt Nam từng sử dụng. Do đó, Kazakhstan hoàn toàn có thể cung cấp các thiết bị quốc phòng chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm này sẽ tạo điều kiện để lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước gặp gỡ, trao đổi và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chiến lược này.
- Đâu là những thế mạnh hai bên có thể bổ sung lẫn nhau trong thời gian tới?
Việt Nam có khí hậu ấm áp, bờ biển dài và ngành dịch vụ phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn – những yếu tố khiến du khách Kazakhstan rất yêu thích. Ngược lại, Kazakhstan cũng có thế mạnh về du lịch mùa đông với các khu trượt tuyết nổi tiếng ở tỉnh Almaty.
Bên cạnh du lịch, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là nông nghiệp. Kazakhstan quan tâm đến các sản phẩm nông sản của Việt Nam như gạo ST25 và đã nhập giống lúa Việt Nam để trồng tại địa phương. Trà và cà phê Việt Nam cũng được người Kazakhstan ưa chuộng – thế hệ lớn tuổi thường dùng trà, trong khi giới trẻ yêu thích cà phê. Ở miền Bắc Kazakhstan phổ biến trà xanh và trà đen, còn miền Nam chủ yếu dùng trà xanh. Khi đến thăm các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, tôi rất ấn tượng với các vùng trồng chè này.
Kazakhstan cũng nổi tiếng với giống táo có độ organic cao, hương vị dễ chịu và kích cỡ lớn – có quả nặng tới 2kg. Giá thành lại cạnh tranh hơn so với táo từ New Zealand hay Australia. Chúng tôi mong muốn xuất khẩu táo sang Việt Nam, đồng thời sẵn sàng cung cấp thịt và lúa mì với số lượng lớn, chất lượng cao và giá cả hợp lý.
Một bước tiến quan trọng là việc dự kiến nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác toàn diện. Tiếp theo, các tỉnh thành giữa hai nước sẽ thiết lập quan hệ kết nghĩa và ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, thể thao và văn hóa. Ví dụ, đã có thỏa thuận giữa các địa phương như Hưng Yên, Quảng Ninh và các tỉnh của Kazakhstan, cùng với các diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của hơn 120 công ty hai bên.
Tôi cũng kỳ vọng số lượng chuyến bay giữa hai nước sẽ tăng lên, tạo thuận lợi cho du lịch và giao thương. Việc ký kết thỏa thuận kết nghĩa giữa Đà Nẵng và thành phố Aktau là bước khởi đầu đầy triển vọng. Các hãng hàng không dự kiến sẽ công bố các đường bay mới trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư sắp tới.