Hiện giá xăng, dầu đã giảm tương đương thời điểm tháng 2-2022. Tuy nhiên, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng chưa giảm tương ứng, nhất là với giá thực phẩm. Người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng giá cả hàng hóa sớm giảm và ổn định trong thời gian tới.
Mấy ngày nay, giá thịt lợn các loại ghi nhận tại hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh dao động ở mức từ khoảng 100.000-180.000 đồng/kg. Nhìn chung, mức giá này giữ ổn định kể từ khi điều chỉnh tăng do ảnh hưởng từ các đợt tăng giá xăng, dầu thời gian qua, đặc biệt từ tháng 3-2022.
Còn tại các chợ truyền thống, sau đợt tăng giá mạnh từ đầu tháng 7-2022, đến nay, giá thịt lợn các loại dao động ở mức từ 110.000-190.000 đồng/kg tùy loại. Bà Nguyễn Thị Hạnh (tiểu thương chợ Tân Mỹ, quận 7) cho biết, tính từ đầu tháng 7-2022 đến nay, sản lượng tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, có thời điểm giảm tới 40-50%. Tuy vậy, tiểu thương không thể giảm giá bởi giá từ nhà cung cấp không giảm. Bên cạnh thịt lợn, thịt và trứng gia cầm cũng tăng giá và hiện vẫn “neo” ở mức cao, chưa giảm.
Đối với những gia đình có thu nhập cao, việc giá cả hàng hóa tăng ảnh hưởng không nhiều đến nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Nhưng đối với công nhân, lao động tự do, những người có thu nhập thấp, việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Chị Lâm Thị Hoài Thu (ở phường Bình Thuận, quận 7) cho biết, mấy tháng nay, gia đình chị tiết giảm mua các loại thịt tươi, thay vào đó tăng lượng thịt đông lạnh, bởi thịt đông lạnh, thịt mát tại siêu thị rẻ hơn đôi chút thịt tươi, thịt nóng ở chợ truyền thống.
Về phía nhà sản xuất, cung ứng, lý giải về việc giá cả hàng hóa lương thực, thực phẩm chưa giảm, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, quá trình tái đàn, tăng gia sản xuất đến sản phẩm đầu ra thịt và trứng gia cầm thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Vì vậy, để hàng hóa giảm cần có độ “trễ” nhất định. Còn ông Nguyễn Quang Thu (hộ chăn nuôi lợn tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết, nếu tái đàn lợn trong thời điểm này chi phí đầu vào sẽ giảm so với trước đây, nhưng sau 6-7 tháng mới có thể xuất chuồng.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, việc giảm giá xăng, dầu là điều kiện cần chứ không phải yếu tố quyết định điều chỉnh giá cả hàng hóa, nhất là với các sản phẩm thịt. Bởi thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các nguyên liệu đầu vào khác đã tăng liên tục, khiến giá cả hàng hóa ngày càng bị đội lên. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, nhu cầu giảm giá hàng hóa không chỉ người tiêu dùng quan tâm, mà nhà sản xuất, cung ứng, phân phối cũng rất kỳ vọng.
Để thị trường hàng hóa tiêu dùng ổn định, nhiều nhà sản xuất đã chủ động tiết giảm chi phí đầu vào. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, công ty đang tìm nguồn nguyên liệu thay thế mang tính chất lâu dài với giá phù hợp, đồng thời giảm lợi nhuận để chia sẻ với người tiêu dùng. Còn bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thông tin, mục tiêu của doanh nghiệp là kích thích tiêu dùng để bán được nhiều hàng hóa. Các doanh nghiệp luôn ý thức chia sẻ với người tiêu dùng, không để giá cả hàng hóa “leo thang”.
Theo Sở Công Thương thành phố, cơ quan này đang tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh để sớm ban hành kế hoạch liên kết với các tỉnh, thành phố trong đầu tư, thương mại, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp nhằm tăng cường năng lực sản xuất, hỗ trợ ứng dụng sản xuất xanh, tiết giảm chi phí đầu vào và cắt giảm các khâu trung gian trong phân phối, cung ứng hàng hóa. Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ tác động phần nào đến việc điều tiết giá cả hàng hóa tiêu dùng trong thời gian tới, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Qua đó, kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế.