Ký ức thiêng liêng gặp Bác Hồ trên đảo Ngọc

Gần 62 năm qua, những thanh thiếu niên Ngọc Vừng ngày ấy vẫn nhớ như in lời Bác dạy khi Người ra thăm đảo. Đó chính là động lực để họ vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hai năm vinh dự được gặp Bác ba lần

Cứ mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, ký ức về những lần được gặp Bác lại ùa về trong tâm trí Đại tá Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1942), nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh.

Ký ức thiêng liêng gặp Bác Hồ trên đảo Ngọc- Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Quang Vinh kể với vợ về những tấm ảnh thời chiến trường.

Đại tá Vinh sinh ra và lớn lên trên đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Tròn 18 tuổi, sau khi nhập ngũ và hoàn thiện khóa huấn luyện quân y, chiến sỹ quân y Nguyễn Quang Vinh được điều ra đóng quân tại Đồn Cô Tô. Vừa ra chưa được bao lâu, một tối, chỉ huy đồn quán triệt: "Ngày mai có nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo cấp cao ra thăm đảo".

"Sáng 9/5/1961, khi máy bay trực thăng chở lãnh đạo cao cấp đáp xuống, tôi mới biết đó là Bác Hồ. Lúc ấy, tôi nhỏ con, đeo túi thuốc bên hông chạy theo đoàn cán bộ bảo vệ Bác đi thăm một số nơi trên đảo và nghe được Bác căn dặn: "Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, phải hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phải cố gắng hơn nữa", ông Vinh nhớ lại.

Ông Vinh không thể quên được khoảnh khắc xúc động khi Bác quay sang hỏi: "Cháu làm nhiệm vụ gì ở đây?". Khi ông Vinh trả lời: "Thưa Bác, cháu là chiến sỹ quân y của đồn Công an vũ trang ạ", Bác dặn: "Bộ đội là phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, giúp đỡ nhân dân".

"Lời Bác dặn như vậy, đến giờ vẫn vang vọng bên tai tôi", đại tá Vinh tâm sự.

Vài tháng sau, ông được điều động về công tác tại thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) và lại may mắn được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác cùng Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-Tốp thăm vùng mỏ, thăm vịnh Hạ Long, nói chuyện với nhân dân thị xã Hòn Gai từ ngày 21-22/1/1962.

"Hôm ấy, đơn vị chúng tôi bảo vệ mục tiêu quanh chiếc tàu chở Bác ra thăm một hòn đảo trên vịnh Hạ Long. Khi biết đảo này chưa có tên trên vịnh Hạ Long, Bác đã đặt tên là đảo Ti-Tốp để thể hiện tình hữu nghị Việt - Xô", đại tá Vinh cho hay.

Và lần thứ 3 đại tá Vinh được gặp Bác Hồ là khi Người ra thăm quân và dân xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn.

"Lần nào được gặp Bác cũng là kỷ niệm thiêng liêng. Nhưng có lẽ, lần được gặp Bác khi Người thăm xã đảo Ngọc Vừng để lại nhiều ấn tượng nhất, bởi đây chính là nơi mình sinh ra và lớn lên", đại tá Vinh chia sẻ.

Lời bác dạy theo bước quân hành

Sáng 11/12/1962, chiến sỹ trẻ Nguyễn Quang Vinh được phân công tham gia bảo vệ đoàn cán bộ cấp cao ra thăm quân và dân trên đảo Ngọc Vừng. Khi chiếc máy bay hạ cánh xuống cạnh đảo, cửa máy bay từ từ mở ra. Một ông cụ râu tóc bạc phơ từ trên máy bay bước xuống.

"Bác đi về phía nhân dân trên đảo, hỏi thăm tình hình của người dân, giáo viên, bộ đội. Bác lấy kẹo chia cho học sinh. Rồi Bác căn dặn, động viên học sinh Ngọc Vừng ra sức học tập tốt", ông Vinh kể.

Sau khi kết thúc khóa tân binh, ông Vinh được cử đi học sỹ quan tại Sơn Tây. Đầu tháng 9/1969, khi Bác Hồ mất, ông được chọn làm lực lượng tiêu binh trong những ngày tổ chức viếng Bác ở Hà Nội.

Qua những lần gặp Bác, được nghe Người dạy, từ một chiến sỹ trẻ, Nguyễn Quang Vinh đã nỗ lực phấn đấu, trở thành Đại tá, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Dấu chân của ông đã vượt qua dãy Trường Sơn tham gia đoàn quân vào miền Nam đánh giặc, trải qua nhiều trận đánh sinh tử, từng bị thương nặng khi tiến về Sài Gòn đầu tháng 4/1975.

Rồi những ngày chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông lại cùng đồng đội luồn sâu, trinh sát nắm tình hình khắp các đồn trên tuyến biên giới Quảng Ninh để tham mưu cho cấp trên có những kế hoạch tác chiến bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia và làm Chủ tịch Hội Nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ninh. Hai con trai của ông cũng noi theo gương cha đều phấn đấu, trưởng thành. Hiện, con lớn của ông là cán bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, con trai thứ 2 sinh năm 1975 cũng đã là Đại tá, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ Biên phòng tỉnh Quảng Ninh.

Đảo Ngọc vang vọng lời Bác năm xưa

Dẫu tuổi đã cao, nhưng khi nghe PV hỏi về thời khắc được gặp Bác Hồ khi ra thăm xã đảo Ngọc Vừng gần 62 năm trước, nhiều người vẫn nhớ như in.

Ký ức thiêng liêng gặp Bác Hồ trên đảo Ngọc- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Trang kể lại thời khắc được gặp Bác Hồ.

Ông Nguyên Minh Trang, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh kể: "Hôm ấy, khi chúng tôi đang học thì được thông báo Bác Hồ đến thăm đảo. Cả trường vỡ òa vui sướng rồi cùng chạy nhanh về góc đảo, nơi máy bay chở Bác đỗ xuống. Sau khi Bác xuống máy bay đã ân cần hỏi thăm cán bộ, nhân dân và dặn học sinh: "Cố gắng học tập, ngoan ngoãn, sau này chiến đấu, xây dựng đảo tiền tiêu".

Sau khi phát kẹo, Bác hỏi về Năm điều Bác Hồ dạy. Khi nghe tôi trả lời rõ ràng, mạch lạc, Bác xoa đầu tôi và khen: "Các cháu thiếu nhi ở đảo giỏi quá". Vui nhất là khi Bác bắt nhịp cho chúng tôi hát bài "Kết đoàn". Tiếng hát của thiếu nhi cùng với tiếng vỗ tay rộn ràng cả một vùng biển, đảo...

Làm theo lời Bác dạy, Nguyễn Minh Trang đã tích cực tham gia công tác đoàn thể, sát cánh phục vụ chiến đấu, được kết nạp Đảng khi tròn 20 tuổi. Sau này, ông được cử đi học đại học rồi về huyện công tác, trở thành Chủ tịch huyện Vân Đồn rồi Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh.

Ký ức thiêng liêng gặp Bác Hồ trên đảo Ngọc- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lan xúc động chỉ vào bức ảnh chụp với Bác khi Người ra thăm đảo Ngọc Vừng.

Trong số những thanh, thiếu niên của xã Ngọc Vừng được gặp Bác Hồ ngày ấy, bà Nguyễn Thị Lan, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng là người "bám trụ" ở đảo lâu nhất.

Trong ngôi nhà nhỏ của mình ở thôn Bình Ngọc, xã Ngọc Vừng, bà Lan chỉ vào bé gái đứng gần Bác Hồ trong tấm ảnh, khoe: "Hôm ấy trời nắng nhẹ, tiết trời dịu mát, chúng tôi đang học trong lớp thì nghe tiếng máy bay trực thăng. Cả cô giáo và học sinh đều chạy nhanh về phía đơn vị bộ đội đảo.

Từ trên máy bay, một cụ già râu, tóc bạc phơ bước xuống. Mọi người hô to: "Bác Hồ, Bác Hồ!". Rồi Bác ân cần chia kẹo cho thiếu nhi chúng tôi. Lúc chụp ảnh, tôi may mắn được đứng gần Bác".

Sau này lớn lên, Nguyễn Thị Lan thủa ấy đã phấn đấu học tập, trưởng thành. Bà Lan từng có 19 năm là Bí thư Đảng ủy xã và 10 năm làm Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho đến khi nghỉ hưu và sinh sống tại xã. Nhà bà Lan bây giờ chỉ cách nơi Bác Hồ xuống máy bay thăm đảo năm xưa chừng vài trăm mét.

Theo ông Nguyễn Văn Khơi, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng, lời dạy của Bác Hồ đã thành động lực cho nhiều thế hệ thanh, thiếu niên xã Ngọc Vừng phấn đấu vươn lên thi đua học tập, lao động sản xuất. Trong chiến đấu, xã đảo vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Hiện nay, địa phương đang tận dụng những lợi thế khác biệt, riêng có để xây dựng xã nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tuyến đường xuyên đảo kinh phí 200 tỷ đồng đang được thi công, khi hoàn thành sẽ là động lực quan trọng để xây dựng Ngọc Vừng thành "viên ngọc sáng" vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Quang Minh / Báo Giao thông