Đã 30 năm trôi qua kể từ trận Gạc Ma (1988), ký ức đầy máu và nước mắt vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người thương binh hạng 1/4.
Gặp tôi trong những ngày tháng 3, anh Nguyễn Văn Thống (ở thôn Nhân Hải, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), người đi trên một trong ba chiếc tàu ra xây dựng đảo Gạc Ma, chỉ vào những vết thương trên cơ thể hồi tưởng lại cuộc chiến “cả đời này chẳng thể nào quên”.
Đối với anh Nguyễn Văn Thống, trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 là những dòng ký ức chẳng thể nào quên.
"Mẹ ơi! cứu con"
Ngược thời gian, trở về quá khứ của 30 năm trước, khi ấy anh Nguyễn Văn Thống là một thanh niên miền biển thật thà, chất phác.
Ngày 11/3/1988, anh được lệnh cùng đồng đội ra xây dựng đảo Gạc Ma. Ngày hôm ấy có 3 tàu mang số hiệu HQ. 604; HQ. 505 và HQ. 606 được lệnh ra đảo và anh Thống đi trên tàu HQ. 604.
Sau 3 ngày lênh lênh trên biển, chiều 13/3/1988, các con tàu chở những người lính ra xây dựng đảo Gạc Ma đến nơi.
Anh Nguyễn Văn Thống kể: “6h ngày 14/3/1988, các đồng đội cùng nhau thức dậy, mọi chuyện vẫn chưa có gì. Một tiếng sau thì anh em thấy tàu Trung Quốc xuất hiện.
Sau đó, quân Trung Quốc lái ca nô đến và nói đây là đảo của họ và bắt quân mình rời đi. Tuy nhiên, chúng tôi đáp lại họ rằng, đây là đảo của Việt Nam. Lúc sau, thấy quân Trung Quốc cắt dây neo tàu, chúng tôi lại ra nối lại”.
Theo anh Thống, cùng lúc này, Thiếu uý Trần Văn Phương (quê Quảng Bình) dẫn đầu một đoàn tiến vào đảo Gạc Ma cắm cờ để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Thế nhưng, khi anh Phương đang cắm cờ, quân Trung Quốc liền xả súng vào anh và các đồng đội.
“Lúc đó, người anh Phương đầy các vết đạn và máu nhưng khi gục xuống anh vẫn giữ vững lá cờ Tổ quốc trên tay”, anh Nguyễn Văn Thống sụt sùi kể.
Tay và chân anh Thống chi chít những vết thương do quân Trung Quốc gây ra.
Anh Thống kể tiếp: “Giây phút đó lòng tôi đau như cắt, quân Trung Quốc bắn như mưa vào tàu của quân ta. Bị chúng bắn, tôi và các đồng đội không có vũ khí để chống trả, chỉ biết gọi "mẹ ơi cứu con với! con chết rồi mẹ ơi!”.
Sau khi hứng hỏa lực mạnh của Trung Quốc, tàu của quân ta dần chìm xuống biển. Khi ấy, anh Nguyễn Văn Thống bị thương nặng cũng chìm theo tàu. May thay, anh bám được vào khúc gỗ và dần ngoi lên mặt nước và lênh đênh trên mặt biển.
“Tôi bám trên khúc gỗ lênh đênh trên biển suốt nhiều giờ đồng hồ. Đến chiều, thấy có tàu xuất hiện tôi mừng lắm, nhưng tiến gần lại thì hóa ra là tàu Trung Quốc.
Chúng nói tôi đầu hàng, nhưng tôi đáp lại "người lính Việt Nam không biết đầu hàng" và từ từ ngất lịm đi”, thương binh Nguyễn Văn thống hồi tưởng.
Suýt bị cắt tay, chân trong nhà tù Trung Quốc
Những ngày sau đó, anh Trần Văn Thống chìm trong mê man bất tỉnh. Những vết thương của anh bị nhiễm trùng và bốc mùi hôi thối khiến lính Trung Quốc phải đưa anh vào khu vực cách ly.
“Lúc tỉnh dậy thấy có bác sĩ tiến đến đề nghị tôi phải cắt bỏ tay chân thì họ mới cứu tôi được. Nếu không cắt bỏ, vết nhiễm trùng nặng thêm và không điều trị được.
Khi nghe câu đó tôi liền đáp, chết thì chết, đồng đội đã hy sinh còn thân xác này sống trong bộ dạng đó để làm gì”, anh Thống kể.
Về sau, bác sĩ Trung Quốc đổi thuốc điều trị và sát trùng vết thương cho anh Thống. Khoảng 4 ngày sau, có một bác sĩ đến nói, đã cứu sống được anh và không phải cắt bỏ tay chân. Sau đó, anh Thống điều trị vết thương suốt 3 tháng ở nhà tù Trung Quốc.
Thương binh trở về sau giấy báo tử
“Sau đó, có người đến hỏi tôi, anh muốn ở đây hay về với đồng đội. Nghe thế tôi mừng lắm, không ngờ đồng đội mình vẫn còn người sống. Tôi không cần suy nghĩ và nói với họ rằng muốn về với đồng đội và được họ đưa đi”, anh Thống nói.
Anh Thống được đưa về giam tại trại giam ở Lôi Châu. Tại đây, anh được gặp lại nhiều đồng đội cùng đi trên những chuyến tàu ra đảo Gạc Ma.
“Thấy tôi bị thương nặng nên anh em thương và giúp đỡ nhiều lắm. Mọi sinh hoạt đều được đồng đội tận tình hỗ trợ. Nửa năm sau tôi mới dần bình phục”, anh Thống xúc động nói.
Người thương binh này nhớ lại anh và các đồng đội hay bị lính Trung Quốc gây gổ nên thường xuyên xảy ra xô xát. Họ đều cho rằng không sớm thì muộn cũng sẽ chết nơi đất khách quê người.
Giấy báo tử của anh Thống.
“Những ngày sống bị giam lỏng là chuỗi ngày buồn bã, từng diễn biến xảy ra, nỗi nhớ gia đình tôi đều gửi gắm vào những trang bút. Tiếc thay, sau nhiều năm chúng đã bị thất lạc”, anh Thống kể.
Ngày bị bắt, đồng đội ngỡ anh Thống đã hy sinh nên làm giấy báo tử gửi về gia đình. Sau đó, gia đình anh tổ chức ma chay và lập bàn thờ.
“Mãi sau này, khi được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến thăm và giúp gửi thư về thì gia đình mới biết chúng tôi còn sống và đang bị bắt làm tù binh tại Trung Quốc”, anh Thống cho hay.
Bị giam giữ tại Trung Quốc hơn 3 năm, đến năm 1991, anh Thống cùng đồng đội được trả về Việt Nam.
Nhớ lại ngày về nước, anh Thống ngẫm nghĩ hồi lâu, khóe mắt rưng rưng nước: “Trở về trong bộ dạng là một người thương binh nặng tôi buồn lắm, không biết phải làm gì để báo hiếu với bố mẹ.
Ngày đó, đồng đội được về sum họp với gia đình sớm còn tôi phải ở lại điều trị ở bệnh viện dành cho lính Hải quân tại Hạ Long. Phải mất gần 3 tháng sau tôi mới được về với gia đình. Ngày về tôi được dân làng ra đón đông lắm. Nước mắt tôi tuôn trào khi được ôm chầm lấy bố mẹ”.
Anh Thống đã mang tờ giấy báo tử đi ép lại để bảo quản và coi đó là kỷ vật về trận chiến Gạc Ma bi hùng.
Một năm sau ngày trở về từ nhà tù Trung Quốc, anh Thống lấy chị Phạm Thị Thuyết ở gần nhà làm vợ. Hiện tại, anh chị đã có với nhau 2 người con. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng gia đình anh rất hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Thống luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được gặp lại các đồng đội năm xưa còn sống và quay lại thăm chiến trường, nơi chính mắt anh chứng kiến đồng đội của mình bị quân Trung Quốc sát hại.
Video: Sống lại ký ức Gạc Ma
Toàn cảnh trận hải chiến đảo Gạc Ma năm 1988 khiến 64 chiến sĩ hy sinh
Ngày 14/3 cách đây 30 năm, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma ... |
Khoảnh khắc Trung Quốc xả đạn vào chiến sỹ bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma
Những người lính tham gia trận hải chiến Gạc Ma 29 năm về trước kể lại, họ đã phải dùng các hộp đạn ghép làm ... |
Thảm sát ở Gạc Ma 1988: Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc
Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để cả thế giới biết đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc, ... |