Chỉ trong 1 tuần của tháng 4/2025, hai bệnh nhân có tiên lượng tử vong cao, đã được ghép phổi thành công, hồi sinh sự sống tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Tại lễ kỷ niệm 116 năm ngày sinh BS Phạm Ngọc Thạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, nguyên Viện trưởng Viện chống lao Trung ương - tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương và kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Ghép phổi, TS.BS.TTƯT Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, 2 ca đại phẫu đặc biệt này đã nâng tổng số ca ghép phổi thành công của Bệnh viện Phổi Trung ương lên 6 ca.
Trên cả nước, sau hơn 30 năm phát triển kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.000 ca nhưng trong số này chỉ có 14 ca ghép phổi. Riêng trong năm 2024, Bệnh Viện Phổi Trung ương thực hiện thành công 3 ca ghép phổi toàn diện cho người bệnh từ người hiến chết não cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong nước.
Ca ghép phổi đầu tiên được Bệnh viện thực hiện cách đây 5 năm. Toàn bộ các ca ghép này đều được Bệnh viện thực hiện thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Trung tâm Ghép phổi UCSF, trường Đại học California tại San Francisco - Trung tâm Y học uy tín nhất tại Hoa Kỳ.
"Mỗi ca ghép phổi đều là những thử thách lớn của y học, ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong lịch sử ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam. Đặc biệt, 6 ca ghép như tiêu chuẩn cao nhất tại Mỹ được triển khai thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã đưa ghép phổi trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện", TS Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.
Hai bệnh nhân nữ may mắn vừa được ghép phổi thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh nhân C.T.P 54 tuổi, ở Hà Nội và bệnh nhân Q.T.T 37 tuổi, ở Thanh Hoá.
Phổi được ghép cho bệnh nhân 54 tuổi được điều phối, vận chuyển hàng không, bảo quản nghiêm ngặt từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) ra Bệnh viện Phổi Trung ương. Đây cũng là ca ghép phổi "xuyên Việt" đầu tiên ở nước ta.
Sau 6 tiếng di chuyển, đến 22h37 phút ngày 11/4, tạng phổi từ người hiến là nam bệnh nhân, 38 tuổi đã được ghép cho người bệnh C.T.P với ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, dưới sự phối hợp của hàng chục chuyên gia, phẫu thuật viên.
Trước khi được ghép phổi, bệnh nhân bị bệnh phổi giai đoạn cuối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa. Từ năm 2023, bệnh nhân bắt đầu thở ôxy 6 tiếng mỗi ngày tại nhà, tiên lượng tử vong rất cao.
Tạng phổi thứ hai được ghép cho bệnh nhân Q.T.T được nhận từ một nam thanh niên, 35 tuổi (được đánh giá chết não tại Bệnh viện Bạch Mai). Sau khi lấy tạng, ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 7 tiếng, từ 18h tối 18/4 đến 1h sáng 19/4 đã thành công.
Trước khi ghép phổi, nữ bệnh nhân này bị mắc bệnh lý u cơ trơn bạch (LAM). Bệnh nhân phải thở ôxy 14 – 16 tiếng mỗi ngày trong 2 tháng trở lại đây. Người bệnh đứng trước nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu không được ghép phổi.
Sau khi được ghép phổi, các chỉ số sức khoẻ của cả hai người bệnh đều hồi phục tốt.
Cùng với sự phối hợp của các chuyên gia, đơn vị, các bệnh viện trong nước và quốc tế (Bệnh viện E, Trung tâm Điều phối ghép tạng và cơ thể người, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115…), 2 ca đại phẫu này đã nối dài những kỳ tích về ghép phổi là thành tựu tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khoẻ người bệnh và nhân dân.
Hiện thực hoá xây dựng Trung tâm ghép phổi vùng
Cách đây 5 năm, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương được thành lập để "hiện thực hóa giấc mơ" ghép phổi cứu sống người bệnh. Trong đó, việc quản lý người bệnh trước ghép và chăm sóc người bệnh sau mổ là những yếu tố quan trọng quyết định sự sống của người bệnh được ghép phổi.
Trung tâm đã làm chủ và đưa kỹ thuật ghép phổi trở thành thường quy tại Bệnh viện.
Trong thời gian tới, trọng tâm là năm 2025, để hoàn thành xây dựng Trung tâm Ghép phổi vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, TS Đinh Văn Lượng cho biết, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ quyết tâm khẩn trương rà soát quy hoạch tổng thể, lập phương án quy hoạch tổng mặt bằng Bệnh viện Phổi Trung ương, đề xuất phương án xây dựng, cải tạo Bệnh viện; hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, đào tạo chuyển giao công nghệ ghép tạng, tiên phong trong kỹ thuật ghép phổi; tập trung đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; tiếp tục đầu tư, mua sắm đổi mới trang thiết bị hiện đại…
Hiện, trên cả nước có khoảng 900 người bệnh vẫn đang chờ được ghép phổi. Được biết, chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam thuộc mức thấp so với thế giới, nhưng chi phí này là gánh nặng tài chính lớn, vượt quả khả năng chi trả đối với nhiều gia đình.
Vì vậy ,để có thêm nhiều người bệnh có thể tiếp cận với kỹ thuật ghép phổi, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, TS Đinh Văn Lượng cho biết, chúng ta cần có cơ chế chi trả từ nguồn BHYT và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hoá khác.