Sau khi tiếp cận kênh Amazon, hàng trăm sản phẩm đã đến tay khách hàng. Từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với vỏn vẹn 4 nhân viên, doanh nghiệp đã vươn lên thành xưởng sản xuất rộng 300 m2 với 35 nhân viên.
Đưa hàng Việt lên sàn quốc tế
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình khi chuyển sang bán hàng online trên Amazon, chị Hân Nguyễn, chủ một thương hiệu Việt mang tên Andre Gift Shop, cho biết, trước khi bán hàng quốc tế trên Amazon, đơn vị này chủ yếu chỉ bán ở Việt Nam và bán buôn cho một số khách nước ngoài. Tuy nhiên, không bán trực tiếp cho các khách hàng nước ngoài đã làm hạn chế khả năng nắm bắt sở thích của người tiêu dùng và mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2013, chị Hân đã tìm thấy cơ hội đưa sản phẩm ra toàn thế giới với Amazon. Mặc dù thời điểm này, thương mại điện tử chưa thật sự bùng nổ tại Việt Nam nhưng Amazon là cái tên được cả thế giới biết đến.
Theo chị Hân, nước ngoài là thị trường tiềm năng của sản phẩm thủ công “made in Vietnam”. Doanh số từ Amazon chiếm 50% trong bán hàng trực tuyến của công ty. Từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với vỏn vẹn 4 nhân viên, doanh nghiệp đã vươn lên thành xưởng sản xuất rộng 300 m2 với 35 nhân viên.
Sản phẩm Việt trở thành mặt hàng hot trên Amazon (ảnh chụp màn hình) |
Cũng là một trong những doanh nghiệp thủ công “handmade” thành danh trên Amazon, Tony Triệu, chủ của Ecomstone, từng chia sẻ câu chuyện của mình. Theo anh, những sản phẩm của người Việt đã đạt đến độ tinh xảo và có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Thay vì nhập khẩu, sao mình không đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế?
Anh trăn trở, phải tìm cách “tự động hóa” doanh nghiệp. “Tôi cho sản phẩm \'go global\' ngay trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) chứ không đi theo con đường truyền thống. Cái tên đầu tiên tôi nghĩ đến là Amazon", Tony Triệu kể lại.
Chỉ sau một năm lên sàn, với sự hỗ trợ của chương trình Amazon Global Selling, doanh thu của Ecomstone đã tăng hơn 150%. Điều khiến Tony Triệu tâm đắc không chỉ là chuyện kinh doanh mang lại hiệu quả mà anh có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình vì mọi thứ gần như anh đã “giao phó” cho Amazon.
Những câu chuyện trên là minh chứng cho tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới. Các nghiên cứu cho thấy đến năm 2022, giá trị TMĐT trên toàn thế giới sẽ đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, gấp 6 lần so với kinh doanh truyền thống.
Chổi đót, nón lá gây sốt
Thời gian qua, nhiều sản phẩm “made in Vietnam” xuất hiện trên Amazon khiến người Việt tự hào. Mới đây, sản phẩm sản phẩm bún khô, bánh tráng của ông chủ trẻ Duy Toàn đã xuất hiện trong top tìm kiếm nhiều nhất trang thương mại điện tử toàn cầu Amazon chỉ sau một thời gian ngắn lên kệ.
Tham vọng đưa nông sản Việt ra thế giới, Toàn đã dành nhiều thời gian để đưa những sản phẩm bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, bánh tráng gỏi cuốn Mr Rice mới có mặt trên Amazon.
Việc hợp tác với trang thương mại điện tử toàn cầu Amazon được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng triệu khách hàng trên thế giới của Amazon.
Chổi đót bán được 13 USD (ảnh tại sự kiện của TMĐT) |
Mới đây nhất, cà phê Trung Nguyên đã bắt tay với Amazon mở “siêu thị cà phê” trên sàn thương mại điện tử này. Lãnh đạo Trung Nguyên cho biết, đây là cơ hội giúp tập đoàn tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Điều thú vị là các sản phẩm Việt bán chạy trên Amazon không quá "cao siêu" mà rất gần gũi như chổi đót, nón lá, túi mây tre đan,... với doanh thu cao. Hộp dầu cao sao vàng của Việt Nam đang là mặt hàng “hot” trên các trang Amazon cho dù giá cao gấp mấy chục lần so với thị trường trong nước.
Hay như một chiếc giỏ mây “made in Vietnam” đã lọt vào Top 10 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn Amazon sau 7 ngày đưa lên và tên của giỏ này trở thành top 3 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hơn 200 doanh nghiệp Việt đã tham gia bán hàng trên chợ điện tử Amazon, nếu tính cả các cá nhân, con số cao hơn rất nhiều. Một số hàng Việt thuộc nhóm thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống Việt đang được nhà bán lẻ online này quan tâm.
Xuất khẩu thông qua thương mại điện tử là xu hướng tất yếu và ngày càng trở thành kênh quan trọng cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp. Thông qua Amazon, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển kinh doanh trên toàn cầu và xây dựng các thương hiệu quốc tế.
Amazon có trang thương mại điện tử tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ và danh mục hàng hóa hết sức đa dạng. Các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon đến từ hơn 130 quốc gia khác nhau. Đặc biệt, Amazon có 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.
Covid-19 đang khiến hoạt động xuất khẩu đi xuống. Trong khi đó, thương mại điện tử, đặc biệt ở một số khu vực trên thế giới, phát triển rất mạnh bất chấp dịch bệnh. Nắm bắt xu hướng này cũng như hiện thực hóa khát vọng chinh phục toàn cầu, thương mại điện tử mở ra con đường ngắn hơn để đưa nông sản Việt thị trường thế giới.
Duy Anh
Giá trị 4 hãng công nghệ Mỹ cùng vượt 1.000 tỷ USD
Lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 xuất hiện, vốn hóa Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet cùng đạt trên 1.000 tỷ USD. |
SHB được lựa chọn là đối tác tài chính của Amazon tại Việt Nam
Ngày 4/12/2019, tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề “Vươn mình ra biển lớn” tổ chức ở TPHCM, Tập ... |