Kỷ luật nữ bác sĩ gác chân lên ghế đối thoại người nhà bệnh nhân

Bệnh viện Mắt Trung ương hạ một bậc thi đua tháng 9 với bác sĩ Minh bởi tư thế gác chân lên ghế đối thoại với người nhà bệnh nhân.
 

Bác sĩ gác chân lên ghế và giới hạn của sự thù hằn, công kích
Trần tình của bác sĩ gác chân lên ghế đối thoại người nhà bệnh nhân
Nữ bác sĩ gác chân lên ghế đối thoại người nhà bệnh nhân

Xem xét sự vụ bác sĩ Nguyễn Thị Minh, khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) gác chân lên ghế khi trao đổi với người nhà bệnh nhân, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện cho biết quá trình thăm khám của bác sĩ với bệnh nhi là đúng quy định và quy trình chuyên môn. Lời nói khi đối thoại với người nhà bệnh nhân của bác sĩ Minh cũng đúng mực, có giải thích rõ ràng. Bác sĩ Minh cũng xử trí đúng trong quyết định chuyển hội chẩn khi người bệnh còn thắc mắc. Tuy nhiên, tư thế ngồi của nữ bác sĩ khi trao đổi với người nhà bệnh nhân là chưa phù hợp.

Nữ bác sĩ gác chân lên ghế trong khi đối thoại với người nhà bệnh nhân

Bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ Minh rút kinh nghiệm, chấn chỉnh tác phong, tư thế khi tiếp xúc với người bệnh và thân nhân bệnh nhân.

Bệnh viện cũng xác định, sai phạm của bác sĩ Minh là do vô ý, không gây tổn thất cho người bệnh, không ảnh hưởng đến kết quả khám bệnh. Viện đề nghị cho bác sĩ Minh tiếp tục làm công tác chuyên môn tại khoa, song hạ một bậc thi đua trong tháng 9.

Trước đó một video dài hơn bảy phút xuất hiện trên mạng ghi hình ảnh nữ bác sĩ Minh gác chân lên ghế khi đối thoại người nhà bệnh nhân. Người đàn ông trong video bức xúc sau khi nghe vợ kể "bác sĩ khám cho con mình bằng cách vạch mắt ra xem, không dùng bất cứ thiết bị máy móc kiểm tra nào" và chỉ ghi trong sổ khám bệnh là cận thị nặng. Ông bố yêu cầu bác sĩ khám lại cẩn thận cho con.

Chia sẻ với VnExpress.net sau đó, bác sĩ Minh khẳng định đã khám đầy đủ, bé được đo thị lực, chỉnh kính và không có chuyện chỉ “vạch mắt xem” như bố bé phản ứng. Trước khi được bác sĩ khám, bệnh nhi đã được hai điều dưỡng đo khúc xạ mắt bằng máy đo khúc xạ tự động, thử thị lực và chỉnh kính sơ bộ bằng máy đo thị lực. Sau đó bác sĩ Minh khám độ lác, vận nhãn, soi đáy mắt và đưa ra chẩn đoán "2M: cận thị (bệnh nhân đến khám lần đầu chưa đeo kính bao giờ)".

Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân mỏi mắt, thị lực chỉnh kính không đạt tối đa nên đã ghi đơn thuốc, hẹn khám lại sau năm ngày để xác định độ cận thị chính xác. Trên tờ phiếu khám của bé có ghi chi tiết về kết quả khúc xạ.

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/ky-luat-nu-bac-si-gac-chan-len-ghe-doi-thoai-nguoi-nha-benh-nhan-3651805.html

/ Theo Phương Trang/Vnexpress