Với những chứng cứ tìm được trong gần 7 năm qua, em trai của bị cáo Bùi Mạnh Giáp rất hy vọng anh mình được tuyên vô tội trong phiên tòa phúc thẩm ngày 23/9.
Liên quan đến kỳ án kêu oan suốt 7 năm ở Quảng Ninh, ngày 23/9 sắp tới, sau 1 tháng tạm hoãn, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh sẽ mở lại phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Bùi Mạnh Giáp (36 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội) về tội "Cướp tài sản" (xảy ra cuối năm 2012).
Từng bị TAND thành phố Móng Cái tuyên phạt 7 năm tù về tội này, bị cáo Bùi Mạnh Giáp đã nộp đơn kháng cáo kêu oan lên TAND tỉnh Quảng Ninh đề nghị xét xử phúc thẩm lại.
Phiên tòa hình sự phúc thẩm mở ngày 23/8/2019. |
Trong số 7 luật sư và người bào chữa tham gia bào chữa cho Bùi Mạnh Giáp có anh Bùi Văn Khương (sinh năm 1988), em ruột của bị cáo.
Ít ai biết rằng, gần 7 năm sau khi người anh vướng vòng lao lý cũng là từng ấy thời gian, mồ hôi, nước mắt và đắng cay theo chân anh Khương đi khắp mọi nẻo đường.
Anh đến mọi nơi cần đến, tìm kiếm nhân chứng, vật chứng, gõ cửa các cơ quan từ trung ương đến địa phương để kêu oan cho anh.
Bị cáo có đến 7 luật sư và người bào chữa tham gia bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm lần 2. |
Qua 4 phiên tòa, từ sơ thẩm đến phúc thẩm, rồi quay lại sơ thẩm và phúc thẩm lần hai, gia đình và bản thân bị cáo cùng những người quan tâm đến vụ án đang chờ đợi ở phiên tòa phúc thẩm lần này một phán quyết sáng suốt, đúng pháp luật.
Nước mắt đời cửu vạn
Trả lời VTC News, anh Bùi Văn Khương cho biết, không biết số phận xui khiến thế nào mà đang làm ở vị trí kha khá trong một công ty ở khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), năm 2011, anh Bùi Mạnh Giáp (sinh năm 1983) lại bỏ việc, ra thành phố Móng Cái làm cửu vạn - bốc vác hàng hóa cho các chủ hàng ở khu vực sông Ka Long.
Khoảng tháng 7/2012, khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, trong lúc chờ lấy bằng, Bùi Văn Khương quyết tâm ra Móng Cái để tìm hiểu công việc, sinh hoạt của anh mình.
Anh em gặp nhau ở bến xe Móng Cái, trên đường trở về phòng trọ ở khu vực đường biên phường Hải Hòa, anh Giáp nói với anh Khương: “Ở đây cửu vạn tứ phương, đường biên phức tạp nên khi về phòng trọ, anh sẽ nói với mọi người rằng em chỉ là đứa em cùng quê ra đi làm cho đỡ phức tạp nhé”.
“Về đến phòng trọ, tôi khá bất ngờ vì công việc của anh là cai thầu cửu vạn. Ngay đêm hôm đó, tôi cũng đi bốc vác với nhóm cửu vạn đến sáng mới về, công việc thực sự quá vất vả. Những người làm cho anh Giáp đến rồi đi, có người chỉ làm được 1- 2 ngày vì không chịu đựng nổi” – Khương nhớ lại.
Gần 2 tháng làm cửu vạn trong nhóm bốc vác của nhóm anh trai, Khương về Hà Nội để lấy bằng đại học và xin việc làm. Ngày về, anh Giáp đưa cho em 15 triệu đồng, vừa là tiền công và gửi thêm cho bố mẹ trang trải cuộc sống.
“Cầm tiền trong tay, lúc trên xe về Hà Nội, tôi ứa nước mắt khi nhớ lại những đêm mình đi bốc hàng mà nước mưa, mồ hôi và nước mắt hòa làm một. Cũng kể từ đó, tôi luôn vô cùng trân trọng những người lao động chân chính, dù họ là ai, làm công việc gì” – anh Khương bộc bạch.
Hiện trường vụ cướp đò trên sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) xảy ra cuối năm 2012. |
Về nhà được 3 tháng, khoảng 19h ngày 18/12/2012, Khương nhận cuộc điện thoại báo: “Anh Giáp bị Công an Móng Cái bắt, anh ấy nhắn em ra ngay để giải quyết”, liền khăn gói bắt xe ra Móng Cái để tìm hiểu.
Tại khu vực nhà trọ anh Giáp ở, hàng xóm đều nói anh bị bắt oan cùng mấy cửu vạn do bị nghi liên quan đến vụ cướp gì đó.
“Vì đã có một thời gian làm bốc vác ở đây và luôn tin tưởng anh mình là người tử tế nên tôi luôn giữ niềm tin anh Giáp vô tội, chắc chắn việc này có gì uẩn khúc. Làm gì có chuyện đã đi bốc hàng rất mệt từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm mới về phòng trọ mà khi nghe anh Giáp nói một câu, 10 cửu vạn tứ phương lại răm rắp nghe theo để đi cướp” – anh Khương nhận định.
Bị cáo Bùi Mạnh Giáp tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai. |
Cũng từ đó, Bùi Mạnh Giáp bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, xét xử. Anh Khương cho biết, trong gần 7 năm, Giáp bị bắt 3 lần, được thả 2 lần. Tính đến nay, anh đã bị giam giữ hơn 1.257 ngày, tinh thần vô cùng mệt mỏi.
“Sau mỗi phiên tòa trở về nhà, bố mẹ tôi thường nói: “Bố mẹ mệt mỏi, đau khổ, phẫn uất vô cùng, bây giờ chỉ muốn ngủ một giấc mà đừng bao giờ tỉnh lại nữa”. Câu nói đó khiến tôi thực sự ám ảnh và càng quyết tâm, lầm lì hơn trong hành trình kêu oan” – anh Khương chia sẻ.
Người mẹ già của bị cáo chỉ biết đứng dưới khóc nhìn con. |
Muôn nẻo đường đi tìm chứng cứ kêu oan
Vì tin anh mình vô tội, cộng với từng học luật nên Bùi Văn Khương quyết định cùng các luật sư tham gia bào chữa cho anh Giáp. Gần 7 năm, Khương không thể nhớ chính xác mình đã đi bao nhiêu chuyến từ Mê Linh (Hà Nội) xuống Móng Cái, Hạ Long để thăm gặp, tiếp tế cho anh trai, bao nhiêu lần làm việc với các cơ quan tố tụng, sao chụp hồ sơ vụ án, tham gia các buổi hỏi cung...
Khương cũng không thể nhớ đã phô tô bao nhiêu cân tài liệu hồ sơ vụ án, gửi mấy trăm lá đơn gửi đi khắp nơi để kêu oan cho anh Giáp.
Bùi Văn Khương tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm. |
Anh Khương cùng nhà báo, luật sư đã lặn lội đi hơn 10 tỉnh, thành để thu thập chứng cứ, tìm các nhân chứng mà cơ quan tố tụng Móng Cái kết luận là không xác định được nhân thân, lai lịch. Anh cũng đã đến 7 trại giam để gặp phạm nhân và những người bị tố giác. Kết quả là 26 tài liệu quan trọng mà luật sư đã giao nộp cho tòa án.
Để có bức ảnh hiện trường đưa ra chứng minh cho luận cứ tại tòa, anh Khương đã phải lặn lội ra Móng Cái, chờ 3 ngày làm giấy thông hành sang Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) quay và chụp lại toàn cảnh hiện trường vụ án.
Song song với việc theo đuổi vụ án, Khương tranh thủ học thêm cao học ở Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tranh thủ đi đến các văn phòng luật sư, cơ quan báo chí, gặp những người làm việc trong tòa án, viện kiểm sát, những người có kinh nghiệm để xin tư vấn, giúp đỡ kêu oan cho anh Giáp.
Anh Khương cùng luật sư công bố các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm, do chính anh Khương thu thập. |
“Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định dùng tất cả thời gian, tiền bạc và công sức để kêu oan cho anh mình. Bố mẹ tôi không có lương hưu, còn tôi đã có vợ với 2 con nhỏ. Những đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng để ra được tháng nào cũng chỉ đủ tiền đi thăm gặp, tiếp tế cho anh Giáp tháng đó. Tôi đã bàn với bố mẹ phải bán đất, rồi tiếp tục thế chấp vay tiền ngân hàng để kêu oan, phải làm mọi thứ để kêu oan cho anh Giáp” – Khương chia sẻ.
“Lúc này, tôi và gia đình rất mong muốn những người có thẩm quyền, có trách nhiệm xem xét thật thấu đáo, kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, động lòng trắc ẩn, bằng lương tâm nghề nghiệp của mình và bằng nguyên tắc suy đoán vô tội được pháp luật quy định để tuyên trả tự do cho anh Giáp. Bởi tôi tin pháp luật nhân văn và những người được Nhà nước tin tưởng trao quyền sẽ không dùng chính pháp luật đó để bức hại dân lành” – anh Khương hy vọng.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ án này.
Vũ 'Nhôm' tiếp tục bị điều tra vì liên quan 13 triệu USD của DAB |
Gặp người bị cựu Viện phó VKS Đà Nẵng tống vào tù một cách mờ ám, đi kêu oan đến bại sản |
Đại gia Hứa Thị Phấn kêu oan bất thành |